Đoàn BĐQH TPHCM sẽ họp và có văn bản báo cáo UBTVQH và Ban Công tác đại biểu để xem xét bãi nhiệm tư cách ĐBQH của ông Phạm Phú Quốc.
Liên quan đến việc điều tra xác minh Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Phú Quốc có thêm quốc tịch “triệu đô”, mang hộ chiếu Cyprus (cộng hòa Síp), chiều nay (1/9), Đoàn ĐBQH TPHCM, Ban Tuyên giáo Thành ủy, UBND TPHCM tổ chức họp báo thông tin về vụ việc.
Tại cuộc họp báo, ông Hà Phước Thắng, Chánh Văn phòng UBND TPHCM khẳng định, khi các cơ quan chức năng giới thiệu ông Phạm Phú Quốc là đầy đủ theo tiêu chuẩn của ĐBQH. Đến tháng 12/2018, ông Quốc có thêm quốc tịch Síp nhưng không khai báo thể hiện sự không gương mẫu, không thành thật khai báo.
Họp báo thông tin về việc Đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc có 2 quốc tịch
Vừa qua ông Quốc cũng đã có đơn xin thôi nhiệm vụ ĐBQH, xin thôi nhiệm vụ Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận và cũng có đơn giải trình báo cáo về vấn đề này vào ngày 27/8.
Qua phản ánh của báo chí và đơn ông Phạm Phú Quốc, các đơn vị cũng đã rà soát lại, Đoàn ĐBQH Thành phố, Ban cán sự Đảng ủy ban, Ban tổ chức Thành ủy đã có báo cáo hướng xử lý.
Qua đề xuất của Đoàn ĐBQH TPHCM đã thống nhất hướng xử lý tập trung 3 hướng: Theo đó, trong tuần này, đoàn BĐQH TPHCM sẽ họp lại và có văn bản báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ban Công tác đại biểu để xem xét bãi nhiệm tư cách Đại biểu Quốc hội của ông Quốc.
Về mặt Đảng, lãnh đạo TPHCM giao Ban tổ chức Thành ủy, Ủy ban kiểm tra Thành ủy xem xét, đề xuất hướng xử lý trong tháng 9/2020. Ngay trong tuần này, UBND sẽ có quyết định đình chỉ chức vụ Tổng giám đốc của ông Quốc.
Trước đó, hãng tin Al Jazeera tung loạt bài viết cho biết chương trình hộ chiếu của Cộng hòa Síp (Cyprus) cho phép những ai đầu tư ít nhất khoảng 2,5 triệu USD sẽ sở hữu hộ chiếu nước này; đồng nghĩa cá nhân đó trở thành công dân EU, được đi lại, làm việc tự do ở 27 nước thành viên EU và có thể nhập cảnh vào 174 quốc gia mà không cần visa. ĐBQH Phạm Phú Quốc được Al Jazeera nêu tên trong danh sách những quan chức cấp cao đã mua “hộ chiếu vàng” nói trên.
ĐBQH Phạm Phú Quốc thừa nhận ông có quốc tịch Síp từ giữa năm 2018 nhưng “do gia đình bảo lãnh” chứ không phải ông tự “mua” quốc tịch như thông tin từ hãng tin Al Jazeera. Ông cũng là ĐBQH khoá XIV (nhiệm kỳ 2016-2021), thuộc Đoàn ĐBQH TP HCM.
Ông Phạm Phú Quốc năm nay 52 tuổi, quê quán Quảng Trị, là Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC – doanh nghiệp 100% vốn nhà nước) và là cán bộ thuộc diện UBND TP.HCM quản lý. Trước đó ông từng giữ các chức vụ Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển TP HCM, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP HCM, Chủ tịch hội đồng thành viên Tổng công ty Bến Thành TNHH MTV.
Theo luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Tổ chức Quốc hội vừa được Quốc hội khóa 14 thông qua vào tháng 6 năm nay, ĐBQH Việt Nam chỉ được phép có 1 quốc tịch. Tuy nhiên, luật này đến 1/1/2021 mới có hiệu lực.
Năm 2016, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, cựu ĐBQH của Hà Nội, đã bị bác tư cách đại biểu vì sở hữu 2 quốc tịch nhưng không khai báo trong hồ sơ ứng cử./.
Nguồn: VOV.vn