Thủ tướng nhấn mạnh phải làm rõ trách nhiệm trong bảo đảm an toàn hồ đập, nếu tình huống xấu xảy ra thì phải rõ ai chịu trách nhiệm.
Để chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai lớn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, chiều 1/9, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp với một số bộ, ngành để xử lý các vấn đề cấp bách về phòng, chống thiên tai.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp với một số bộ, ngành để xử lý các vấn đề cấp bách về phòng, chống thiên tai.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, từ đầu năm đến nay đã xảy ra 16 loại hình thiên tai, đặc biệt là mưa lớn, giông lốc sét, mưa đá, động đất, có xu hướng gia tăng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của nhân dân, tác động không nhỏ đến sự tăng trưởng, ổn định kinh tế, xã hội của đất nước. Thiên tai đã làm làm 78 người chết, mất tích; hơn 2.100 nhà bị sập; 121.852 ha lúa, hoa màu bị ảnh hưởng. Thiệt hại khoảng 5.000 tỷ đồng.
Trong đó, mưa lũ lớn từ ngày 16-21/8 do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4 gây ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất tại 10 tỉnh miền núi phía Bắc, nhiều tuyến đường, cơ sở hạ tầng bị hư hại. Đồng thời Trung Quốc xả lũ trên 02 hệ thống sông lớn là sông Đà, sông Hồng gây lũ trên báo động 3 trên sông Thao, ngập lụt nghiêm trọng tại thành phố Yên Bái.
Tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long thì xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn vào mùa khô năm 2019-2020 ở mức lịch sử. Sạt lở bờ sông, bờ biển xảy ra nghiêm trọng, nhất là khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Từ nay đến cuối năm, dự báo, mùa mưa, bão đến muộn, khả năng xuất hiện từ 7 đến 9 cơn bão, trong đó có từ 4 đến 5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, bão tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và phía Nam; mưa lớn tập trung và kéo dài ở khu vực Trung Bộ. Lũ quét và sạt lở đất xảy ra nghiêm trọng ở khu vực miền núi.
Thủ tướng nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của cơ sở trong phòng, chống thiên tai với phương châm 4 tại chỗ.
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu đánh giá của Liên hợp quốc, xếp Việt Nam vào nhóm đứng đầu các nước chịu nhiều tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu. Còn bối cảnh hiện nay, nhiều nước trên thế giới đang chịu thiệt hại nặng nề do thiên tai gây ra. Với nước ta, dự báo cho thấy, sắp tới có thể có từ 5-7 cơn bão lớn, trong đó có thể có những cơn bão lớn, bất thường đổ vào nước ta. Bên cạnh đó, bão kèm theo lũ lụt, sụt lún, sạt lở đất, có thể gây thiệt hại cả về người.
Nêu nguy cơ đó, Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, các địa phương và các cấp, ngành không được lơ là, chủ quan; thường xuyên chủ động, giao nhiệm vụ cụ thể để đôn đốc kiểm tra công tác ứng phó. Sau cuộc họp này, Thủ tướng sẽ ký một Chỉ thị chỉ đạo công tác phòng, chống thiên tai để các địa phương, bộ ngành quan tâm thực hiện tốt hơn.
Thủ tướng nêu một số nhiệm vụ trọng tâm như Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai, các bộ ngành có liên quan, các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, kịp thời chỉ đạo triển khai công tác phòng chống theo phương châm 4 tại chỗ.
Thủ tướng nhấn mạnh muốn có hiệu quả phải từ cơ sở là chính. Cơ quan khí tượng thủy văn Trung ương, các cơ quan chức năng thường xuyên phối hợp trong nước và quốc tế theo dõi, dự báo. Các trạm quan trắc có thể xã hội hóa bằng nhiều nguồn, không thể để tình trạng không có trạm quan trắc cần thiết để dự báo, nhất là mưa lũ đang rất lớn hiện nay.
Thủ tướng cũng yêu cầu Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn luôn sẵn sàng có kế hoạch ứng phó, sẵn sàng cả lực lượng quân đội và công an khi cần thiết. Các địa phương phải tổng kiểm tra các khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, nhất là các khu vực dân cư. Kiểm tra các công trình đê điều, hồ đập, nhất là khu vực xung yếu hoặc bị hư hỏng.
Bên cạnh đó cần cảnh giác với tình trạng mưa lũ kéo dài nhiều ngày như đã xảy ra ở một số nước, tránh bị động, bất ngờ. Công tác vận hành hồ chứa, liên hồ chứa phải đảm bảo an toàn hồ đạp. Các địa phương phải có phương án sơ tán dân cư khi có bão lũ để đảm bảo an toàn phòng, chống thiên tai, vừa bảo đảm phòng, chống dịch. Chỉ đạo giám sát an toàn hệ thống hồ, đập. Tuyệt đối không cho chứa nước các hồ chứa không đảm bảo an toàn. Tăng cường lắp đặt hệ thống theo dõi, giám sát; có hệ thống theo dõi, giám sát, thông tin cảnh báo, an toàn cho vùng hạ du khi xả lũ.
Thủ tướng cũng yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương phải chủ động chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn cho các hồ đập thủy lợi, thủy điện theo chức năng, nhiệm vụ được giao, làm rõ trách nhiệm nếu tình huống xảy ra thì ai làm, nếu tình huống xấu xảy ra thì ai chịu trách nhiệm, chứ không phải “cha chung không ai khóc”.
Cùng với đó, các cấp, ngành tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực theo dõi, giám sát dự báo thiên tai; nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã để làm tốt phương châm 4 tại chỗ. Chủ động khắc phục nhanh hậu quả thiên tai khi có tình huống xấu xảy ra, nhất là các công trình phòng, chống thiên tai.
Thủ tướng nêu rõ, không chỉ trung ương, các địa phương phải tưu tiên cân đối bố trí các nguồn vốn, bao gồm cả đầu tư công trung hạn, nguồn dự phòng ngân sách cho công tác khắc phục hậu quả thiên tai và thực hiện một số nhiệm vụ phòng, chống thiên tai cấp bách. Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính phải chủ động thực hiện nhiệm vụ này. Trong quá trình xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn hiện nay, các địa phương, cơ quan chức năng đều phải chú ý đầu tư công trình phòng, chống thiên tai.
Tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã cho ý kiến về một số biện pháp xử lý hậu quả thiên tai do dông lốc, mưa đá hồi đầu năm cho một số tỉnh; xử lý sạt lở đồi Ông Tượng, tỉnh Hòa Bình…/.
Nguồn: VOV.vn