Trang chủ Luận bàn - Phản biện Thấy gì từ việc ra mắt Cổng dữ liệu Quốc gia

Thấy gì từ việc ra mắt Cổng dữ liệu Quốc gia

221
0

Ngày 31/8/2020, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức lễ khởi động dữ liệu quốc gia Data.gov.vn, sau một thời gian xây dựng và thử nghiệm. Cổng dữ liệu quốc gia trên mạng Internet có địa chỉ https://data.gov.vn và Cổng dữ liệu mở thuộc Cổng dữ liệu quốc gia có địa chỉ tại https://open.data.gov.vn. Người sử dụng cũng có thể sử dụng tài khoản PostID của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VietnamPost) để truy cập Cổng dữ liệu quốc gia đối với những hạng mục cần định danh.

Cổng dữ liệu quốc gia sẽ là điểm đầu mối truy cập thông tin, dữ liệu trên mạng Internet phục vụ việc công bố dữ liệu mở, cung cấp thông tin về chia sẻ dữ liệu của cơ quan nhà nước. Cổng cũng sẽ cung cấp các tài liệu, dịch vụ, công cụ, ứng dụng xử lý, khai thác dữ liệu được công bố bởi các cơ quan nhà nước. Trong đó cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai và doanh nghiệp là 3 cơ sở dữ liệu quan trọng nhất.

Việc xây dựng và đưa vào vận hành Cổng dữ liệu quốc gia là một hoạt động nhằm thực hiện Nghị định 47/2020/NĐ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Chúng ta có thể thấy được điều gì sau sự kiện này?

Thấy gì từ việc ra mắt Cổng dữ liệu Quốc gia

                         Lễ ra mắt Cổng dữ liệu Quốc gia Data.gov.vn

Đối tượng thụ hưởng không chỉ có cơ quan nhà nước

Phát biểu tại Lễ khởi động dữ liệu quốc gia, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng mong muốn “Cổng dữ liệu quốc gia Data.gov.vn sẽ trở thành nền tảng quan trọng hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương trong việc chia sẻ các dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp hướng tới xây dựng thành công Chính phủ điện tử và Chính phủ số trong thời gian tới”. Như vậy, có thể thấy rằng, đi cùng với các cơ quan nhà nước, đối tượng thụ hưởng từ Cổng dữ liệu quốc gia bao gồm cả người dân và doanh nghiệp. Ở đó, đối với các bộ, ngành, địa phương, cổng dữ liệu quốc gia giữ vai trò hỗ trợ, còn đối với người dân và doanh nghiệp đó là vai trò phục vụ. Cổng dữ liệu quốc gia sẽ là nơi từng bước cung cấp các dịch vụ số mới của quá trình phát triển Chính phủ số cho phép người dân, doanh nghiệp tiếp cận các dữ liệu của mình, về mình do cơ quan nhà nước nắm giữ. Ở đây, hỗ trợ và phục vụ đều cùng chung một mục đích đó là thúc đẩy hiệu quả trong vận hành cơ chế quản lý mới trong thời đại công nghệ số để cùng mang lại sự thuận tiện, chuyên nghiệp cho tất cả đối tượng thụ hưởng.

Bước đi đúng, trúng để tiến tới mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử

Không phải bây giờ, bài toán về Chính phủ điện tử mới được đặt ra. Khi nhắc tới Chính phủ điện tử là cả một lộ trình dài với việc cụ thể hóa chủ trương của Chính phủ trong việc hiện đại hóa nền hành chính quốc gia, với yêu cầu hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa, rút ngắn thời gian, quy trình trong thực hiện các thủ tục hành chính đối với từng cấp độ quản lý, từ trung ương tới địa phương. Ở đó, dữ liệu số giữ vai trò cốt yếu cho việc vận hành các nền tảng công nghệ phục vụ cho hoạt động của Chính phủ điện tử. Có thể nói, việc Cổng dữ liệu quốc gia đi vào hoạt động là bước đi đúng, trúng, giải quyết đúng vấn đề cốt lõi mà bài toán chính phủ điện tử đã đề ra. Như chính Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng đã khẳng định “Việc khởi động Cổng dữ liệu quốc gia cần được coi là nhát cuốc đầu tiên để khai phá một miền đất mới, Bộ Thông tin và Truyền thông mong muốn có được sự ủng hộ của Chính phủ và toàn xã hội để phát huy cách làm mới, đột phá và chủ động nhằm tiến nhanh, tiến mạnh và Chính phủ số, Kinh tế số và xã hội số”.

Cần có lộ trình để hoàn thiện

Một trong năm mục tiêu được xác định khi xây dựng Cổng dữ liệu quốc gia là coi đây là một kênh thông tin để tiếp nhận các đóng góp của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân cho cơ quan nhà nước để các cơ quan nhà nước có nhiều dữ liệu hơn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn. Như vậy, cần nhận định rõ rằng để phục vụ hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp thì trước hết phải có dữ liệu, sau đó là cần có sự cập nhật, bổ sung, hoàn thiện thông tin để dữ liệu đó thực sự “sống”. Bởi lẽ, dữ liệu “chết” tức là dữ liệu không đảm bảo về tính cập nhật, tính thông tin thì chắc chắn không thể nào phục vụ một cách hiệu quả được. Do đó, việc đưa vào sử dụng Cổng dữ liệu quốc gia có thể coi là giai đoạn đầu của cuộc cách mạng về dữ liệu số. Trong thời gian tới, Bộ Thông tin và truyền thông sẽ tiếp tục nghiên cứu, mở rộng từng phân hệ và thành phần của Cổng để Cổng sẽ là công cụ, là nền tảng và đóng vai trò đặc lực thực hiện chủ trương dữ liệu là cốt lõi, là nền tảng trong phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ chỉ đạo điều hành dựa trên dữ liệu.

Nam Việt

Nguồn: Người con Đất Mẹ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây