Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng vừa yêu cầu Công ty Cổ phần tập đoàn Liên Minh (Liên Minh Group) trả những bức tượng lính xưa về tỉnh Bình Dương.
Sáng 1/9, liên quan đến thông tin trên mạng xã hội về việc hàng trăm bức tượng (được cho là tượng binh lính nhà Tần, Trung Quốc) được chở đến thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) để mô phỏng lại Lăng mộ Tần Thủy Hoàng hay Tử cấm thành, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Thị Nguyên cho biết: Sở vừa yêu cầu Công ty Cổ phần tập đoàn Liên Minh (Liên Minh Group) trả những bức tượng lính xưa về tỉnh Bình Dương. Đây là phương án phù hợp, trong khi Liên Minh Group chưa xây dựng dự án nào liên quan đến việc sử dụng các bức tượng này. Sở VHTTDL tỉnh Lâm Đồng sẽ không cấp phép cho trưng bày những tượng trên tại bất cứ điểm du lịch nào ở trên địa bàn tỉnh.
Trước đó, chiều 31/8, Đoàn kiểm tra liên ngành gồm Thanh tra Sở VHTTDL, Công an tỉnh Lâm Đồng đã tiến hành kiểm tra, làm việc với Liên Minh Group về những bức tượng lính gây xôn xao dư luận trong những ngày qua. Đơn vị này cung cấp một số tài liệu ban đầu, thể hiện số tượng trên được mua lại của Khu Du lịch Đại Nam, tỉnh Bình Dương.
Đây là những tượng cũ mô phỏng quân lính thời phong kiến Việt Nam, do chính Khu Du lịch Đại Nam thuê người đúc nhưng nay không sử dụng nên Liên Minh Group mua lại 230 tượng đưa lên thành phố Đà Lạt. Trong đợt 1, Liên Minh Group đã vận chuyển 57 tượng về tới Khu Du lịch Quỷ Núi ở xã Đạ Nghịt, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng).
Sáng 31/8, có mặt tại bãi để xe thuộc Khu Du lịch Quỷ Núi do Liên Minh Group làm chủ đầu tư, phóng viên TTXVN chứng kiến có khoảng gần 60 bức tượng được trùm kín bạt. Đây là những bức tượng bằng bê tông cốt thép mới vận chuyển về và tập kết tại đây. Phần lớn các bức tượng trên bị hư hỏng do va đập trong quá trình vận chuyển, được để ở đây phục chế lại.
Các bức tượng rất giống nhau, mô phỏng một người lính mặc áo giáp, mũ giáp trụ, mang giáo và khiên. Đáng chú ý là trên mặt khiên có biểu tượng đàn chim Lạc bay ngược chiều kim đồng hồ quanh mặt trời, giống như trên mặt Trống đồng Đông Sơn, nhưng đường nét thô hơn. Khuôn mặt của các pho tượng cũng có những đặc điểm giống người Việt hơn là người Trung Hoa.
Ông Ngô Quang Phúc, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Liên Minh Group cho biết: Các bức tượng này được mua từ Khu Du lịch Đại Nam (tỉnh Bình Dương). Khu Du lịch Đại Nam đi vào hoạt động từ năm 2005 và đã trưng bày công khai những bức tượng loại này từ đó đến giờ. Nay họ bán thanh lý một số, ông Phúc thấy đẹp nên mua lại 230 pho tượng, thuê chở từ tỉnh Bình Dương về Đà Lạt với giá 1 triệu đồng/bức. Hiện nay, ông Phúc mua về nhưng chưa có ý định sử dụng làm gì, mới cho tập kết ở bãi trong khu đất của mình chứ không trưng bày…
Trước đó, các hình ảnh và thông tin lan truyền trên mạng xã hội bắt đầu từ trang Facebook của ông Ngô Quang Phúc, khi vận chuyển các pho tượng này, kèm dòng trạng thái (status): “Đội tinh binh đã về đến khu du lịch phim trường được mang tên Tử Cấm Thành”.
Thông tin này khiến dư luận cho rằng ông Phúc đưa tượng lính Trung Quốc thời Tần Thủy Hoàng về trưng bày trong khu du lịch mới có tên Tử Cấm Thành nên đã gây bức xúc trong dư luận. Sau đó, nhiều người đã sử dụng các hình ảnh và thông tin này, thêu dệt nên các thông tin gây xôn xao dư luận.
Theo Sở VHTTDL Lâm Đồng, đó là phát ngôn của cá nhân ông Phúc trên trang Facebook cá nhân. Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Thị Nguyên cho biết thêm: “Theo quy định hiện hành, bất kỳ công trình mỹ thuật nào trước khi đưa ra trưng bày công khai đều phải được cơ quan chuyên môn thẩm định, cấp phép. Với những tượng lính xưa mà Liên Minh Group mua về, Sở sẽ không cấp phép”.
Thông tin về những bức tượng lính xưa mà Liên Minh Group đưa về Đà Lạt có hoa văn trống đồng trên áo giáp và binh khí liệu có phù hợp, xác thực với hình ảnh binh lính trong các triều đại phong kiến của Việt Nam hay không, cần được cơ quan chức năng xác minh, thẩm định.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Nguyên, công trình mô phỏng Vạn lý trường thành tại Khu Du lịch Đồi Mộng Mơ do Công ty Cổ phần Thành Ngọc (nay là Công ty Cổ phần Du lịch Thành Thành Công Lâm Đồng) xây dựng vào năm 2003. Sau khi xác định việc bố trí các pho tượng lính nhà Tần (Trung Quốc) tại điểm du lịch này hoàn toàn không phù hợp, Sở đã yêu cầu xử lý và các bức tượng đã được dẹp bỏ từ năm 2011.
Tuy nhiên, một số trang mạng xã hội lại lấy những thông tin và hình ảnh từ gần 10 năm trước, gán ghép cho rằng liên quan đến những bức tượng lính mà Liên Minh Group mới mua về Đà Lạt là sai bản chất sự việc. Sở đang đề nghị ngành Thông tin và Truyền thông xử lý các trang mạng xã hội đưa tin sai lệch về vụ việc.
Nguồn: Báo Tin tức