Trung tướng Khuất Duy Tiến bùi ngùi nhắc đến sự hy sinh của hơn 1 triệu liệt sĩ và nhấn mạnh, không thể gục ngã trước những “viên đạn bọc đường”.
Cùng đất nước đi qua những năm tháng chiến tranh
75 năm đã qua, kể từ ngày Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa XNCN Việt Nam) ở Quảng trường Ba Đình lịch sử, nhưng với Trung tướng Khuất Duy Tiến – nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3, hình ảnh những tháng ngày cờ đỏ sao vàng rực rỡ với niềm hạnh phúc vô bờ khi chính quyền về tay nhân dân vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức.
Năm 1945, khi đó ông Khuất Duy Tiến 15 tuổi. Từng chứng kiến đất nước sống trong cảnh lầm than, gia đình ông có 4 người thân chết vì nạn đói, thậm chí cô em gái bị bán cho nhà giàu để đổi lấy 200 đồng tiền trả nợ đói, hơn ai hết, ông cảm nhận rõ cái giá của một dân tộc có thân phận bị nô lệ.
Trung tướng Khuất Duy Tiến – nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3.
Với tinh thần “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” khi thời cơ đến vào giữa tháng 8/1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, sức mạnh nội lực của hơn 20 triệu người dân Việt Nam đã được phát huy. Chỉ trong vòng nửa tháng, Cách mạng Tháng Tám diễn ra và giành chính quyền về tay nhân dân, tạo ra bước ngoặt vĩ đại cho dân tộc, nhất là ở vùng nông thôn.
“Đảng, Nhà nước, quân đội, mà người đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giúp dân tộc Việt Nam từ một dân tộc mất nước, thành một dân tộc độc lập, có chủ quyền. Còn gì sung sướng hơn khi được chứng kiến giây phút đó, giây phút nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình” – ông Khuất Duy Tiến bồi hồi kể lại.
Sớm giác ngộ và đi theo cách mạng, thế hệ những người lính như ông Khuất Duy Tiến đã mang trong mình lời thề giữ vững độc lập trong 2 cuộc trường chinh chống Pháp, chống Mỹ, trực tiếp tham gia bảo vệ biên giới Tây Nam, cùng quân, dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng và sau này ông còn tham gia bảo vệ biên giới phía Bắc. Gần 50 năm trong quân ngũ, hơn ai hết, các cán bộ, chiến sĩ như Trung tướng Khuất Duy Tiến hiểu rõ giá trị của độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Thế hệ các ông đã không tiếc máu xương, hiến dâng cả tuổi xuân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh để bảo vệ vững chắc độc lập, tự do cho Tổ quốc ngày nay.
Theo Trung tướng Khuất Duy Tiến, phát huy sức mạnh nội lực, bài học từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã tạo ra những điều kiện đặc biệt quan trọng để nhân dân ta bước tiếp và giành nhiều thắng lợi quan trọng có ý nghĩa lịch sử trong cuộc trường chinh chống thực dân, đế quốc và bảo vệ vững chắc biên giới. Từ một đất nước nghèo nàn, lạc hậu, giờ đây Việt Nam đã khẳng định được vị thế và uy tín lớn trên trường quốc tế; không chỉ có chủ quyền thống nhất mà Việt Nam còn có quan hệ ngoại giao với hầu hết các nước, là đối tác tin cậy và trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ảnh: Tư liệu TTXVN
“Dân tộc Việt Nam ngày càng phát triển và ngày càng mạnh, người dân đã kiên cường đứng lên giành lại cuộc sống tốt đẹp dưới ánh sáng của Đảng và sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngay trong cuộc chiến chống Covid-19 hiện nay, dân tộc Việt Nam kiên cường, trên dưới đoàn kết một lòng đã chiến thắng trong giai đoạn 1 và ở giai đoạn 2 chúng ta cũng đang làm rất tốt”- Trung tướng Khuất Duy Tiến cho biết.
Trăn trở về những “viên đạn bọc đường”
Vị tướng già bùi ngùi khi nhắc đến sự hy sinh anh dũng của hơn 1 triệu liệt sĩ trong cả nước để giữ vững nền độc lập, tự do cho dân tộc. Rồi, ông lại trầm ngâm khi nhắc đến một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đã và đang đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ, làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng.
Biểu hiện của thoái hóa, biến chất được nhìn thấy ở một số cán bộ, đảng viên sa sút về đạo đức, phẩm chất dẫn tới biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, chỉ thu vén cho lợi ích của riêng mình, trục lợi cho gia đình mà quên đi bổn phận trước Đảng, trước nhân dân. Từ chủ nghĩa cá nhân dẫn tới các hành vi tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm rất trầm trọng.
“Cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất gây tổn hại ghê gớm lắm, tổn tại về kinh tế, vật chất, làm cho tổ chức Đảng yếu đi, nhưng tổn hại nặng nề nhất đó là lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Những người ưu tú nhất trong nhân dân được chọn đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản để lãnh đạo nhân dân, nhưng sau đó, chính cán bộ, đảng viên lại thoái hóa, biến chất, phản bội lại nhân dân thì dân mình đau lắm. Cán bộ, đảng viên, những người đang nắm giữ trọng trách lãnh đạo đất nước cần nhớ rằng, các thế hệ đi trước sẵn sàng hy sinh để có được thành quả tốt đẹp cho ngày nay, thế hệ sau cần phải kế tiếp và phát huy, nhân lên những thành quả tốt đẹp đó, đừng gục gã trước những “viên đạn bọc đường”, vì gục ngã trước đồng tiền, gục ngã trước danh vọng rất đáng xấu hổ và nhục nhã. Đảng muốn mạnh thì từng đảng viên phải mạnh. Từng đảng viên biết phê bình và tự phê bình nghiêm túc thì chúng ta sẽ tốt hơn, đẩy lùi thoái hóa, biến chất, đất nước sẽ tốt đẹp lên” – Trung tướng Khuất Duy Tiến trải lòng.
Đại tá Nguyễn Bội Giong (ảnh: Dân Việt)
Là một trong những người trực tiếp tham gia bảo vệ lễ đài trong ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập, Đại tá Nguyễn Bội Giong – nguyên Bí thư thuộc Văn phòng Tổng Chính ủy, Bộ Quốc phòng hiểu rõ giá trị lớn lao của Cách mạng Tháng Tám đem lại.
Ông chia sẻ: “Những người lính chúng tôi luôn mang trong mình lời thề độc lập đi suốt hơn 40 năm trong quân ngũ. Thế hệ chúng tôi đã hoàn thành lời thề độc lập, thế hệ ngày nay phải giữ gìn, xây dựng đất nước ngày càng vững mạnh hơn”.
Theo Đại tá Nguyễn Bội Giong, chỉ 15 năm sau ngày thành lập Đảng, với 5.000 đảng viên, Đảng đã động viên nhân dân cả nước giành thắng lợi trong cuộc Cách mạng tháng Tám. Ngày nay, số lượng đảng viên ngày càng tăng lên và mạnh hơn, cần phát huy cao độ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp hài hòa giữa ý Đảng với lòng dân để làm nên nhiều cuộc “cách mạng mùa thu” cho tương lai dân tộc.
Để thực hiện được mục tiêu đó, ông Nguyễn Bội Giong hy vọng, Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sẽ chọn được đội ngũ cán bộ lãnh đạo có đức, có tài ngang tầm nhiệm vụ, kiên quyết không để lọt vào bộ máy những người có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa, lợi ích nhóm…. có như vậy mới giữ vững niềm tin của nhân dân đối với Đảng./.
Nguồn: VOV.vn