Cách mạng Tháng 8 thành công, Sở Công an Bắc Bộ được thành lập với nhiệm vụ bảo vệ chính quyền cách mạng.
Trong các thước phim, bức ảnh ghi lại thời khắc Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Quảng trường Ba Đình lịch sử ngày 2/9/1945, dễ dàng nhận thấy có gần 20 chiến sĩ tham gia bảo vệ lễ đài. Đây chính là lực lượng vũ trang, với vũ khí chỉnh tề, bảo vệ an toàn cho Bác và các đồng chí lãnh đạo cách mạng nước ta trên khán đài khi đó.
Trong không khí kỷ niệm ngày Quốc khánh, phóng viên VOV ghi chép lại câu chuyện của những cán bộ lão thành cách mạng, kể về nhiệm vụ cao cả thiêng liêng của 75 năm trước…
Cách mạng Tháng 8 thành công, Sở Công an Bắc Bộ được thành lập với nhiệm vụ bảo vệ chính quyền cách mạng, ông Phạm Gia Đốc được vinh dự đảm nhiệm chức vụ Đội trưởng Công an của đơn vị. Trong ngôi nhà ở phố Hàng Quạt, Hà Nội, đã ở tuổi 97 nhưng ông Đốc vẫn nhớ cảm xúc khi được Giám đốc Sở Công an Bắc bộ Chu Đình Xương trực tiếp giao nhiệm vụ bảo vệ lễ đài trong ngày Quốc khánh (2/9/1945). Giở lại tấm ảnh đen trắng, ố màu thời gian, được lưu giữ như một bảo vật vô giá của gia đình, ông Phạm Gia Đốc xúc động chia sẻ đó là nhiệm vụ cao cả, thiêng liêng và đáng tự hào.
“Cách 2 ngày trước khi diễn ra sự kiện, ông Chu Đình Xương là giám đốc phổ biến lấy một số đội, tôi là một trong số đội ấy. Còn anh đội mũ phớt, đứng đằng trước là anh Dương, tôi đứng cạnh. Giao việc cho chúng tôi, các anh chỉ phổ biến làm sao bảo vệ cho an toàn lễ đài. Khi đến đó có người chỉ huy hướng dẫn. Một mặt thì vui, nhưng một mặt thì lo lắng đi bảo vệ một lễ đài quan trọng như thế”, ông Phạm Gia Đốc cho biết.
Do tính chất đặc biệt của nhiệm vụ cần bảo đảm bí mật, ông Phạm Gia Đốc và đồng đội chỉ được thông báo trước hôm diễn ra lễ Tuyên ngôn độc lập đúng hai ngày. Nhận thức được đó là nhiệm vụ quan trọng và chỉ giao cho những người tin tưởng, ông Phạm Gia Đốc cũng hồi hộp, lo lắng vì mục tiêu phải bảo vệ an toàn lễ đài, nhất là trên đó sẽ có những người quan trọng và phía dưới là hàng triệu quần chúng nhân dân. Để đảm bảo an toàn trong mọi tình huống, ông đã ra Quảng trường Ba Đình nhiều lần, quan sát từng vị trí.
Ông Đốc kể lại: “Trước hôm làm xong lễ đài, chúng tôi đã lên xem lễ đài và mình cũng nhìn cả những cảnh ở đấy để làm sao mà bảo vệ. Buổi chiều ngày 2/9 trước 2 giờ bắt đầu thì tôi đến trước 1 tiếng. Được giao đứng đấy, vòng tôi là vòng thứ 2, vòng thứ nhất là vòng của Giải phóng quân, các ông mặc quần áo vàng, quần sóc. Còn chúng tôi lực lượng thứ 2 là của Sở Công an Bắc bộ, đứng ngoài mặc quần áo trắng”.
Ngày đặc biệt cũng đến, Lễ mít-tinh diễn ra từ lúc 14h ngày 2/9/1945 nhưng ông Đốc cùng mọi người trong Tổ bảo vệ lễ đài của Sở Công an Bắc Bộ có mặt từ buổi sáng để chuẩn bị. Cả đội mặc đồng phục trắng, đứng cách khu vực lễ đài chỉ vài mét. Thực hiện nhiệm vụ nhưng ông cũng háo hức muốn biết ai ở trên đó, và nhất là giây phút nghe giọng Bác cất lên, đọc những câu đầu tiên trong Tuyên ngôn độc lập: “Hỡi đồng bào cả nước!”… ông đã cố kìm nén niềm hạnh phúc vô cùng, để giữ thái độ bình tĩnh, tập trung, nghiêm trang thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời bao quát tầm mắt đề phòng về phía trước, phát hiện những biểu hiện không bình thường của những kẻ có thể trà trộn trong biển người ở Quảng trường để gây rối.
Ông Phạm Gia Đốc kể lại: “Lúc xe của Bác đến, chạy từ đường Quán Thánh vào. Chỗ chúng tôi đứng là ở cạnh, xe vào đằng sau. Tôi chỉ biết xe đến chứ mình cũng không biết những ai cả, vì không được nhìn lên, chỉ biết đứng im như tượng gỗ. Về sau Bác Hồ đọc tuyên ngôn độc lập hỏi “Đồng bào nghe rõ không”, đồng bào trả lời rõ. Trong bụng tôi vui vẻ nhưng không dám hô gì, chỉ đứng nguyên, nhìn thẳng”.
Cũng trong lực lượng được bảo vệ lễ đài có Đại tá Nguyễn Bội Giong, nguyên là Bí thư thuộc Văn phòng Tổng Chính ủy, Bộ Quốc phòng, khi đó ông là chính trị viên đội Tự vệ chiến đấu của Việt Minh làng Sét thuộc huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội.
Đại tá Nguyễn Bội Giong cho biết, khi thực hiện nhiệm vụ đứng dưới chân lễ đài, tình hình sau ngày giành chính quyền còn nhiều phức tạp, nhân dân đồng lòng, nhưng không thể chủ quan trước các lực lượng phản cách mạng còn rơi rớt. Trong không khí trang nghiêm tại Quảng trường Ba Đình, hàng triệu người đều im phăng phắc đón nghe từng lời tuyên ngôn của Bác, nhưng ông Nguyễn Bội Giong và lực lượng vũ trang bảo vệ vẫn nêu cao cảnh giác, lường trước các tình huống xấu, chủ động trong mọi hoàn cảnh, kể cả sẵn sàng hy sinh.
Đại tá Nguyễn Bội Giong kể lại: “Địch không thể bắn được vì súng ống mình cũng kiểm tra, với dân đứng xa hơn 100 mét. Bắn ai cũng khó ngắm được. Giả dụ nó có súng, trong đội ngũ đi lên, nội bộ đã có quy định: trước khi được vào khu vực đài, kiểm tra từng người để không có vũ khí cá nhân nào mang theo. Địch có thể dùng súng lục nhưng cũng không thể bắn tới được. Cũng đã tính hết, cùng lắm chỉ có thể là lựu đạn, thuốc nổ. Mà anh em đã quyết tử, nếu nó tung là phần tôi trông thấy tôi sẽ nhảy ra ôm lựu đạn, không phải ai ra lệnh gì hết. Tốt nhất bảo vệ đài chắc chắn nhất”.
Chiều 2/9/1945, Lễ Tuyên ngôn độc lập kết thúc trong không khí thiêng liêng phấn khởi. Buổi lễ với quy mô cả triệu người đã được bảo vệ an toàn tuyệt đối, biển người tại quảng trường Ba Đình lại cuồn cuộn đổ về các con phố với hoa, cờ đỏ sao vàng. Muôn người như một cùng hô vang khẩu hiệu: Ủng hộ chính phủ Hồ Chí Minh, Việt Nam độc lập muôn năm.
75 năm qua trôi qua, hình ảnh các cán bộ chiến sỹ, những người bảo vệ lễ đài, sẽ mãi còn trong ký ức thiêng liêng và tự hào về thời khắc lịch sử lắng nghe hồn sông núi trong lời của Bác.
PV/VTC
Nguồn: Cánh cò