Ngày 28/8, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) tổ chức trưng bày “Chắp cánh ước mơ”, kỷ niệm 75 năm ngày Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 và 75 năm ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).
Trưng bày giới thiệu ba phần: Ký ức mùa khai trường, Biến nhà tù thành trường học cách mạng và Xây đắp những ước mơ, giúp công chúng hiểu hơn về phong trào Bình dân học vụ để diệt “giặc dốt” của nhân dân Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám. Phong trào học tập diễn ra sôi nổi, chỉ sau 1 năm (1946), đã có 74.957 lớp học được tổ chức với 95.665 giáo viên, xóa mù chữ cho trên 2,5 triệu người. Chưa được bao lâu, Việt Nam lại bước vào hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp và chống Mỹ nhưng nhiều trường lớp vẫn được mở ở Chiến khu Việt Bắc và các nơi khác.
Trên chặng đường đấu tranh, nhiều chiến sĩ đã bị địch bắt, giam tại nhiều nhà tù. Trong chốn địa ngục trần gian, dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng, các lớp học đã được mở ra: “Trường học sau song sắt” tại Nhà tù Hỏa Lò, “Trường học giữa núi rừng” ở Nhà tù Sơn La, “Trường học giữa biển khơi” ở Nhà tù Côn Đảo, “Trường học trên cát” tại Trại giam tù binh Phú Quốc… đã góp phần cổ vũ tinh thần, biến nhà tù thành trường học, nơi tôi luyện lý tưởng cho các chiến sĩ cách mạng.
Chiến tranh qua đi, đất nước chuyển mình, tiến bước trên con đường đổi mới. Nhưng ở một số vùng miền, vẫn có nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nhiều em nhỏ mắc bệnh hiểm nghèo, ước mơ được đến trường còn dang dở.
Tại trưng bày, những tài liệu, hiện vật của các chiến sĩ cách mạng từng học tập trong tù và trong quá trình đấu tranh cách mạng sau khi được trả tự do cũng được giới thiệu đến đông đảo công chúng, như: Sách do đồng chí Trần Hữu Thỏa (Nguyễn Tiến Hà) sử dụng để dạy học trong thời gian bị giam tại Nhà tù Hỏa Lò, năm 1951 – 1952; bi đông của đồng chí Nguyễn Văn Chiển, thầy giáo lớp học trên cát tại Trại giam Phú Quốc được cấp sau khi trao trả ở bãi Nhan Biều bên bờ sông Thạch Hãn, tỉnh Quảng Trị, ngày 26/3/1973; thẻ số tù – Nhà tù Trung ương Hà Nội (Nhà tù Hỏa Lò) cấp cho đồng chí Dương Tự Minh, học sinh kháng chiến bị thực dân Pháp bắt, giam trong Nhà tù Hỏa Lò, năm 1952 – 1953…
Tham quan trưng bày “Chắp cánh ước mơ”, công chúng ngạc nhiên trước hình ảnh của các lớp học đặc biệt được tái hiện với tường cao, song sắt lạnh lẽo; những lớp học với nhà tranh, mái lá đơn sơ; hay những lớp học trong không gian bệnh viện. Đặc biệt, từ những bức tranh của các bệnh nhi đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương, tổ hợp thiết kế tạo hình những chiếc đèn lồng nhiều màu sắc, mang ý nghĩa thắp lên niềm hy vọng vào tương lai tươi sáng, thể hiện tinh thần lạc quan, ước muốn chiến thắng bệnh tật hiểm nghèo.
Tại lễ khai mạc trưng bày, công chúng được gặp gỡ nhân chứng lịch sử và đại diện gia đình các nhân chứng đã trực tiếp tham gia vào các lớp học đặc biệt năm xưa. Ngoài ra, còn có đại diện của các cơ quan, đơn vị thiện nguyện đã thành lập nên các điểm trường ở vùng sâu, vùng xa hay trong các bệnh viện.
Trưng bày diễn ra đến hết ngày 31/12. Khách tham quan trưng bày phải tuân thủ đeo khẩu trang, rửa tay diệt khuẩn, đo thân nhiệt và thực hiện giãn cách.
Nguồn: Báo Tin tức