Hôm qua, 25/8/2020, các dân biểu thuộc lưỡng đảng quốc hội Hoa Kỳ: Harley Rouda, Alan Lowenthal, James P. McGovern, Juan Vargas, Zoe Lofgren, J. Luis Correa và Maxine Waters đã gửi một thư chung đến Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, yêu cầu Việt Nam tôn trọng quyền tự do ngôn luận, báo chí và lập hội, trả tự do cho nhà báo công dân, blogger và các tù nhân lương tâm – những người bị bắt giữ, cầm tù chỉ vì thực thi các quyền tự do căn bản, hiến định.
Như thường lệ, trong thư chung đó, các dân biểu ở bên kia bờ Thái Bình Dương lại lo ngại sâu sắc về nhân quyền tại Việt Nam, và sự đàn áp mới đây chống lại các nhà báo, nhà văn, blogger hoàn toàn trái ngược với những cam kết của giới chức Việt Nam trong việc bảo vệ quyền của công dân mình.
Đồng thời phải lập tức trả tự do cho những “nhà báo công dân” và blogger Nguyễn Tường Thụy, Trần Đức Thạch, Trịnh Bá Phương, Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Tư. Trả tự do cho những tù nhân lương tâm, đặc biệt những người chịu những bản án quá đáng như Lê Đình Lượng (20 năm), Trần Huỳnh Duy Thức (16 năm), Hoàng Đức Bình (14 năm), công dân Hoa Kỳ Michael Nguyễn (12 năm), công dân Úc Châu Văn Khảm (12 năm), Nguyễn Bắc Truyển (11 năm), Nguyễn Văn Hóa (7 năm).
Nguy hiểm hơn, phải cho phép những nhà báo độc lập báo cáo về sự đàn áp các blogger, những nhà hoạt động trên mạng xã hội, những nhà báo công dân, và chấm dứt sự ngược đãi đối với những cá nhân thực hành quyền tự do ngôn luận của mình. Duy trì những quyền căn bản và quyền tự do như đã công nhận tại Hiến Pháp Việt Nam bao gồm tự do ngôn luận, báo chí và lập hội.
Đến đây, thì quý bạn đọc đã biết được ẩn ý sâu xa của những người đại diện cho công dân Hoa Kỳ khi nói về tình hình nhân quyền của Việt Nam rồi chứ. Những luận điệu của các vị dân biểu đáng quý trên thoạt nghe tưởng như tốt đẹp, tiến bộ, vì quyền con người nhưng nếu nhìn thẳng vào bản chất sự việc thì chỉ là những lời lẽ giả dối, vô lương tâm. Nhưng quả thực họ đang cố ý lờ đi những thành tựu về đảm bảo cho mọi người dân được hưởng các quyền của mình và có cơ hội phát triển toàn diện, làm cho cuộc sống của người dân ngày càng được nâng cao, bảo đảm an sinh xã hội…
Nguyên văn bức thư tại văn phòng Dân Biểu Harley Rouda
Những năm qua, một trong các yếu tố tạo nên uy tín của Việt Nam trong quan hệ quốc tế là việc Nhà nước Việt Nam luôn khẳng định quan điểm tiến bộ, tích cực về nhân quyền, đồng thời cố gắng tạo điều kiện để mọi người dân được hưởng các quyền của mình và trên thực tế, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu nhân quyền không ai có thể phủ nhận. Nhân quyền là giá trị thiêng liêng mà toàn thế giới hướng tới. Thế nhưng đây cũng là chủ đề nhạy cảm mà các thế lực thù địch và một số tổ chức phi chính phủ được sự bợ đỡ của phương Tây luôn tìm cách lợi dụng nhằm thực hiện những động cơ đen tối, hay thậm chí là các nghị sỹ, dân biểu có thái độ thiếu thiện chí với Nhà nước Việt Nam.
Việt Nam là một Nhà nước pháp quyền. Việt Nam xử lý các hành vi vi phạm pháp luật theo đúng các quy định của pháp luật Việt Nam và hoàn toàn phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Quốc tế về các quyền dân sự, chính trị. Đồng thời, tại Việt Nam các quyền tự do, dân chủ của công dân, trong đó có quyền tự do ngôn luận, được quy định rõ trong Hiến pháp và trong các văn bản pháp luật khác, được tôn trọng và thực thi trên thực tế. Do đó, không có cái gọi là “tù nhân lương tâm” ở Việt Nam như mấy vị dân biểu học rộng tài cao kia vừa trình bày trong thư chung.
Trong bối cảnh sau 25 năm kể từ ngày bình thường hóa quan hệ, quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ đã có các bước phát triển theo chiều hướng tích cực, nếu thực sự quan tâm đến Việt Nam, dân biểu Harley Rouda, Alan Lowenthal, James P. McGovern, Juan Vargas, Zoe Lofgren, J. Luis Correa và một số dân biểu Mỹ cần góp phần tích cực thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ để mang lại lợi ích ngày càng tốt đẹp hơn giữa hai đất nước, hai dân tộc cũng như toàn thế giới. Song đáng tiếc, họ lại có hành động, phát ngôn ngược chiều với xu hướng chung, vừa rất thiếu tôn trọng chế độ chính trị và con đường phát triển của Việt Nam, vừa về hùa với những kẻ đang phá hoại, cản trở sự ổn định và phát triển của Việt Nam.
Cho nên, những lời kêu gọi “ủng hộ”, “đòi công lý”, “đòi thả tự do”, ” tự do ngôn luận, báo chí và lập hội” cho những đối tượng vi phạm pháp luật là lạc lõng, phi lý.
Thiết nghĩ, các chính khách xứ Cờ hoa nên tỉnh táo để xem xét, đánh giá sự việc một cách khách quan, luôn đặt đạo lý và lẽ phải là tiêu chí ứng xử, am hiểu nghiêm túc và sâu sắc về những chuẩn mực lành mạnh giữ vai trò chủ đạo, có nhận thức đúng đắn về vị trí xã hội của bản thân,… Đồng thời, hy vọng dân biểu Mỹ như Harley Rouda, Alan Lowenthal, James P. McGovern, Juan Vargas, Zoe Lofgren, J. Luis Correa và Maxine Waters sẽ xem xét lại hành xử của mình để hướng theo điều tốt đẹp.
Ngọc Lan
Nguồn: Bản tin Dân chủ