Không biết đối với mọi người thế nào, nhưng riêng cá nhân tôi lại rất đặc biệt quan tâm, thu hút bởi những lãnh đạo cấp cao trưởng thành, đi lên từ lực lượng vũ trang. Từ kỹ năng điều hành, chỉ đạo cho đến tiếp xúc với người dân… ở họ toát lên sự cứng rắn, quyết liệt, xông xáo, nhưng cũng gần gũi đúng như phẩm cách của người lính.
Nói về lãnh đạo cấp cao nhất xuất thân từ lực lượng vũ trang phải nói đến Cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Từ một người lính nhập ngũ thời chống Pháp, đi suốt mấy cuộc chiến tranh giải phóng, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, Thượng tướng Lê Khả Phiêu trở thành Tổng Bí thư. Nhiều người sẽ nghĩ, là một nhà chính trị quân sự, Cố Tổng bí thư Lê Khả Phiêu hẳn là người khô cứng và cực kỳ bảo thủ. Thế nhưng, thực tế cho thấy ở ông là môt con người có tính quyết đoán cao, dám chịu trách nhiệm trước những quyết định của mình cho dù có thể đụng chạm và đặc biệt là tư tưởng rất mới. Trong số những tư tưởng đổi mới khi ông Lê Khả Phiêu ở vị trí đứng đầu Đảng, người ta hay nhắc đến chuyện “động trời” khi ông mới nhậm chức Tổng Bí thư không lâu mà đã quyết định bỏ chế độ Cố vấn Ban Chấp hành T.Ư Đảng. Tiếp đó là chuyện “đại sự” không kém, đó là chỉ đạo để Chính phủ ra quyết định bãi bỏ chế độ hưởng lương 100% với cán bộ nếu từ cấp Phó Thủ tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội trở lên khi thôi công tác. Điều này đồng nghĩa với việc chính ông Lê Khả Phiêu khi nghỉ cũng sẽ hưởng chế độ lương hưu như bao cán bộ khác. Vậy là tư tưởng xóa bỏ đặc quyền đặc lợi đã được ông thực hiện, sau nhiều năm không ai dám động đến bởi “sự tế nhị”. Chính vì được tôi luyện, trưởng thành trong môi trường quân đội, nên có thể thấy khi xử lý công việc ông cũng quyết liệt theo phong cách của một người lính.
Còn nói về phía cơ quan nhà nước, chúng ta không thể nào không nhắc tới cố Chủ tịch nước Lê Đức Anh. Khi nhắc đến Cố Chủ tịch Nước Lê Đức Anh, nhiều người bày tỏ sự yêu quý, kính trọng trước một con người có tầm nhìn chiến lược, cẩn trọng nhưng cũng giàu lòng nhân ái, giản dị. Khi là vị tướng, ông là một vị tướng toàn tài, năng nổ, sốc vác, lập được nhiều chiến công gắn bó với các đơn vị quân và dân ở các vùng, các đơn vị mà ông phụ trách. Còn trong thời gian Đại tướng Lê Đức Anh làm Chủ tịch Nước có nhiều kiến nghị để Nhà nước giải quyết chính sách đối với các gia đình có công với cách mạng, chất độc màu da cam, thương bệnh binh. Đặc biệt là đề xuất chủ trương Đảng và Nhà nước ban hành quy định về danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Nói điều đó để thấy rằng khi là tướng lĩnh cũng như khi là lãnh đạo cao cấp thì Cố Chủ tịch nước Lê Đức Anh luôn quan tâm đến chiến đấu và chăm lo đời sống và chính sách hậu phương đối với cán bộ chiến sỹ những gia đình có công với nhà nước một cách chu đáo. Một trong những dấu ấn chính trị của Cố Chủ tịch nước Lê Đức Anh phải kể đến việc ông đã tích cực đóng góp, thể hiện lập trường mềm dẻo của Việt Nam đối với Trung Quốc và Mỹ để từ thù địch chuyển dần sang trạng thái hợp tác cùng có lợi. Việc giải tỏa bao vây cấm vận này đã đưa nước ta thoát khỏi thế bao vây, kìm kẹp khổ sở trong thời gian dài trước đó do Mỹ và Trung Quốc phát động, chèn ép đất nước chúng ta.
Và người tiếp theo, tôi muốn nhắc đến đó là vị Cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Trong hơn 2 năm đảm nhận cương vị người đứng đầu Nhà nước, Cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã khiến người dân cả nước thêm tin tưởng và yêu mến ông không chỉ bởi những chỉ đạo quyết liệt, sắt thép trước các vấn đề của đất nước, mà còn bởi những quyết định hợp tình hợp lý, đặt lợi ích của người dân cao nhất. Ở người lãnh đạo ấy, chúng ta thấy rõ hai hình ảnh đối lập: một cứng rắn; mặt khác lại giàu lòng nhân hậu và vô cùng gần gũi với nhân dân. Có lẽ, đối với người lính thì sứ mệnh, lời thề thiêng liêng đã khiến cho Cố Chủ tịch nước hi sinh, cống hiến hết mình với đất nước và người dân. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có những ngày làm việc với nhiều hoạt động quan trọng trên cương vị người đứng đầu Nhà nước, để lại trong tâm trí người dân về một người lãnh đạo tận tụy, hết lòng với công việc của đất nước đến những thời khắc cuối cùng của cuộc đời. Còn nhớ, chỉ một ngày trước khi ra đi về cõi vĩnh hằng, nguyên Chủ tịch nước Trần Đại Quang vẫn viết thư chúc Tết Trung thu gửi tới các em thiếu niên, nhi đồng.
Trên đây đều là những vị lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước xuất thân từ lực lượng vũ trang, đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo đất nước và được nhân dân rất yêu mến. Và hiện nay cũng không hiếm những vị lãnh đạo xuất thân từ lực lượng vũ trang như Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, nguyên Tổng Tham mưu trưởng Quân đội, hiện giữ chức vụ Phó Chủ tịch Quốc hội. Hay Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình; Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính cũng là những người từng đảm nhiệm vị trí Thứ trưởng Bộ Công an. Có thể thấy, lực lượng vũ trang đóng góp không ít các cán bộ lãnh đạo qua nhiều thời kỳ. Tuy tên gọi và nhiệm vụ cụ thể khác nhau, nhưng ở họ có chung một điểm đó là trải qua quá trình tôi luyện từ môi trường lực lượng vũ trang, có được sự trưởng thành, tin tưởng, tin cậy của Đảng, Nhà nước và người dân.
Từ thực tế cho thấy, việc lựa chọn cán bộ xuất thân từ lực lượng vũ trang là đúng khi họ đều đã và đang hoàn thành tốt nhiệm vụ mà nhân dân giao phó. Ấy vậy nhưng, mới đây trên trang cá nhân của Bùi Thanh Hiếu lại cố tình soi mói nói rằng “cần đưa thêm một tướng quân đội vào trong Bộ Chính trị để tạo thế cân bằng với lực lượng Công an”. Có thể thấy, đây là chiêu trò hết sức thâm độc, đang tìm mọi cách để phá hoại mối quan hệ khăng khít, gắn bó giữa Công an và Quốc đội, chia rẽ lực lượng vũ trang, từ đó phá hoại công tác cán bộ của Đại hội 13 sắp tới. Thế nhưng, nói thẳng rằng, cho dù có bịa đặt, dựng chuyện đến đâu thì hai lực lượng này sẽ mãi kề vai, bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, không gì có thể tách rời, chia rẽ “hai cánh tay”, “hai người anh em” của lực lượng vũ trang nhân dân.
Thế Khoa
Nguồn: Cánh cò