Sáng 24/8, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức lễ công bố Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2020. Tham dự buổi lễ, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đã có bài phát biểu, chúc mừng những tác giả và các tập thể có công trình, giải pháp khoa học được vinh danh; đồng thời nhấn mạnh “phải lấy hiệu quả ứng dụng trong thực tế làm tiêu chí, thước đo để xem xét, đánh giá, tôn vinh các công trình, đề tài, giải pháp khoa học – công nghệ”.
Phát biểu của Thường trực Ban Bí thư, tuy ngắn gọn, nhẹ nhàng, nhưng đang thể hiện tầm nhìn của nước ta về ngành nghiên cứu khoa học, một lĩnh vực quan trọng, thiết thực nhưng vẫn còn nhiều chông gai, thử thách. Trong những giai đoạn trước, khi kinh tế còn nhiều khó khăn sau những năm tháng chiến tranh, công tác nghiên cứu khoa học Việt Nam phải đối diện với nhiều trắc trở. Một trong những thách thức lớn nhất khi đó là tính thực tiễn, khi nhiều công trình nghiên cứu bị bỏ ngỏ, lãng quên. Nhưng trong những thập niên qua, khoa học nước ta đã có sự khởi sắc mạnh mẽ, nhiều đề tài khoa học đã được ứng dụng, đem lại hiệu quả thiết thực. Một trong số đó, không thể không nhắc đến giống lúa thơm Sóc Trăng 24 (ST24). Hơn 30 năm về trước, khi gạo Việt Nam chính thức góp mặt vào thị trường toàn cầu, tuy sản lượng luôn vượt trội, giá gạo nước ta lại luôn đi sau quốc gia láng giềng Thái Lan. Thế nhưng, nhờ vào thành quả tâm huyết của những nhà khoa học như kỹ sư chân đất Hồ Quang Cua – cha đẻ của giống lúa ST24 – giá gạo Việt Nam lần đầu tiên đã vượt qua Thái Lan, với mức chênh lệch không hề nhỏ 15-20 USD/tấn, dẫn đầu cả thế giới cả về sản lượng lẫn chất lượng.
Một thành tựu lớn lao khác của khoa học Việt Nam chính là lĩnh vực nghiên cứu, phát triển y học. Nếu như trong những năm 60 của thế kỷ trước, vaccine nước ta phụ thuộc rất nhiều vào sự giúp đỡ của Liên Xô (cũ), đến nay, Việt Nam đã có thể tự sản xuất nhiều loại vaccine khác nhau như viêm não Nhật Bản, viêm gan B… không những đủ đáp ứng cho nhu cầu trong nước, mà có thể xuất khẩu đến các quốc gia khác. Điều đó cho thấy, không vướng phải lối mòn tư duy cũ tách rời khoa học với đời sống và kinh tế, khoa học Việt Nam đã từng bước đóng góp, đồng hành với sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, đúng như lời dạy của bác Hồ: “Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng”.
Công trình nghiên cứu giống lúa thơm của kỹ sư Hồ Quang Cua, hay thành quả sản xuất vaccine, chỉ là một phần trong những thành quả sau hơn 60 năm hình thành và phát triển của khoa học Việt Nam. Sau 40 năm nuôi dưỡng, giấc mơ chinh phục vũ trụ của Việt nam đã được hiện thực hóa với vệ tinh MicroDragon “Made in Vietnam” do 36 thạc sĩ công nghệ vệ tinh của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, dưới sự hướng dẫn của phía Nhật Bản. Không chỉ có vậy, những tài năng khoa học trẻ Việt Nam như hai nữ sinh Trần Đan Khuê và Vũ Thị Nam Anh (THPT Chuyên Khoa học tự nhiên Hà Nội) cũng khiến cả thế giới kinh ngạc với đề tài “tổng hợp được 14 dẫn chất kháng ung thư” vào năm 2017. Những thành tựu đó, nếu không có cái nhìn và định hướng đúng đắn cho nghiên cứu khoa học, có lẽ đến nay vẫn chỉ nằm trong trí tưởng tượng của người Việt Nam.
Khoa học phải đi đôi với thực tiễn, đời sống, lời nhắn nhủ rất nhẹ nhàng của Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng chính là sự khẳng định về vai trò của các nhà khoa học trong sự phát triển kinh tế – xã hội Việt Nam. Đưa khoa học Việt Nam vươn mình ra thế giới, đó là ẩn ý đằng sau câu nói của Thường trực Ban Bí thư.
HẠNH VĂN
Nguồn: Cánh cò