Ông Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh điều này khi nói về kinh nghiệm phòng, chống dịch tại Đà Nẵng, Hải Dương và một số tỉnh, thành phố.
Báo cáo Thủ tướng tại phiên họp thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch Covid-19 chiều 21/8, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trên thế giới, dịch Covid-19 vẫn đang lây lan nhanh và không có dấu hiệu chững lại. Kể từ đầu tháng 7 tới nay, mỗi ngày ghi nhận khoảng 200.000 ca mắc mới và trên 5.000 ca tử vong. Một số nước đã phải tái thiết lập các biện pháp giãn cách nhằm ngăn ngừa dịch bệnh.
Dự báo thời gian tới, dịch bệnh trên thế giới tiếp tục gia tăng, nhất là tại nhiều nước có quan hệ, kinh tế, thương mại và giao lưu lớn với Việt Nam. Do vậy việc mở cửa của Việt Nam cũng sẽ khó khăn hơn.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long (Ảnh: Cổng TTĐT Bộ Y tế)
Về tình hình dịch bệnh trong nước, ông Long cho biết, tình hình dịch bệnh tại Đà Nẵng và Quảng Nam đã trong tầm kiểm soát, số trường hợp mắc bệnh ghi nhận giảm trong tuần gần đây. Trong vài ngày tới, tại Đà Nẵng, Quảng Nam có thể vẫn ghi nhận những trường hợp mắc bệnh rải rác do nguồn lây bệnh đã có tại cộng đồng trước khi được khoanh vùng, khống chế.
Tại Hải Dương, tình hình dịch bệnh cũng đã cơ bản được kiểm soát, trong 3 ngày gần đây không phát hiện thêm các trường hợp mắc bệnh mới. Ổ dịch tại nhà 36 Ngô Quyền, TP Hải Dương với tất cả 12 trường hợp mắc bệnh đã được kiểm soát kịp thời, công tác truy vết, khoanh vùng, cách ly, xét nghiệm vẫn đang được khẩn trương thực hiện để nhanh chóng dập dịch dứt điểm. Các ổ dịch khác tại một số địa phương được phát hiện đều nhanh chóng được khoanh vùng, cách ly và thực hiện các biện pháp chống dịch cần thiết.
Thời gian tới, có thể sẽ tiếp tục xuất hiện các trường hợp mắc bệnh rải rác từ các trường hợp mắc Covid-19 chưa được phát hiện, có khả năng lây lan trong cộng đồng. Bên cạnh đó, có thể sẽ tiếp tục ghi nhận thêm các trường hợp tử vong trong nhóm các bệnh nhân có bệnh lý nền nặng. Kinh nghiệm đáp ứng phòng, chống dịch với ổ dịch tại Đà Nẵng, Hải Dương và một số tỉnh, thành phố cho thấy, khi phát hiện trường hợp mắc bệnh trong cộng đồng, chính quyền địa phương thống nhất, phối hợp chặt chẽ với cơ quan y tế để triển khai nhanh, quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch thì dịch bệnh sẽ nhanh chóng được khống chế, kiểm soát không để lây lan rộng ra cộng đồng.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long kiến nghị Thủ tướng yêu cầu các địa phương tăng cường chỉ đạo, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong phòng chống dịch bệnh, không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; các địa phương tập trung chỉ đạo chủ lực, quyết định các biện pháp phòng chống dịch phù hợp và chịu trách nhiệm về công tác phòng chống dịch trên địa bàn. Khi có nguy cơ xảy ra, cần ưu tiên cho công tác phòng chống dịch và thực hiện phương châm 4 tại chỗ, chủ động ứng phó với các cập độ của dịch; tính toán các biện pháp phòng chống dịch hạn chế tác động tiêu cực đến các hoạt động kinh tế xã hội và đời sống nhân dân.
Tiếp tục áp dụng các biện pháp phòng chống dịch trong trạng thái bình thường mới, yêu cầu người dân ra đường phải đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn thường xuyên, hạn chế ra khỏi nhà khi không cần thiết và không tập trung đông người, giữ khoảng cách khi tiếp xúc; kiểm tra theo dõi thân nhiệt, sức khỏe cùng các biện pháp phòng chống dịch tại từng cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, những nơi thường xuyên tập trung đông người đồng thời thực hiện nghiêm việc giám sát đối với đối tượng có nguy cơ cao trong cộng đồng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong phòng chống dịch…
Các cơ sở y tế phải có kế hoạch ứng phó chủ động và nhịp nhàng để tránh trường hợp nếu phong toả một loạt các bệnh viện thì sẽ khó khăn trong khám chữa bệnh cho bệnh nhân cần cấp cứu; Rà soát lại các kịch bản để chuẩn bị cho tình huống xấu nhất là bị phong toả, nhiều bệnh nhân và nhiều cán bộ y tế dương tính để nâng cao ứng phó và cảnh giác thật nhanh nếu không sẽ bị luống cuống.
Các địa phương rà soát lại tất cả các kịch bản ứng phó phòng chống dịch trên nhiều cấp độ, từ cách ly, khoanh vùng, dập dịch, điều trị, xét nghiệm…, trong đó có vấn đề tập huấn cho cán bộ y tế về truy vết, lấy mẫu…và cả vấn đề bệnh viện dã chiến trong trường hợp cần thiết; lên kịch bản sẵn về việc các bệnh viện sẽ sẵn sàng hỗ trợ, tiếp nhận bệnh nhân trong trường hợp trên địa bàn có cơ sở y tế bị “đóng băng”.
Tính đến 12h ngày 21/8, cả nước ghi nhận 1.007 trường hợp mắc Covid-19 (trong đó 376 ca nhập cảnh từ nước ngoài vào Việt Nam), 26 trường hợp tử vong tại Đà Nẵng (22 trường hợp), Quảng Nam (3) và Quảng Trị (1).
Từ ngày 23/7 đến nay cả nước ghi nhận 592 trường hợp mắc bao gồm 67 trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài và 525 trường hợp lây nhiễm trong nước tại 15 tỉnh, thành phố gồm: Đà Nẵng (367), Quảng Nam (96), TPHCM (8), Hà Nội (11), Quảng Trị (7), Bắc Giang (6), Quảng Ngãi (5), Lạng Sơn (4), Đắk Lắ k (3), Đồng Nai (2), Thái Bình (1), Hà Nam (1), Thanh Hóa (1), Hải Dương (12) và Khánh Hòa (1)./.
Nguồn: VOV.vn