Trang chủ Chính trị Chuyện ‘điểm nóng’ Thái Bình và cách dùng người của nguyên TBT...

Chuyện ‘điểm nóng’ Thái Bình và cách dùng người của nguyên TBT Lê Khả Phiêu

225
0

Qua câu chuyện giải quyết “điểm nóng” ở Thái Bình, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thể hiện là người lãnh đạo luôn sâu sát, gần gũi với Nhân dân, cấp dưới. Tôi viết những dòng kỷ niệm này như nén tâm nhang thành kính xin vĩnh biệt nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, thủ trưởng của những cán bộ cơ quan Tổng cục Chính trị chúng tôi một thời.

Tháng 5 năm 1997, Thái Bình nổi lên tình trạng người dân nhiều xã tụ tập đông người kéo lên cơ quan công quyền khiếu kiện, tố cáo cán bộ cơ sở lợi dụng chủ trương huy động dân đóng góp tiền xây dựng “điện, đường, trường, trạm” để bớt xén, tham nhũng, giàu nhanh mà khởi đầu và nóng nhất là Quỳnh Phụ.

Một số nơi kẻ xấu kích động lôi kéo người dân bất mãn với chính quyền, gây bạo động đánh cán bộ, đốt, phá nhà, bắt giữ công an… làm tỉnh này trở thành điểm nóng an ninh, trật tự. Lực lượng công an hoạt động rất khó khăn nên quân đội giữ vai trò rất quan trọng trong vận động, thuyết phục nhân dân đấu tranh đúng pháp luật.

Lúc ấy, có ý kiến cho rằng có yếu tố “địch”, cần phải chuyên chính, dùng lực lượng quân đội, công an để lập lại trật tự, an ninh.

Khi đó, Thường vụ Bộ Chính trị ra chỉ thị khẳng định đây là mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân, vì thế phải dùng phương pháp tuyên truyền, vận động Nhân dân thấy việc chống tham nhũng rất cần thiết nhưng phải tuân thủ luật pháp, đồng thời phải điều tra, xử lý một số cán bộ trong bộ máy chính quyền biến chất, tham nhũng.

Chuyện ‘điểm nóng’ Thái Bình và cách dùng người của nguyên TBT Lê Khả Phiêu
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.

Tinh thần này được ông Lê Khả Phiêu khi đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Thường trực Bộ Chính trị hết sức quan tâm quán triệt trong Đảng, quân đội, công an, hệ thống chính trị.

Lúc đó, nhận trọng trách Thường trực Bộ Chính trị, ông Lê Khả Phiêu với cương vị Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đặt rất cao trách nhiệm của Tổng cục Chính trị phải tham mưu đề xuất với Thường trực Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng phát huy mọi kinh nghiệm công tác dân vận, huy động lực lượng phù hợp về Thái Bình phối hợp địa phương, Quân khu 3 vận động Nhân dân sớm ổn định tình hình.

Ông Lê Khả Phiêu giao Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Thiếu tướng Lê Văn Hân trực tiếp chỉ đạo Cục Dân vận – Tuyên truyền cử cán bộ từng trải, có bản lĩnh, kinh nghiệm vận động quần chúng luân phiên về Bộ Chỉ huy quân sự Thái Bình tham gia công tác dân vận, nắm tình hình, hàng ngày phải báo cáo kịp thời về Tổng cục Chính trị để chuyển ngay tới Văn phòng Thường trực Bộ Chính trị biết.

Cuối tháng 5/1997, tôi đang là Thượng tá, cán bộ Cục Dân vận – Tuyên truyền đặc biệt được cử về Thái Bình làm phái viên. Khi đó, Chỉ huy trưởng là Đại tá Nguyễn Văn Nuôi, Anh hùng Lực lượng vũ trang (sau đó là Thiếu tướng, Phó Tư lệnh Quân Khu 3). Tôi đề nghị anh cho lập đường dây nóng theo kênh quân sự để hàng ngày báo cáo về Tổng cục Chính trị và đến Văn phòng ông Lê Khả Phiêu thuận lợi. Đề nghị của tôi được Ban Chỉ huy quân sự tỉnh đáp ứng ngay.

Chúng tôi được Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tạo điều kiện về các điểm nóng, tiếp xúc người dân, cả phần tử quá khích, dự họp, giao ban của Bộ Chỉ huy với các cơ quan tỉnh liên quan. Tình hình Thái Bình được báo cáo linh hoạt, đầy đủ về Tổng cục Chính trị và Văn phòng Thường trực Bộ Chính trị, đến ông Lê Khả Phiêu.

Hoàn thành nhiệm vụ, khi cơ quan tổng kết đợt công tác, xét nguồn gốc, nguyên nhân, tôi mạnh dạn nêu nhận định của mình, sự kiện ở Thái Bình vừa qua là dân dạy cho Đảng ta bài học. Cả cơ quan không ai phản bác nhận xét của tôi nhưng xem ra ai cũng ngại nhận xét thẳng thắn của tôi.

Kết quả cán bộ chủ chốt của hơn 225 xã trong 285 xã được thay thế, nhiều lãnh đạo cấp huyện, tỉnh, các ngành được điều chuyển công tác. Những tố cáo và khiếu nại của nhân dân được giải quyết, kết luận thỏa đáng, xử lý cán bộ sai phạm theo đúng quy định của pháp luật, Thái Bình trở nên yên bình.

Cán bộ Cục Dân vận – Tuyên truyền được ông Lê Khả Phiêu khen đã góp phần phục vụ có hiệu quả, giúp cơ sở thực hiện công tác dân vận, nắm tình hình, báo cáo, đề xuất, thậm chí tham gia đấu tranh với phần tử quá khích, giải cứu một số cán bộ công an bị giữ trái phép ở Quỳnh Hoa, Quỳnh Phụ an toàn.

Chuyện ‘điểm nóng’ Thái Bình và cách dùng người của nguyên TBT Lê Khả Phiêu
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu gia nhập quân đội từ năm 1950, khi mới 19 tuổi. Sau này, ông giữ vị trí Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân, hàm Thượng tướng.

Đúng thời điểm đó, ông Lê Khả Phiêu được Trung ương Đảng giới thiệu ứng cử viên đại biểu Quốc hội, trong buổi họp xin ý kiến cử tri Khu dân cư Lý Nam Đế (phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) phát biểu về quan hệ Đảng, Chính quyền với nhân dân, ông nói nôm na nhưng sâu sắc: “Sự việc Thái Bình chính là dân dạy cho Đảng ta bài học về bệnh quan liêu, gần dân mà xa dân, cán bộ Đảng, chính quyền cơ sở hư hỏng, tham ô, dân bức xúc, tố giác đã lâu mà không lắng nghe, điều tra, xử lý. Tình trạng đó cần phải kiên quyết khắc phục và nhất thiết phải sớm ổn định tình hình, không để các thế lực thù địch lợi dụng làm tình hình phức tạp thêm…”.

Cho đến sau này, khi giữ trọng trách Tổng Bí thư, bên cạnh việc cùng tập thể Bộ Chính trị chỉ đạo toàn Đảng tăng cường chỉnh đốn, xây dựng Đảng, mỗi khi về thăm, chúc Tết cán bộ cơ quan Tổng cục Chính trị, Tổng Bí thư luôn nhắc nhở lãnh đạo Tổng cục Chính trị, cán bộ cơ quan phải coi trọng công tác dân vận, góp phần tăng cường quan hệ đoàn kết quân – dân, Đảng với dân.

Một lần khác, Quân khu 7 không may xảy ra sự cố nghiêm trọng, kho trữ thuốc nổ tận thu từ ruột bom đạn pháo lép tại một kho quân khí ở Củ Chi phát nổ làm một số người dân nhà gần đấy bị thương, nhiều nhà cửa của dân sát vùng kho bị hư hại.

Lúc này, một số phần tử quá khích thổi phồng hậu quả, gây sức ép dư luận đòi di dời các cơ sở kho tàng của quân đội đi nơi khác, quy trách nhiệm cho quân đội cẩu thả.

Lúc đó, là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, ông Lê Khả Phiêu trực tiếp giao nhiệm vụ cho Cục Dân vận cử cán bộ vào ngay Quân khu 7 nắm tình hình, góp ý xử lý những hậu quả liên quan đến dân.

Ông chỉ đạo, sự cố xảy ra bất ngờ, dù sao khởi nguồn từ kho vũ khí thu hồi của quân đội, dân bị thiệt hại phải được điều tra kỹ, phải có biện pháp, phương án hỗ trợ, khắc phục những ảnh hưởng, thiệt hại chu đáo nhất.

Tôi được Thủ trưởng Cục Dân vận – Tuyên truyền giao làm nhiệm vụ này. Với chiếc máy ảnh Pratica, tôi vào nắm tình hình, chụp cảnh bãi để thuốc nổ tận thu bị nổ tạo thành hố to như hố bom tấn. Tất cả cánh quạt trần các nhà làm việc trong khu kho cong queo, nhà cửa dân bị nứt tường, sụt vỡ ngói. Tôi khẩn trương làm ảnh, chú thích từng tấm cặn kẽ, chu đáo.

Được dự họp với Ban chỉ đạo xử lý sự cố của Bộ Tư lệnh Quân khu 7, ban đầu, quân khu có sự lúng túng, không biết dân bị thương bao nhiêu, đang nằm cấp cứu ở những cơ sở y tế nào.

Tôi đề xuất Quân khu cử người làm việc với chính quyền điều tra nắm số người dân bị thương, vào các bệnh viện, cơ sở y tế, cần thu dung đón tất cả về Viện Quân y 7 của Quân khu để chữa trị chế độ miễn phí. Việc đó thể hiện trách nhiệm với nhân dân, đồng thời không để kẻ xấu lợi dụng hình ảnh người bị thương để thổi phồng tổn thất, xuyên tạc, gây bất lợi cho quân đội, nhà nước.

Ngày sau, tôi ra ngay Hà Nội, bộ ảnh được đóng thành album, chú thích chu đáo, tỉ mỉ như “phóng sự điều tra” vụ nổ, kèm văn bản báo cáo đầy đủ. Trong buổi giao ban cán bộ, được Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Lê Khả Phiêu khen đại ý “cán bộ cơ quan bộ xuống cơ sở phải nhanh, nhạy, góp những ý kiến thiết thực cho đơn vị, nắm tình hình nhanh, chính xác như vậy”.

Sự việc không lớn nhưng tôi cảm nhận sâu sắc, ông là người lãnh đạo rất gần gũi cấp dưới, luôn có lời khen, động viên kịp thời và nếu có phê bình cũng rất chân tình, nhẹ nhàng nhưng thấm thía.

Chuyện ‘điểm nóng’ Thái Bình và cách dùng người của nguyên TBT Lê Khả Phiêu
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương, trao Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng tặng nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.

Khi nghỉ hưu, tôi tham gia Ban Thường vụ Đảng ủy phường Cửa Đông, dù đã nghỉ hưu, ông Lê Khả Phiêu rất quan tâm phong trào địa phương. Mỗi dịp sinh nhật ông, lãnh đạo phường đến nhà riêng chúc mừng, ông ân cần thăm hỏi về công tác xây dựng Đảng, Chính quyền, việc thực hiện chỉ tiêu kinh tế – xã hội an ninh, quân sự địa phương.

Đặc biệt, ông rất quan tâm tìm hiểu sâu tâm tư, lòng dân với Đảng, Chính phủ, với các chính sách Nhà nước mới ban hành… Thời gian không có nhiều, nhưng nói với chúng tôi ông luôn băn khoăn, canh cánh mong muốn công cuộc chỉnh đốn, xây dựng Đảng, công tác cán bộ phải thật sự được coi trọng ở mọi cấp, không chỉ thấy chỗ khác yếu kém, mình không có vấn đề gì, diệt tham nhũng, nhóm lợi ích phải mạnh mẽ hơn nữa để củng cố niềm tin của dân với Đảng…

Mỗi dịp giáp Tết Nguyên đán, ông đều chủ động nhắc thư ký bố trí lịch để ông ra thăm, chúc Tết, tặng quà Đảng bộ, chính quyền, các đoàn thể, nhân dân…

Khi Hội Cựu chiến binh phường tổ chức kỷ niệm 30 năm Quân tình nguyện Việt Nam giúp Nhân dân nước bạn đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot, anh em lo ông không nhận lời mời nhưng ông rất vui vẻ nhận lời nói chuyện, coi đó là trách nhiệm của một cựu chiến binh tham gia sinh hoạt truyền thống với hội cựu chiến binh nơi mình sinh sống.

Trong buổi nói chuyện, ông nêu bật ý nghĩa, tầm vóc quyết định lịch sử mà Đảng ta, Nhà nước, Quân đội ta trong việc giúp đất nước bạn thoát họa diệt chủng, hồi sinh đất nước, thế giới hiếm có trường hợp nào như vậy.

Là Phó chủ nhiệm, rồi Phó Chính ủy kiêm Chủ nhiệm Chính trị Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia, giữa ông và các vị lãnh đạo Đảng nhân dân, Nhà nước Cam puchia có nhiều tình cảm gắn bó.

Theo nguyên Tổng Bí thư, mỗi lần Thủ tướng Campuchia Hun Sen có chuyến thăm chính thức nước ta, ông đều có chương trình đến thăm, chào nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu tại nhà riêng, mở đầu bao giờ Thủ tướng nước bạn cũng vui vẻ nói là thăm thủ trưởng cũ cùng chiến trường…

Về lối sống, ông sống rất giản dị, không cầu kỳ, hình thức. Sau khi từ chiến trường Campuchia về nhận chức Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, năm 1990, con gái thứ hai của ông xây dựng gia đình, chú rể công tác tại Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông bàn với bác gái, các con tổ chức lễ cưới tiệc trà nước gọn nhẹ. Tôi được gia đình mời dự đám cưới giản dị, ấm cúng, đúng nghĩa nếp sống mới này ngay tại phòng khách Ban Quản lý Lăng bên đường Lê Hồng Phong.

TRỊNH THANH PHI/VTC


Nguồn: Cánh cò

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây