Trước tình hình nhiều bệnh nhân Covid-19 nặng, ngày 13/8, Bộ Y tế tiếp tục cử 3 chuyên gia y tế hàng đầu của Việt Nam vào miền Trung, phối hợp với Bộ chỉ huy tiền phương để nâng cao năng lực điều trị bệnh nhân Covid-19, đặc biệt là bệnh nhân nặng.
Trưa 13/8, tại Trung tâm Quản lý điều hành hỗ trợ chẩn đoán và điều trị Covid-19 ở Cục Quản lý khám chữa bệnh, GS.TS Nguyễn Thanh Long- Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đã giao ban trực tuyến với Bệnh viện (BV) Trung ương Huế cơ sở 2 và BV Đa khoa Trung ương Quảng Nam về công tác điều trị bệnh nhân Covid-19, đặc biệt là việc điều trị bệnh nhân nặng.
Từ Đà Nẵng, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, diễn biến dịch Covid-19 tại các tỉnh Đà Nẵng và Quảng Nam vẫn còn phức tạp và Bộ Y tế tiếp tục tập trung toàn lực hỗ trợ, chia sẻ với 2 tỉnh này trong việc xét nghiệm, truy vết, dập dịch, điều trị bệnh nhân Covid-19, nhất là với các bệnh nhân nặng.
Cho tới thời điểm này, đã hơn 20 ngày dịch Covid-19 bùng phát trở lại tại Đà Nẵng, Quảng Nam, số ca mắc đã cơ bản được khống chế tại 2 địa phương này. Tuy nhiên, số ca nặng vẫn trở thành thách thức lớn đối với đội ngũ các y – bác sĩ điều trị. Hiện đã có 18 bệnh nhân Covid-19 tử vong.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long (thứ 2, từ trái qua) chủ trì cuộc họp.
Hiện các bệnh nhân đang được điều trị tại 24 bệnh viện, trong đó có khoảng 15 bệnh Covid-19 nặng với 3-4 bệnh nền đi kèm như: Tim mạch, tiểu đường, suy tủy, thận nhân tạo… phải thở máy, ECMO, tiên lượng tử vong cao. Các bệnh nhân nặng tập trung tại BV Trung ương Huế cơ sở 2 (5 ca), BV Phổi Đà Nẵng (4 ca), Trung tâm Y tế Hòa Vang (5 ca), BV Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (1 ca), BV Đa khoa Trung ương Quảng Nam…
“Chúng tôi di chuyển và làm việc ở tất cả các BV từ Đà Nẵng, Quảng Nam rồi đến Huế, cùng tham gia với cán bộ y tế địa phương nỗ lực cứu chữa cho các bệnh nhân. Tuy nhiên, do tình trạng các bệnh nhân tương đối nặng, có các bệnh lý mãn tính kèm theo nên tiên lượng rất khó. Nhưng, Bộ Y tế cùng với các chuyên gia đầu ngành vẫn và đang tiếp tục tập trung nguồn lực, trí tuệ, để cứu chữa các bệnh nhân này, với phương châm luôn nỗ lực hết mình để tìm mọi cách mang lại cơ hội sống cho những bệnh nhân nặng mắc Covid-19” – Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn chia sẻ.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng cho biết, trong các cuộc giao ban hàng ngày với Tiểu ban Điều trị, các chuyên gia y tế cũng thường xuyên trao đổi rất kỹ các trường hợp bệnh nhân nặng để có thay đổi cả về phác đồ, thuốc men và những yêu cầu cần thiết để hy vọng bệnh nhân sẽ tốt lên. Trong thời gian tới, với sự nỗ lực của các chuyên gia đầu ngành, Bộ Y tế sẽ tập trung nguồn lực, trí tuệ toàn ngành để cứu chữa cho những bệnh nhân đang còn rất nặng hiện nay.
Theo các chuyên gia, với các ca bệnh nặng, việc điều trị sẽ rất khó khăn, bởi việc bệnh nhân cao tuổi, lại mang trong mình nhiều bệnh nền phức tạp, nếu không mắc Covid-19 cũng là một trở ngại rồi, giờ mắc thêm Covid-19 thì quá trình phục hồi rất khó.
Các bệnh nhân Covid-19 nặng được theo dõi sát sao tại BV Phổi Đà Nẵng.
GS.TS Nguyễn Gia Bình – Tổ trưởng Tổ hội chẩn chuyên môn chăm sóc điều trị ca bệnh Covid-19 – Bộ Y tế cho biết: “Đợt trước chúng ta có những ca bệnh còn trẻ, phần nhiều là trên 30 tuổi, tổn thương không nặng. Còn lần này ở Đà Nẵng là những người lớn tuổi, những người bị bệnh mạn tính, bị tổn thương mạch máu, thậm chí ung thư…; những người này có nguy cơ tử vong cao. Vì virus SARS-CoV-2 không chỉ đi vào phổi mà còn đi vào trong lòng mạch, đi vào tế bào trong cùng của mạch máu, đánh phá các tế bào đó, gây ra các cục máu đông trong lòng mạch dẫn tới cơ chế vận chuyển oxy đến các tế bào sẽ bị ngưng và dẫn tới bệnh nhân có nguy cơ tử vong rất cao”.
GS Bình cùng đánh giá: “Nếu trong tháng 8 chúng ta chặn được tốc độ lây lan và tuân thủ các biện pháp phòng bệnh thì khoảng 2-3 tuần sau đó, chúng ta có hy vọng sẽ chặn đứng được đại dịch Covid-19. Còn nếu chúng ta không chặn đứng được thì tốc độ lây lan sẽ rất nhanh”.
Còn theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Phó trưởng Tiểu ban Điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng, trong số các bệnh nhân tiên lượng nặng, Bộ Y tế sẽ hạn chế tối đa tử vong. Dù biết việc này rất khó nhưng với đội ngũ y – bác sĩ điều trị chuyên sâu của Bộ Y tế đang tập trung chi viện cho Đà Nẵng, Quảng Nam ở thời điểm hiện tại thì chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng và hy vọng vào việc điều trị cho các bệnh nặng thời gian tới sẽ có nhiều khả quan.
Theo PGS Khuê, đối với một số bệnh viện đề nghị bổ sung thêm kít xét nghiệm, máy thở, máy oxy liều cao, Hội đồng chuyên môn đã thống nhất để đáp ứng nhu cầu cho các bệnh viện, phục vụ bệnh nhân tốt nhất. Bộ Y tế sẽ dốc toàn lực chi viện cho các cơ sở y tế có bệnh nhân Covid-19 nặng này nhằm đảm bảo cứu chữa tối đa các bệnh nhân.
Trước tình hình nhiều bệnh nhân Covid-19 nặng, Bộ Y tế đã tiếp tục cử GS Nguyễn Gia Bình – Tổ trưởng Tổ hội chẩn, điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng; GS.TS Nguyễn Văn Kính – Chủ tịch Hội đồng chuyên môn, nguyên Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới Trung ương; PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu – Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội vào miền Trung phối hợp với “Bộ chỉ huy tiền phương” của Bộ Y tế tại Đà Nẵng cùng các chuyên gia đã có mặt tại khu vực này từ khi dịch bệnh bùng phát, tiếp tục nâng cao năng lực điều trị bệnh nhân Covid-19, đặc biệt là bệnh nhân nặng.
GS.TS Nguyễn Thanh Long – Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, đến nay Bộ Y tế đã cử đội ngũ chuyên gia đầu ngành, tinh nhuệ nhiều lĩnh vực như hồi sức, truyền nhiễm, cấp cứu, thận nhân tạo, xét nghiệm, dịch tễ, tim mạch, ung bướu… hàng trăm người vào miền Trung để giúp các địa phương có dịch nâng cao năng lực về việc điều trị, xét nghiệm, cách ly, khoanh vùng, dập dịch…
Diệu Linh
Nguồn: Cánh cò