Trang chủ Tin tức Thương nhớ họa sỹ tài năng Tuman Zhumabaev  

Thương nhớ họa sỹ tài năng Tuman Zhumabaev  

131
0

Họa sỹ Tuman Zhumabaev – họa sỹ người Nga nổi tiếng thế giới đột ngột qua đời ở tuổi 58, giữa lúc tài năng đang độ chín, khiến những người yêu hội họa ở nước Nga cũng như trên thế giới bàng hoàng. 

Tiếc thương ông – một tài năng hội họa lớn của nước Nga, của thế giới. Vĩnh biệt ông, họa sỹ người Nga nhưng đã vẽ rất nhiều về Việt Nam và có tình cảm đặc biệt thân thiết với đất nước, con người Việt Nam. 

Thương nhớ họa sỹ tài năng Tuman Zhumabaev  Chân dung tự họa của họa sỹ Tuman. Ảnh: Lilac galery

Họa sỹ tài năng  

Họa sỹ Tuman Zhumabaev sinh ngày 10/3/1962 tại làng Kyzyl-Tuu, gần Hồ Sary – Chelek của Kyrgyzstan, có tài năng hội họa từ nhỏ. Năm 1980, khi mới 18 tuổi, chàng trai Tuman đã đến thành phố Leningrad (nay là Saint Peterburg) để học 1 năm trong xưởng tranh của nhà sư phạm hội họa nổi tiếng Mechevski. Sau đó, từ năm 1981-1985, ông được nhận vào học tại Trường Nghệ thuật mang tên Serov. Từ năm 1985-1991, ông được lựa chọn để tiếp tục đào tạo tại Viện Hội họa, Điêu khắc và Kiến trúc St.Petersburg mang tên Repin, trực thuộc Viện Hàn lâm Nghệ thuật Nga và là học trò của Nghệ sỹ Nhân dân Liên Xô, Viện sĩ Yuri Neprintsev.
 
Được đào tạo bài bản về hội họa, với những bậc thầy hội họa của nước Nga, tranh của Tuman không những chỉ miêu tả hiện thực xung quanh mình, còn lắng đọng chiều sâu của thế giới nội tâm và trí tuệ. Ông vẽ tranh sơn dầu ở các thể loại khác nhau: chân dung, phong cảnh, tĩnh vật. Tranh của ông luôn tạo ra sự khác biệt bởi phong cách vẽ sâu sắc nhưng phóng khoáng, sử dụng cách phối màu bất ngờ nhưng tinh tế…  

Họa sỹ Tuman không chỉ nổi tiếng ở Nga bởi được trao danh hiệu “Cọ vàng” của thành phố nghệ thuật – cố đô Saint Peteburg, còn được giới phê bình nghệ thuật thế giới đánh giá cao về tài năng. German, một chuyên gia Hiệp Hội phê bình nghệ thuật Quốc tế đã đánh giá: Tuman là “tài năng” của sự kết hợp màu sắc. Thậm chí, trong ông, chúng ta dường như nhìn thấy họa sỹ thiên tài Nga thế kỷ 19 – Ivanov. Sự kết hợp trường phái hiện thực và trường phái ấn tượng trong tranh của Tuman đã tạo nên nhưng gam màu đặc biệt của hội họa hiện đại…  

Ông đã 2 lần nhận được Giải thưởng lớn tại Cuộc thi hội họa quốc tế Poppy Prairie được tổ chức tại Paris (Pháp). Từ năm 2006, ông là thành viên của Hiệp hội Họa sỹ vẽ chân dung Mỹ. 

Triển lãm tranh cá nhân đầu tiên của Họa sỹ Tuman Zhumabaev diễn ra tại Áo vào năm 1996. Từ đó đến nay, ông đã tổ chức trên 30 triển lãm tranh cá nhân tại các thành phố lớn của Nga, Trung Quốc, Áo, Balan, Hungary, Pháp, Nhật, Iran, Việt Nam, Australia… Tranh của ông luôn được giới chuyên môn, giới yêu tranh, văn nghệ sỹ nổi tiếng trong và ngoài nước quan tâm. Bức chân dung Tổng thống Putin do ông vẽ đã được chính quyền Saint Peterburg lựa chọn làm quà tặng Tổng thống Putin nhân ngày sinh. 

Trang thông tin của thành phố Saint Peteburg khi đưa tin về sự ra đi của ông đã có những đánh giá đầy trân trọng với tài năng của người nghệ sỹ: Cả cuộc đời ông đã cống hiến cho nghệ thuật, bút pháp tuyệt vời của ông đã hơn một lần được so sánh với Họa sỹ người Hà Lan – Rembrant, cha đẻ hội họa thế giới. Tuman là họa sỹ nhân dân, ông yêu con người, đất nước và tình yêu đó đã được đưa vào những bức tranh để đời… 

Dành tình yêu lớn đối với Việt Nam

Thương nhớ họa sỹ tài năng Tuman Zhumabaev  Họa sỹ Tuman (áo đen). Ảnh: Lilac galery cung cấp

Tại Việt Nam, Lilac gallery ở số 83B phố Trịnh Công Sơn, Tây Hồ, Hà Nội trưng bày rất nhiều tranh của Tuman. Chủ nhân phòng trưng bày tranh này là hai vợ chồng từng là du học sinh ở Nga cuối những năm 1980, đầu những năm 1990, đồng thời là bạn của Họa sỹ Tuman Zhumabaev từ thuở họ còn là những sinh viên nghèo khó ở nước Nga.

Nói về Họa sỹ Tuman, chủ nhân phòng trưng bày tranh Lilac chia sẻ, tài năng của Họa sỹ Tuman đã được khẳng định, bút pháp vẽ tranh đặc sắc của ông đã được giới chuyên môn so sánh với họa sỹ thiên tài người Hà Lan – Rembrandt, một trong những họa sỹ vĩ đại nhất trong lịch sử hội họa châu Âu nói chung, Hà Lan nói riêng. Tuman đã từng vẽ lại 6 bức tranh của Rembrandt (tranh gốc đang được lưu giữ tại Viện Bảo tàng Hermitage). Sau này, ông đã tổ chức Triển lãm “Ánh sáng của Rembrandt” với các bức vẽ của mình để thể hiện sự trân trọng, kính phục của ông đối với tài năng của Rembrandt.  

Chủ Galery Lilac nói: “Nếu ai đã từng chứng kiến Tuman vẽ, chắc chắn sẽ khâm phục ông hoàn toàn, bởi chỉ cần nhìn cách ông dùng màu vỗ lên toan, rồi ngoáy ngoáy một lúc là đã có thể cho ra đời những bức tranh đầy cảm xúc, có độ sâu và màu sắc cũng rất tuyệt vời…

Xem tranh của ông, người yêu tranh luôn cảm nhận được hiện thực sống động mà tinh tế, nhưng đặc biệt hơn là cảm xúc về một tâm hồn nhân hậu, tình yêu vô bờ đối với thiên nhiên, cuộc sống – điều ông luôn muốn hướng tới trong các tác phẩm của mình. Ông đặc biệt yêu hoa và vẽ nhiều tranh về hoa từ các vùng miền nơi ông có dịp tới thăm. Riêng loài hoa Lilac, biểu tượng “Mùa Xuân của nước Nga”, ông đã vẽ nhiều vô kể. Gallery đã mang tên loài hoa này như muốn xuyên suốt lưu giữ tình yêu thiên nhiên, con người, mong muốn cuộc sống tốt đẹp được phản ánh trong hội họa của ông…” 

Họa sỹ Tuman Zhumabaev luôn yêu thích các chuyến đi đến những vùng đất mới để được thu nạp thêm cảm xúc, được lắng nghe âm thanh, năng lượng của cuộc sống luôn vận động và từ đó cống hiến thêm nhiều tác phẩm để đời. Với Việt Nam, ông dành tình yêu lớn và đặc biệt, “một tình yêu đầy trắc ẩn không thể giải thích được dành cho Việt Nam”, chủ nhân Lilac galery nói. 

Sinh thời, Họa sỹ Tuman Zhumabaev từng bày tỏ tình yêu, lòng ngưỡng mộ đặc biệt của ông dành cho đất nước Việt Nam, nơi ông có những bạn bè thân thiết. Họa sỹ Tuman từng chia sẻ, mỗi lần sang Việt Nam, ông  như được trở về chính ngôi nhà của mình. 

Có lẽ vì coi Việt Nam như ngôi nhà thứ 2 của mình, thế nên, kể từ lần đến Việt Nam đầu tiên vào năm 2002, đến nay là 18 năm, Họa sỹ Tuman đã có 24 lần sang Việt Nam. Hầu như năm nào ông cũng sang Việt Nam ít nhất một lần, có năm sang 2 lần, thường là vào mùa Hè và mùa Xuân. Mỗi lần sang Việt Nam, ông lại lang thang khắp nẻo đường, từ thành phố, đồng bằng đến vùng sông nước, núi đồi…, tiếp xúc với những người dân lao động chăm chỉ, mến khách… Từ những chuyến đi ấy, ông tích lũy năng lượng và cảm xúc để vẽ nên những bức tranh rất đặc trưng về cảnh đẹp, làng quê, con người Việt Nam. 

“Sự quyến rũ của đất nước Việt Nam đã thôi thúc ông tìm kiếm màu sắc, âm thanh, không gian… khác biệt từ những cảnh đẹp nên thơ đến những ngôi nhà lá của bà con vùng núi, hay những khuôn mặt của phụ nữ, trẻ em, người già… Ngắm những bức tranh ông vẽ về Việt Nam, người xem rất dễ cảm nhận được tình cảm sâu đậm của ông đối với mảnh đất này. Và bộ sưu tập tranh “Việt Nam qua ánh mắt tâm hồn” chính là kết quả của tiếng gọi thôi thúc phải sáng tác về Việt Nam từ trái tim ông”, chủ nhân Lilac gallery chia sẻ. 

Cho đến nay, Họa sỹ Tuman đã vẽ khoảng 70 tranh về phong cảnh và con người Việt Nam. Ông từng tổ chức vài cuộc triển lãm tranh về Việt Nam ở nước Nga. Chính vì vậy, ông nổi tiếng ở Nga là một họa sỹ vẽ rất nhiều về Việt Nam. 

Bên cạnh tranh về phong cảnh thiên nhiên, về cuộc sống lao động của người dân Việt Nam, Họa sỹ Tuman Zhumabaev đã vẽ nhiều tranh về Bác Hồ. Đặc biệt, ba bức tranh ông vẽ Bác Hồ đã được Nhà nước Nga lựa chọn để tặng các đoàn cấp cao của Việt Nam sang thăm Liên bang Nga. 

Chủ galery Lilac cho biết, sắp tới, tại nước Nga sẽ có “Sự kiện Tưởng nhớ Họa sỹ Tuman”, được tổ chức cho toàn thể người thân, bạn bè, những người yêu hội hoạ của Tuman. Vào thời điểm đó, phòng tranh Lilac cũng sẽ trưng bày bộ sưu tập tranh của Họa sỹ Tuman được lưu giữ tại Việt Nam, như một hoạt động để tri ân tấm lòng của họa sỹ đối với Việt Nam và tưởng nhớ người nghệ sỹ tài hoa vừa ra đi mãi mãi.

Phương Lan (TTXVN)

Thương nhớ họa sỹ tài năng Tuman Zhumabaev  

Mở cửa triển lãm tranh của các họa sỹ đương đại hàng đầu trên thị trường mỹ thuật

Triển lãm tác phẩm của các họa sỹ đương đại hàng đầu trên thị trường mỹ thuật Việt Nam chính thức mở cửa đón khách tham quan từ ngày 6/8 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (số 66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội). 

Nguồn: Báo Tin tức

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây