Tuần cuối tháng 07/2020 chứng kiến một giai đoạn mới trong diễn biến của dịch COVID-19 tại Việt Nam – khi ca nhiễm số 416 (lây trong cộng đồng) được phát hiện tại Đà Nẵng hôm 25/07, thành phố Đà Nẵng bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội từ ngày 28/07, và 5 ca tử vong đầu tiên liên quan đến dịch bệnh bắt đầu được ghi nhận trong 3 ngày từ 31/07 đến 02/08.
Nhân đó, trong dư luận phi chính thống trên Internet, đã xuất hiện nhiều bài viết khai thác các mâu thuẫn chính trị, xã hội khi bình luận về diễn biến của dịch COVID-19 tại Việt Nam. Trong đó, mâu thuẫn giữa người Việt Nam và người Trung Quốc thường xuyên được khai thác.
Luồng dư luận khai thác mâu thuẫn này liên quan mật thiết đến chủ trương “thân Mỹ – thoát Trung”, mà nhiều nhóm chống chế độ đã vin vào từ nhiều năm nay. Nó tập hợp một số biểu hiện, yêu sách và động lực thúc đẩy khác nhau, được mô tả trong bảng dưới:
Biểu hiện
_ Tung tin (mà không có bằng chứng) rằng người Trung Quốc gây ra đợt lây nhiễm nCoV mới tại Việt Nam.
_ Tung tin (mà không có bằng chứng) rằng Trung Quốc đang dùng nCoV như “vũ khí sinh học” chống Việt Nam, do Việt Nam đang xích lại gần Mỹ. Những người Trung Quốc nhập cảnh bất hợp pháp vào Việt Nam không dương tính với nCoV do “đã được huấn luyện để phát tán virus”.
_ Buộc tội rằng Nhà nước Việt Nam đã góp phần gây ra đợt bùng phát dịch, do đã không đóng cửa biên giới với Trung Quốc, đã ký điều khoản về dẫn độ với Trung Quốc, và đã “nhắm mắt làm ngơ” trước việc người Trung Quốc nhập cảnh bất hợp pháp vào Việt Nam.
Yêu sách
_ “Đóng cửa biên giới trên bộ với Trung Quốc, Lào, Campuchia”.
_ “Xây tường biên giới” ngăn giữa Việt Nam và Trung Quốc.
_ Vô hiệu hóa các điều khoản dẫn độ, xử mọi người nước ngoài phạm luật trên lãnh thổ Việt Nam theo pháp luật Việt Nam.
_ “Phạt tù và lao động cưỡng bức” với những người vượt biên trái phép vào Việt Nam.
_ “Xử bắn ngay những cá nhân, tổ chức đưa người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam”.
Động lực
_ Hận thù với Trung Quốc (liên quan đến vấn đề Biển Đông, lệ thuộc kinh tế…)
_ Muốn công kích Nhà nước Việt Nam.
_ Muốn thay đổi chính sách đối ngoại theo hướng “thân Mỹ – thoát Trung”, để giải quyết vấn đề Biển Đông hoặc thay đổi thể chế chính trị.
Sau khi xem xét vấn đề, chúng tôi xin đưa ra 3 ý kiến:
Thứ nhất, trước khi có bằng chứng vững chắc để khẳng định rằng Trung Quốc cố tình đưa nCoV vào Việt Nam, người Việt Nam không lan truyền tin đồn này. Nếu làm vậy, chúng ta sẽ vừa vô tình tiếp tay cho dối trá, vừa tạo cớ để Trung Quốc công kích ngược lại Việt Nam, vừa góp phần nuôi dưỡng hận thù có thể gây bất ổn tại Việt Nam (như cuộc bạo động nhắm vào các doanh nghiệp Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc ở Bình Dương sau vụ cắm dàn khoan năm 2014). Trên tinh thần pháp quyền, nên kiên quyết siết chặt việc thực thi pháp luật về xuất, nhập cảnh với mọi đối tượng, tránh kích động hận thù và phân biệt đối xử với một dân tộc hoặc quốc cụ thể. Không nên để Việt Nam rơi vào một cuộc khủng hoảng kép tương tự Mỹ, nơi dịch bệnh và biểu tình, bạo động liên quan đến sắc tộc đang diễn ra song song.
Thứ hai, những người đòi “đóng cửa biên giới” nên nghĩ đến hậu quả kinh tế mà người dân phải gánh chịu, và việc Việt Nam có đủ nguồn lực để đóng cửa không. Cần lưu ý rằng việc đóng cửa biên giới có thể sẽ khiến số người vượt biên bất hợp pháp từ cả hai phía tăng lên, do nhiều người không thể di chuyển qua biên giới một cách hợp pháp, với 14 ngày cách ly đầy đủ như quy định.
Thứ ba, chống Trung Quốc không giúp giải quyết vấn đề xuất, nhập cảnh trái phép. Cần nhớ rằng trong những vụ xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới trên bộ của Việt Nam, lượng người Việt Nam cũng chiếm một tỉ lệ không nhỏ, công an, biên phòng và truyền thông đưa tin cho thấy rõ thực trạng này.
Thứ tư, khi kết luận cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều 02/08, Thủ tướng đã yêu cầu khởi tố tất cả các trường hợp nhập cảnh và lưu trú trái phép, đặc biệt với các đường dây tổ chức đưa người nước ngoài vào Việt Nam.Một phiên tòa đã nhanh chóng đưa ra xử lý với hình phạt nghiêm khắc thấy rõ quyết tâm này. Như vậy, Chính phủ đã bắt đầu có giải pháp cho vấn đề nhập cảnh trái phép.
Nguồn: Loa phường