Học giả Anh: Sự cáo chung của Nhân quyền!

Học giả Anh: Sự cáo chung của Nhân quyền!

Stephen Hopgood là giáo sư ngành Quan hệ Quốc tế tại Trường Nghiên cứu Đông phương và Phi châu SOAS, Đại học Luân Đôn, và là chủ tịch của Trung tâm Chính trị Quốc tế về Mâu thuẫn, Quyền và Công lý, đồng thời là phó trưởng khoa của Khoa Luật và Khoa học Xã hội lác tác giả cuốn sách mới phát hành có tên “The Endtimes of Human Rights”, đi tìm nguồn gốc lịch sử của nhân quyền và giải thích lý do cáo chung của nhân quyền, đang thu hút sự chú ý rất lớn từ giới chuyên môn. Trước cuốn The Endtimes of Human Rights, Hopgood đã viết một cuốn khác có tên Keepers of the Flame: Understanding Amnesty International (tạm dịch: Những người giữ lửa: Hiểu về Tổ chức Ân xá Quốc tế) và giành được giải thưởng Sách Hay Nhất về Nhân quyền từ Hiệp hội Khoa học Chính trị Hoa Kỳ.

Trong cuốn The Endtimes of Human Rights, Stephen Hopgood đã tranh luận rằng giữa “nhân quyền”, được định nghĩa là “một phương tiện phản kháng không bá quyền” tích hợp các phong cách tự có và các hành động địa phương (tr. 178), và “Nhân quyền,” một diễn ngôn thiêng liêng và mang tính quốc tế bao gồm “luật lệ, tòa án, quy phạm và các tổ chức…” mà luôn tự nhận là phát ngôn với một thẩm quyền đơn nhất thay mặt cho toàn thể nhân loại”. Và Hopgood cho rằng cái cộng đồng quốc tế này đang sắp phải đối mặt với “sự phân rã khó tránh khỏi của Chế độ Nhân quyền Toàn cầu”.

Lý do đầu tiên cho sự phân rã nhân quyền của Hopgood là sự thật rằng, cấu trúc thượng tầng rộng lớn của luật lệ và tổ chức nhân quyền quốc tế không còn “phù hợp với mục đích của nó nữa.” Quay trở lại thế kỷ 19, Hopgood lập luận rằng ba nhánh của cây nhân văn mà ngày nay chúng ta gọi là chủ nghĩa nhân đạo, nhân quyền và công lý quốc tế đều xuất phát từ cùng một nguồn gốc đó là những trí thức thuộc tầng lớp trung lưu châu Âu thế kỷ 19, những người tin rằng họ có “đặc ân trí tuệ”. Với sự bất bình đẳng và sự đau khổ của con người xuất hiện vào thời điểm đó, những trí thức này tự coi mình là những người Samari Tốt (Good Samaritans), có nghĩa vụ cứu rỗi linh hồn của bản thân họ bằng cách cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho các xã hội “kém văn minh hơn”. Do đó, Hopgood đưa ra lập luận rằng những người trí thức châu Âu này đã nâng chủ nghĩa nhân văn thành một tập hợp thể chế và thực tiễn xã hội có “nền tảng là một nền văn hóa mang đầy tình cảm đạo đức siêu việt với các thành phần Kitô giáo mạnh mẽ”.

Để minh họa, Hopgood cung cấp hai ví dụ, cho đến ngày nay, đều bắt nguồn từ truyền thống đại tự sự thiêng liêng này: thứ nhất là thay thế sự hy sinh của Jesus vì đau khổ mà con người phải hứng chịu” do Ủy ban Quốc tế của Hội Chữ thập đỏ (ICRC) thực hiện và việc chủ nghĩa nhân đạo sử dụng hình ảnh của một đứa trẻ bị bỏ rơi, đứa trẻ đói khát và đứa trẻ mồ côi chiến tranh như một nạn nhân thụ động và vô tội trên bìa sách và báo cáo. Bằng cách sử dụng đại tự sự thiêng liêng này, ông tin rằng Nhân quyền đã phát triển hai chiến lược: biến ý thức hệ thành sự thật, trong khi đó loại bỏ các câu hỏi “tại sao” ra khỏi thực tế. Nói cách khác, Hopgood lập luận rằng diễn ngôn Nhân quyền sử dụng các biểu tượng tôn giáo hoặc hình ảnh của những đứa trẻ đau khổ như một cách để tạo ra kết quả chính trị, hay cái mà ông gọi là “phép thuật xã hội”. Ông tin rằng điều này đúng vì hai lý do: 1) con cái của bất cứ ai cũng có thể trở thành nạn nhân của loại đau khổ này và 2) Chúa đang kêu gọi những con chiên giúp đỡ anh chị em của họ. Thật không may, ông lưu ý, thay vì thách thức truyền thống đại tự sự này, nhiều người lại đi xây dựng và thể chế hóa cái “sức mạnh vượt trội” được gọi là Nhân quyền này.

Lý do thứ hai khiến Hopgood tin rằng Nhân quyền đang sụp đổ ở khía cạnh diễn ngôn là bởi vì đang có “một sự thay đổi trong phân phối quyền lực trên toàn cầu, thoát ra khỏi một hệ thống đơn cực Mỹ và hướng tới một thế giới đa cực hơn”. Để minh họa cho sự thay đổi này, Hopgood cung cấp hai ví dụ. Thứ nhất, vì Nhân quyền có bộ quy tắc và quy ước riêng mà có rất ít giá trị sử dụng trong các cuộc đấu tranh hàng ngày cho quyền con người ở cấp địa phương, chúng ta đã thấy sự phát triển của nhân quyền Đông Á và Châu Phi đang nổi lên; những điều này đang thách thức cái gọi là “chủ nghĩa phổ quát Nhân quyền toàn cầu mang tính độc quyền”, mà họ cho rằng đó là một mô hình lỗi thời. Thứ hai, gắn nhãn hệ thống đa cực này là một tân-Wesphalia, tức là chế độ mà mỗi nước nắm hoàn toàn chủ quyền riêng của nước mình, Hopgood chứng kiến sự trỗi dậy của Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi (BRICS) đã và đang thách thức quyền bá chủ thế giới của Hoa Kỳ. Mặc dù BRICS không nhất thiết phải chống lại luật pháp quốc tế, Hopgood cho rằng “vấn đề là ai quyết định các quy tắc toàn cầu nhằm xác định các trường hợp ngoại lệ hợp pháp đối với họ”. Theo ông, hệ thống tân-Westphalia này sẽ thiên về chủ quyền với tư cách là đặc quyền hơn là trách nhiệm, dẫn đến sự biến mất của Nhân quyền.

Mặc dù The Endtimes of Human Rights là một cuốn sách đầy khiêu khích, – được chấp nhận vì Hopgood là một cựu nhân viên của Tổ chức Ân xá Quốc tế (AI) – một số vấn đề cần được giải quyết. Đầu tiên, khi các nhà khoa học chính trị, đặc biệt là những người theo chủ nghĩa hiện thực, đã hoài nghi về sự tiến bộ và hiệu quả của chế độ nhân quyền quốc tế, Hopgood không đưa ra bất cứ điều gì đặc biệt gây sốc hay mới mẻ. Một số cuốn sách học thuật như Making Human Rights a Reality (Nhà xuất bản Đại học Princeton, 2013) của Emilie Hafner-Burton và Campaigning for Justice: Human Rights Advocacy in Practice (Nhà xuất bản Đại học Stanford, 2013) của Jo Becker đã bày tỏ những điểm yếu của khái niệm nhân quyền , cũng như các cuộc đấu tranh và thách thức của những người ủng hộ nhân quyền. Thứ hai, liệu chúng ta có đang bước vào một thế giới đa cực tân-Westphalia hay không vẫn còn nhiều nghi vấn. Những hành động gần đây của Mỹ dường như cho thấy nước này đang sửa đổi luật pháp quốc tế. Thật không may, Hopgood không trực tiếp giải quyết tranh luận về việc liệu sức mạnh của Hoa Kỳ trên thực tế có bị suy giảm hay không. Có lẽ thời gian sẽ trả lời chúng ta khi những sự kiện gần đây về COVID-19 và phân biệt chủng tộc đã phần nào cho thấy sự suy yếu của Hoa Kỳ.

Nhìn chung, cuốn sách là một nghiên cứu chi tiết và có nhiều giá trị, không phải dành cho những người chưa biết gì về nhân quyền mà nó phù hợp cho những người đã và đang hoạt động trong lĩnh vực nhân quyền, những người muốn tìm lối đi mới trong thời khắc chuyển giao này.

VKL

Nguồn: Diễn đàn Dân chủ

Comments

No comments yet. Why don’t you start the discussion?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *