Ngày 8-8, đến hẹn lại lên, sĩ tử khắp nước Việt Nam lại bước vào kỳ thi Tốt nghiệp THPT Quốc gia. Cũng như những năm trước, chúng ta lại được chứng kiến những cử chỉ đẹp, những tấm gương sáng tiếp sức cho các sĩ tử bước vào kỳ thi đầy gian khó. Buổi chiều ngày thi thứ hai năm nay, thiên nhiên như đang thử thách các sĩ tử bằng cơn mưa tầm tã đầu mùa. Nhưng thời tiết u buồn ngày hôm đó lại được thắp sáng bằng hình ảnh người chiến sĩ cảnh sát giao thông nhường chiếc áo mưa của mình cho một thí sinh, rồi chở em đến hội đồng thi tại trường THPT Ernst Thälmann. Người chiến sĩ đó là Đại úy Nguyễn Anh Tú, Đội CSGT Bến Thành (TP.HCM).
Thế nhưng, đáng tiếc rằng, lại có những người tìm cách ‘bôi tro trát trấu’ vào hành động đáng quý của đại úy Tú. Họ cho rằng CSGT bày trò, dàn cảnh “diễn sâu” để mua danh, đánh bóng hình tượng. Cái tệ hại ở chỗ, xúc phạm người chiến sĩ cảnh sát đã đành, những kẻ này thậm chí quy chụp cho cô bé học sinh ấy “thông đồng” với người đang hết lòng giúp đỡ em. Xin hỏi những con người đang tự vuốt ve bản thân, ảo tưởng rằng mình đã “bóc phốt” các chiến sĩ, đối với một sĩ tử, khi kỳ thi quyết định tương lai và sự nghiệp đang ở trước mắt, điều các em quan tâm nhất có phải là việc “mua danh” cho người khác? Hoàn toàn không, điều các em quan tâm nhất ngay lúc đó, là làm sao để đến được hội đồng thi sớm nhất, để không đánh mất cơ hội cho tương lai của mình. Chắc hẳn những ai từng cắp sách đến trường, từng trải qua những kỳ thi như cô sĩ tử kia, sẽ hiểu được tâm trạng của em.
Ngày hôm đó, hai chị em đèo nhau trên chiếc xe gắn máy, trời đổ cơn mưa như thử lòng người. Áo mưa không có, cả hai đành dầm mình trong con nước, nhưng cảm giác lạnh giá chắc chắn không thể nào lấn án nỗi lo sợ sẽ không kịp đến hội đồng thi đúng giờ. Trong hoàn cảnh như vậy, lại có một chú cảnh sát sẵn sàng nhường cho chiếc áo mưa duy nhất trên người, để bản thân mình ướt sũng mà chở em đi thi. Dù khoảng cách rất gần thôi, khi đại úy Tú gặp hai chị em, họ chỉ còn cách trường THPT Thalmann khoảng 350m. Nhưng 350m dưới cơn mưa tầm tã, ôm nỗi lo đi muộn, cũng đã là cả một sự thử thách. Đại úy Tú giãi bày, khi nhìn hai người dầm mưa trên đường, người ngồi sau lại mặc đồng phục học sinh, anh đã lập tức hỏi han. Và ngay khi biết đó là một sĩ tử, lại đi thi tại ngay trường cũ của mình, anh liền nhớ ngay về cái tuổi học trò của mình, sự đồng cảm đó đã giúp anh không ngần ngại dành cho cô bé sĩ tử chiếc áo mưa của mình và “cuốc xe miễn phí” đến hội đồng thi. Nếu không có một tấm lòng có thể lắng nghe, thấu hiểu, mà chỉ “chăm lo” chuyện đánh bóng tên tuổi, sẽ chẳng thể nào làm được như vậy.
Điều nực cười trong câu chuyện của những kẻ miệng lưỡi rắn độc là chiếc nón bảo hiểm, rằng chiếc nón ấy ‘từ trên trời rơi xuống’, rằng tại sao lại có sẵn nón mà cho CSGT chở đi thi. Tất cả chỉ chứng tỏ những kẻ tự cho mình khôn ngoan, làm “anh hùng chống tiêu cực” thực tế chẳng biết gì về sự thât đằng sau câu chuyện vừa qua. Họ đâu cần kiểm chứng rằng, cô sĩ tử này đang được chị mình chở đi thi bằng xe máy, đội mình dưới mưa rồi mới gặp được đại úy Tú. Chỉ bằng vài bức ảnh, những kẻ này “thỏa sức” tô vẽ ra bức tranh theo trí tưởng tượng “phong phú” của mình, rồi cuối cùng quy chụp những “tội danh” từ “diễn sâu” đến “mua danh” cho không chỉ người CSGT, mà cả cho một cô bé học trò hồn nhiên, vô tội.
Đáng buồn thay cho những kẻ không cần biết thực hư, mà chỉ muốn có “hiện thực” theo ý mình, để được thỏa sức bôi nhọ những hành động người tốt việc tốt, bôi nhọ xã hội của con người Việt Nam. Tấm lòng người Việt, trong đó có các chiến sĩ CSGT, chỉ cần hành động, không cần sự đánh bóng, cũng chẳng cần phải “diễn sâu” để chạm đến trái tim của tất cả mọi người.
HẠNH VĂN
Nguồn: Cánh cò