Trang chủ Chính trị Tân bí thư trong 15 ngày!

Tân bí thư trong 15 ngày!

174
0

Chỉ hơn một tháng, TP Bắc Ninh có đến 3 bí thư thành ủy là việc rất buồn, rất rất buồn.

Ngày 17-6, đại hội Đảng bộ TP Bắc Ninh bầu lại ông Vương Quốc Tuấn làm bí thư.

Đến ngày 22-7, ông Nguyễn Nhân Chinh (con trai bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh) được điều động, chỉ định làm bí thư thành ủy.

Tân bí thư trong 15 ngày!
Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan trao quyết định cho ông Nguyễn Nhân Chinh – Ảnh: VietnamNet

Và ngày 6-8, ông Tạ Đăng Đoan lại được chỉ định làm bí thư thành ủy. Cần nhắc lại, trước đó vài ngày, Ban Tổ chức trung ương đã yêu cầu cấp có thẩm quyền tỉnh Bắc Ninh xem xét việc điều động, chỉ định ông Nguyễn Nhân Chinh làm bí thư Thành ủy Bắc Ninh.

Từ câu chuyện trên đã đặt ra nhiều vấn đề cần suy nghĩ trong công tác cán bộ. Trước đây, việc cất nhắc con cháu, người thân vào những vị trí cao hơn từng xảy ra và gây ra những dư luận xấu.

Nhưng gần đây, Đảng đang quyết tâm đổi mới công tác cán bộ, có nhiều chỉ thị, quy định về việc nêu gương của người đứng đầu, về chống chạy chức chạy quyền, vì vậy người đứng đầu, những người là ủy viên trung ương phải thấm nhuần đầu tiên. Nhưng tiếc rằng vẫn xảy ra những vụ việc “chỉ định người nhà” gây bức xúc.

Liệu vẫn có sơ hở trong các cơ chế, quy định, quy trình về công tác nhân sự của Đảng, từ đó người ta vẫn lợi dụng, lạm dụng để thực hiện ý đồ cá nhân?

Có quy định 205 về chống chạy chức chạy quyền, rồi những điều đảng viên không được làm nhưng vẫn có người “cao thủ”, làm đúng quy trình, không vướng vào quy định nào để đạt mục tiêu của mình?

Từ xa xưa, chúng ta đã có Luật hồi tỵ để người làm quan không thể lợi dụng đưa “cả họ làm quan” được. Nay chúng ta cũng có quy định người đứng đầu, bí thư không phải người địa phương nhưng đây đó vẫn xảy ra tình trạng cả họ làm quan.

Điều đáng nói là công tác nhân sự không thể do cá nhân quyết định mà phải qua tập thể. Tại sao vẫn có những tập thể ban thường vụ tỉnh ủy lại thống nhất cao để thông qua chỉ định nhân sự gây bức xúc xã hội? Tính đấu tranh, sự đoàn kết cũng như tính chiến đấu của những tập thể lãnh đạo này ra sao?

Biết rằng việc chỉ định, điều động nhân sự “người nhà” trong những vụ lùm xùm vừa qua dù không vi phạm quy định cụ thể nào, nhưng có gì không ổn, bị công luận xã hội phản ứng, cấp trên yêu cầu phải xem lại.

Với những vụ lùm xùm này, trách nhiệm của tập thể lãnh đạo, nhất là người đứng đầu ra sao? Rất nhiều quy định, hướng dẫn gần đây đều nói rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, của người giới thiệu nhân sự.

Cần phải làm nghiêm quy định này, tức trách nhiệm của người đứng đầu mới mong chấm dứt tình trạng “đúng quy trình” nhưng vẫn gây bức xúc, lùm xùm, vẫn có chuyện “chỉ định, đề bạt người nhà”.

LÊ NAM (nguyên phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Thanh Hóa)


Nguồn: Cánh cò

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây