Sáng 6/8, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến về triển khai kế hoạch thực thi Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu – Việt Nam (EVFTA).
Hiệp định EVFTA đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Việt Nam là quốc gia đang phát triển đầu tiên ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương ký Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU). Hiệp định được ví như “tuyến đường cao tốc đã mở” đối với cả Việt Nam và EU, nhất là doanh nghiệp hai nước.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại, cách đây khoảng 1 năm, ngày 30/6/2019, Việt Nam và EU đã ký chính thức ký Hiệp định EVFTA và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA), thể hiện tư duy chiến lược, mở ra không gian rộng lớn giữa hai bên.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, từ đầu năm 2020, lãnh đạo Việt Nam liên tục điện đàm với lãnh đạo nhiều quốc gia, trong đó có điện đàm với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC). Hai bên cùng tự hào hướng tới một mốc son quan hệ mới và kỳ vọng những điều khoản của Hiệp định EVFTA sẽ đi vào thực tiễn cuộc sống, đáp ứng sự mong đợi của doanh nghiệp của người dân hai bên. Hiệp định lịch sử này càng có ý nghĩa khi cả hai bên đang gặp nhiều khó khăn về kinh tế-xã hội do tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19.
EVFTA là một Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới có tiêu chuẩn cao, toàn diện, độ mở lớn và cân bằng lợi ích cho cả hai bên. Riêng đối với Việt Nam, nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong điều kiện bình thường thì Hiệp định có thể góp phần giúp GDP tăng thêm bình quân lên đến 3,2% trong giai đoạn 5 năm đầu thực hiện, bình quân lên đến 5,3% cho 5 năm tiếp theo và lên đến 7,72 % cho 5 năm sau đó.
Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh, EU luôn là thị trường có yêu cầu khắt khe về chất lượng và tiêu chuẩn cao đối với hàng hóa, dịch vụ, nơi đây không có chỗ cho những doanh nghiệp thiếu kiên trì, không sáng tạo, hàng hóa kém chất lượng. Hiệp định EVFTA mở ra cơ hội để Việt Nam đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam tự nâng cấp chính mình, chấp nhận những luật chơi mới, khó hơn để tiến sâu hơn, vươn lên những công đoạn có giá trị cao hơn trong chuỗi cung ứng, chuỗi phân phối của EU và toàn cầu.
“Do vậy, ngay lúc này, câu hỏi lớn hơn, quan trọng hơn là chúng ta phải làm gì, làm như thế nào, nỗ lực ra sao để đạt được ước tính, những kết quả tốt đẹp đó, nhất là để nâng mình lên trong hợp tác của các đối tác EU, khối kinh tế phát triển hùng mạnh hàng đầu của thế giới”, Thủ tướng trăn trở.
Thủ tướng nêu ra 6 câu hỏi cần phải giải quyết lúc này, đó là:
Thứ nhất, tại sao hoạt động truyền thông về hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và FTA nói riêng chưa hiệu quả? Nhận thức, hiểu biết của cộng đồng doanh nghiệp, người dân và ngay cả trong các cơ quan quản lý Nhà nước vẫn còn hạn chế. Phải làm gì để khắc phục được tình trạng này?
Thứ hai, tại sao việc tận dụng cơ hội từ các FTA chưa được như mong đợi? Có phải là do cơ chế chính sách của chúng ta còn chưa thông thoáng, còn tạo ra những rào cản vô hình đối với doanh nghiệp hay một phần do chính các doanh nghiệp của chúng ta đang còn thụ động, chưa thay đổi tư duy kinh doanh?
Thứ ba, làm thế nào để phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao tại các doanh nghiệp, đây là yếu tố sống còn trong kinh doanh. Doanh nghiệp cần làm gì? Chính phủ, chính quyền địa phương trong cả nước cần làm gì để hỗ trợ hiệu quả?
Thứ tư, phải làm gì để phát triển kết cấu hạ tầng, vì đây là một yêu cầu hàng đầu để sản xuất kinh doanh có hiệu quả?
Thứ năm, yêu cầu về phát triển bền vững là nội dung quan trọng trong EVFTA và có tiêu chuẩn cao, không chỉ về nâng cao hiệu quả kinh tế, mà đi đôi với các yêu cầu khắt khe về làm tốt hơn nhiệm vụ, trách nhiệm xã hội, lao động, việc làm và bảo vệ môi trường. “Không thể bán hải sản tươi ngon, giá rẻ tại thị trường EU nếu là hải sản đánh bắt trái phép. Chúng ta phải làm gì để tất cả người dân, doanh nghiệp trong và cơ quan quản lý quan tâm cùng hành động?”
Thứ sáu, khi EVFTA có hiệu lực, nhiều sản phẩm của Việt Nam phải cạnh tranh trên thị trường nội địa với các sản phẩm của EU, không thể đóng cửa, dựng nên hàng rào bảo hộ, mà chúng ta phải thực hiện đúng cam kết, quản lý tốt thị trường, tạo nên môi trường kinh doanh lành mạnh. Như vậy, Chính phủ và doanh nghiệp cần phải làm gì?
Trên cơ sở 6 nội dung lớn mà Thủ tướng Chính phủ đã nêu, từ góc độ, chức năng quản lý của mình, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, Việt Nam cần nhận thức đúng đắn rằng, cũng như các FTA khác, Hiệp định EVFTA được xây dựng trên nguyên tắc có đi có lại và cân bằng về lợi ích của cả hai bên. Theo đó, khi EU xóa bỏ thuế quan cho hàng hóa của Việt Nam có cơ hội trong việc xuất khẩu sang thị trường EU thì ngược lại chúng ta cũng phải có nghĩa vụ mở cửa thị trường của mình cho hàng hóa của châu Âu.
“Vấn đề ở đây là bên cạnh việc trang bị năng lực cạnh tranh cho hàng hóa trong nước, chúng ta cần phải tạo ra một môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh cho hàng hóa của cả hai bên. Điểm đáng lưu ý là EU có cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa mang tính bổ trợ với Việt Nam và do vậy không trực tiếp cạnh tranh với hàng hóa cùng phân khúc của chúng ta. Chính vì thế, những mặt hàng mà EU có thế mạnh khi nhập khẩu vào thị trường Việt Nam như máy móc, thiết bị… sẽ giúp hỗ trợ cho ngành sản xuất trong nước giảm giá thành và nâng cao năng lực sản xuất, từ đó tạo ra những sản phẩm có sức cạnh tranh tốt hơn”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Bộ trưởng bày tỏ sự tin tưởng rằng, với sự nhận thức đúng đắn và sự chuẩn bị tốt, Việt Nam có thể đón đầu và tận dụng hiệu quả được những cơ hội và kỳ vọng mà Hiệp định EVFTA sẽ mang lại.
“Nếu EVFTA được ví như con đường cao tốc cho việc thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế thì ngày hôm nay chúng ta đã tự tin sẵn sàng thông xe cho con đường đó, để giúp cho các phương tiện lưu thông trên đó – chính là doanh nghiệp và nền kinh tế – được vận hành một cách thuận lợi, thông suốt và hiệu quả hơn”, người đứng đầu Bộ Công Thương khẳng định.
Gia Thành
Nguồn: Cánh cò