Nhằm chấn chỉnh, phòng ngừa xu hướng “báo hóa” tạp chí điện tử (TCĐT), tháng 8-2019, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã ban hành văn bản yêu cầu tổng biên tập các tạp chí quản lý chặt chẽ nội dung thông tin, thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích và các quy định của pháp luật về báo chí, không sử dụng giấy phép xuất bản TCĐT để xuất bản báo điện tử.
Phần 1: Phòng ngừa những hệ lụy từ xu hướng “báo hóa” tạp chí điện tử
Tuy nhiên, một số lãnh đạo TCĐT vẫn “phớt lờ” văn bản nhắc nhở của cơ quan quản lý nhà nước, tiếp tục để tạp chí của mình hoạt động không đúng chức năng, nhiệm vụ, dẫn đến hàng loạt sai phạm.
Siết chặt công tác quản lý nhà nước; đề cao trách nhiệm cơ quan chủ quản và người đứng đầu các tạp chí điện tử
Sau khi có Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 3-4-2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, Bộ TT&TT đã triển khai nhiều biện pháp để thực hiện việc sắp xếp các cơ quan báo chí theo quy hoạch. Một trong những việc làm đó là vào cuối tháng 3-2020, bộ đã tổ chức cấp phép cho 18 tạp chí thuộc 18 tổ chức hội, trong đó có một số TCĐT.
Mới đây, Bộ TT&TT đã công khai tôn chỉ, mục đích của hơn 800 cơ quan báo chí trong cả nước trên cổng thông tin điện tử của bộ. Việc làm này nhằm giúp các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, các cấp và toàn thể người dân biết rõ tôn chỉ, mục đích của từng cơ quan báo chí (trong đó có TCĐT) để có cách cung cấp thông tin phù hợp với từng loại hình, vị thế, vai trò của cơ quan báo chí; mặt khác, nhằm bảo đảm các cơ quan báo chí nghiêm túc hơn trong việc thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, phương thức hoạt động báo chí của mình. Không những vậy, việc công khai này còn giúp toàn xã hội tham gia giám sát hoạt động của các cơ quan báo chí, phòng ngừa hiện tượng báo này “lấn sân” báo khác, từng bước khắc phục thực trạng “báo hóa” TCĐT vốn gây ra nhiều hệ lụy phức tạp cho xã hội và làm nhức nhối lương tri những người làm báo chân chính.
Tuy vậy, một mình Bộ TT&TT không thể giải quyết dứt điểm tình trạng “báo hóa” tạp chí, mà đòi hỏi phải có sự vào cuộc chủ động, mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa của các cơ quan chủ quản báo chí và đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cơ quan báo chí. Bởi vì, một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến nhiều TCĐT hoạt động sai tôn chỉ, mục đích là do các cơ quan chủ quản báo chí, cụ thể là ban lãnh đạo các tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp, tổ chức xã hội-nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp không những chưa chấp hành nghiêm túc sự chỉ đạo, định hướng thông tin của cơ quan chức năng mà còn buông lỏng quản lý cơ quan báo chí trực thuộc, thậm chí “khoán trắng” và bị phụ thuộc kinh tế vào cơ quan báo chí. Theo đại diện lãnh đạo Bộ TT&TT, nếu cơ quan chủ quản báo chí thực sự nghiêm minh, chính trực, quan tâm thiết thực đến cơ quan báo chí, có trách nhiệm với những giá trị lợi ích chân chính của đất nước, xã hội, công chúng thì không thể để cho cơ quan báo chí của hội mình hoạt động báo chí sai tôn chỉ, mục đích, gây ra nhiều tai tiếng, phản cảm cho xã hội và ít nhiều làm suy giảm uy tín, danh dự của tổ chức hội.
Theo đại diện lãnh đạo Ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam, mọi hoạt động báo chí của các cơ quan báo chí đều phụ thuộc rất lớn vào vai trò “cầm cân nảy mực” của người đứng đầu. Nếu người đứng đầu cơ quan báo chí tuân thủ đúng Luật Báo chí năm 2016, Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, đề cao trách nhiệm chính trị, tôn trọng những giá trị chuẩn mực trong hoạt động báo chí và siết chặt kỷ cương, kỷ luật làm báo thì khó có thể để “con sâu” tồn tại trong cơ quan báo chí của mình. Khi người đứng đầu cơ quan báo chí có tinh thần “phụng công thủ pháp”, nghiêm khắc với cấp dưới của mình thì khó có chuyện phóng viên, nhân viên của cơ quan dám đi làm những việc không phù hợp với vị thế, tư cách, phẩm giá chân chính của người làm báo cách mạng.
Cùng với đó, ban lãnh đạo các TCĐT phải chủ động rà soát, chấn chỉnh ngay hoạt động, nội dung tác nghiệp của các phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên, nhất là hoạt động của các văn phòng đại diện, cơ quan thường trú, các đối tác liên kết, phối hợp hoạt động kinh tế, hợp tác truyền thông, quảng cáo, không lợi dụng báo chí để nhiễu nhương, trục lợi, vi phạm đạo đức nghề nghiệp và vi phạm pháp luật, qua đó góp phần làm lành mạnh hóa môi trường thông tin xã hội.
Tạo điều kiện cho tạp chí điện tử trở lại bản chất đích thực, hoạt động thuận lợi hơn
Tại Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 3-4-2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, đã quy định: “TCĐT phải thể hiện đúng tính chất tạp chí, không được sử dụng giấy phép xuất bản TCĐT để xuất bản báo điện tử”.
Với lý do như vậy, theo PGS, TS Nguyễn Văn Dững (Học viện Báo chí và Tuyên truyền), người làm tạp chí (trong đó có TCĐT) khác với người làm báo ở chỗ là họ có trình độ chuyên môn sâu hơn về một lĩnh vực, một chuyên ngành. Do đó, cách làm ra nội dung sản phẩm của tạp chí cũng không giống với cách tạo ra một sản phẩm báo chí. Tạp chí muốn thu hút độc giả, muốn tạo dựng được uy tín trong công chúng thì nhất thiết phải trở lại đúng bản chất là thông tin định kỳ, chuyên sâu với các nội dung bài viết mang tính học thuật cao, giàu hàm lượng tri thức văn hóa, khoa học; đồng thời tạp chí cần làm tròn sứ mệnh là nơi công bố, cung cấp có hệ thống, chiều sâu về tri thức; tham gia giới thiệu các kết quả nghiên cứu khoa học, tư vấn, phản biện chính sách trên tinh thần khoa học, vì lợi ích chung của đất nước và xã hội.
Những năm qua, truyền thông xã hội ra đời, phát triển mạnh mẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động báo chí nói chung, kinh tế báo chí nói riêng. Thị phần quảng cáo đã bị các tập đoàn công nghệ-truyền thông xã hội chiếm giữ, chi phối phần lớn khiến các cơ quan báo chí hoạt động rất khó khăn. Vì vậy, muốn góp phần giải quyết căn cơ tình trạng “báo hóa” TCĐT thì các cơ quan chức năng, các cơ quan hữu quan cần sớm nghiên cứu thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ một phần ngân sách để tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí nói chung, các TCĐT nói riêng có thêm nguồn kinh phí hoạt động, qua đó giải quyết phần nào khó khăn cho những người làm TCĐT, đồng thời phòng ngừa, giảm thiểu những bất cập, hạn chế, khuyết điểm của các TCĐT hiện nay.
Nhận định về một trong những xu hướng và thách thức trong hoạt động báo chí hiện nay, báo cáo mới đây Bộ TT&TT cho rằng, một bộ phận cán bộ lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên cơ quan báo chí thiếu tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, có biểu hiện tự mãn, thích thể hiện “quyền lực truyền thông”; làm báo theo kiểu áp đặt, thiếu tính xây dựng, tính nhân văn. Tình trạng khiếu kiện nội dung thông tin ngày càng nhiều, nhưng việc giải trình của các cơ quan báo chí còn hình thức, không cầu thị, thiếu thuyết phục, thậm chí có biểu hiện “cửa quyền”, “bề trên”.
Để góp phần khắc phục tình trạng trên, theo đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương: Đã đến lúc phải có cơ chế phòng ngừa, giám sát, kiểm soát “quyền lực truyền thông” hiệu quả đối với cơ quan báo chí và những người làm báo. Bên cạnh đó, việc tăng cường công tác xây dựng Đảng ở cơ quan báo chí trong tình hình hiện nay cũng đặt ra rất cấp thiết. Cấp ủy, tổ chức đảng các cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức về sự cần thiết phải giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí cho cán bộ, phóng viên, biên tập viên. Tập trung xây dựng các tổ chức đảng trong các cơ quan báo chí trong sạch, vững mạnh, là hạt nhân chính trị, là trung tâm đoàn kết của cơ quan. Tăng cường kiểm tra, giám sát, giữ nghiêm kỷ luật Đảng; đề cao vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu; kiên quyết phòng, chống những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong hoạt động báo chí và trong đội ngũ những người làm báo.
Nếu quan tâm giải quyết tốt vấn đề từ gốc như vậy sẽ tạo điều kiện cho báo chí hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, làm tròn sứ mệnh phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
PHÚC NỘI/QDND
Nguồn: Cánh cò