VOV.VN -Chúng ta vẫn áp dụng chế tài hình sự với cách xử phạt nghiêm khắc, thiên về trừng trị mà ít chú ý đến cơ chế phòng ngừa và thu hồi tài sản tham nhũng.
Các chế tài xử lý tham nhũng trong hệ thống pháp luật Việt Nam đã liên tục được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện theo hướng nghiêm khắc và đầy đủ. Bộ luật Hình sự năm 2015 đã mở rộng các chế tài xử lý tham nhũng trong khu vực tư và đối với hành vi hối lộ công chức nước ngoài.
Hệ thống chế tài xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức có hành vi tham nhũng như khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, hạ ngạch, cách chức, buộc thôi việc đã được quy định trong Luật phòng, chống tham nhũng và một số văn bản pháp luật khác. Tuy nhiên, từ thực tế áp dụng, nhiều chuyên gia cho rằng, các chế tài xử lý tham nhũng của Việt Nam vẫn chưa thực sự hoàn thiện và linh hoạt.
Ông Võ Văn Dũng – Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương cho biết, hiện chưa có chế tài đối với hành vi làm giàu bất chính, chưa quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân có hành vi hối lộ, chưa có chế tài xử lý đối với người đứng đầu tổ chức để xảy ra tham nhũng, cũng như những trường hợp xung đột lợi ích khi thi hành công vụ. Mặt khác, Luật phòng, chống tham nhũng được xem là rất quan trọng, nhưng Luật này lại ít chế tài chuyên biệt, mà chủ yếu dẫn chiếu các chế tài trong Bộ luật Hình sự và các văn bản pháp luật khác. Do vậy, luật này ít nhiều thiếu tính răn đe trong thực tế thi hành.
Ông Võ Văn Dũng.
Nghiên cứu về cơ chế và chế tài xử lý tham nhũng trong hệ thống pháp luật Việt Nam, Trung tướng Trần Văn Độ – nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao chỉ rõ, việc xử lý tham nhũng hiện nay chủ yếu bằng chế tài hình sự và chế tài kỷ luật. Song cơ bản, chúng ta vẫn áp dụng chế tài hình sự với cách xử phạt nghiêm khắc, thể hiện việc thiên về trừng trị mà ít chú ý đến cơ chế phòng ngừa và thu hồi tài sản tham nhũng cũng như xử lý những vấn đề liên quan đến tham nhũng. Việc xử lý tham nhũng sẽ hiệu quả hơn nếu có đầy đủ chế tài buộc khắc phục hậu quả, thu hồi tài sản tham nhũng một cách nhanh nhất.
Người tham nhũng hàng chục, hàng trăm tỷ bị phạt tù hay tử hình mà không thu hồi được tiền thất thoát cho quốc gia thì cũng không mang lại hiệu quả cao. Thế nên, cần chú trọng hơn đến chế tài thu hồi tài sản, tịch thu một phần hay toàn bộ tài sản của người tham nhũng.
Trung tướng Trần Văn Độ cho rằng, việc kiểm tra hay thanh tra, xử lý vụ án tham nhũng quá dài để người tham nhũng có điều kiện tẩu tán tài sản; chế tài xử lý chưa linh hoạt, hướng tới bảo đảm thu hồi tài sản tham nhũng trả lại cho chủ sở hữu hoặc sung công quỹ chứ không phải trừng trị nghiêm khắc bằng chế tài hình sự đối với kẻ tham nhũng.
“Cán bộ mua chức, bán quyền được bổ nhiệm thì xử lý thế nào? Vấn đề chính sách đưa ra có lợi cho một nhóm người nào đó, trách nhiệm của những người liên quan trong việc đưa ra những chính sách đó như thế nào? Ví dụ, bộ này, ngành kia đưa ra chính sách thuế, chính sách phát triển các dự án, đề án dẫn đến thất thoát, lãng phí lớn cho quốc gia thì chúng ta chưa có chế tài” – ông Trần Văn Độ cho biết.
Trung tướng Trần Văn Độ.
Tiến sĩ Đào Lệ Thu – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu so sánh luật công – Viện Luật so sánh (ĐH Luật) cho rằng, Luật phòng, chống tham nhũng là đạo luật quan trọng để đấu tranh phòng chống tham nhũng, nhưng bản thân luật này lại tự hạn chế trong phạm vi và mục đích điều chỉnh khi không có một chế tài chuyên biệt nào. Luật phòng, chống tham nhũng được xem là luật chính sách hơn là luật điều chỉnh bởi cơ chế thực thi và chế tài áp dụng.
Trên cơ sở đó, để tạo ra cơ sở pháp lý căn bản hơn cho công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đáp ứng yêu cầu thực tiễn và các chuẩn mực quốc tế, bà Thu khuyến nghị: “Vụ lợi có đặc điểm của nó nhưng chúng ta không quy định chế tài có tính chất tước bỏ những lợi ích mà người có hành vi tham nhũng thu được với tư cách hình phạt chính. Nghiên cứu thực tiễn áp dụng ở Việt Nam, tôi nhận thấy chưa có những hình phạt chính mà không phải là hình phạt tù để có thể áp dụng linh hoạt cho các vụ án tham nhũng. Bây giờ phải tính đến việc có những hình phạt chính mà không phải là phạt tù. Thứ hai, quy định về hình phạt bổ sung đối với các tội phạm về tham nhũng trong Bộ luật Hình sự, chúng ta chỉ cấm đảm nhận chức vụ là hình phạt áp dụng bắt buộc, phạt tiền lại chỉ áp dụng đối với tư cách là chế tài tùy nghi”.
Từ kinh nghiệm thực tế và khả năng của Việt Nam, nhiều chuyên gia đề xuất, giải pháp khởi kiện dân sự để thu hồi tài sản tham nhũng như một giải pháp bù đắp cho tố tụng hình sự, ít nhất là trong trường hợp tố tụng hình sự sẽ không thể hoặc quá khó khăn và tốn kém để thu hồi tài sản tham nhũng như người phạm tội bỏ trốn hoặc chết. Cùng với đó, chúng ta cũng phải xây dựng một cơ chế để các tổ chức chính trị- xã hội, nhân dân giám sát đối với các biện pháp xử lý tham nhũng nói riêng thì hiệu quả phòng, chống tham nhũng sẽ được nâng lên rõ rệt./.
Nguồn: VOV.vn