Hơn 18,4 triệu người nhiễm nCoV trên toàn cầu

Hơn 18,4 triệu người nhiễm nCoV trên toàn cầu

Thế giới ghi nhận hơn 18,4 triệu ca nCoV và gần 697.000 người chết, nhiều quốc gia phải tái áp đặt phong tỏa vì sóng lây nhiễm thứ hai.

213 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận 18.422.915 ca nhiễm và 696.556 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 204.060 và 4.249 ca sau 24 giờ, trong khi 11.658.093 người đã bình phục, theo thống kê của trang cập nhật dữ liệu thời gian thực Worldometers.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận 4.857.793 ca nhiễm và 158.887 người chết, tăng lần lượt 45.799 và 565 ca so với một ngày trước đó. Trên toàn quốc, ít nhất 27 bang đã tạm dừng hoặc rút kế hoạch tái mở cửa, đồng thời áp đặt những hạn chế mới. Hơn 40 bang ra những yêu cầu liên quan đến khẩu trang.

Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và Truyền nhiễm Quốc gia kiêm cố vấn y tế ủy ban chống Covid-19 của Nhà Trắng, hôm 28/7 cảnh báo một số bang, bao gồm Tennessee, Ohio, Indiana và Kentucky, cần nhanh chóng xử lý tình trạng số ca nhiễm tăng vọt, bởi Mỹ không đủ khả năng đương đầu với một làn sóng Covid-19 khác như diễn biến vài tuần gần đây ở Florida, Texas, Arizona và California.

Tiến sĩ Deborah Birx, điều phối viên nhóm chuyên trách phản ứng với Covid-19, cho biết Mỹ đang bước vào giai đoạn mới trong cuộc chiến chống đại dịch khi mà virus hiện lan rộng hơn đợt sóng đầu tiên rất nhiều. Bà nhấn mạnh người dân Mỹ cần tuân thủ các khuyến cáo về y tế, trong đó có việc đeo khẩu trang và giữ cách biệt cộng đồng.

Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) dự đoán đến ngày 22/8, hơn 173.000 người Mỹ sẽ tử vong vì Covid-19. Theo tiến sĩ Scott Gottlieb, cựu quan chức Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm (FDA), số người chết vì Covid-19 tại Mỹ sẽ lên tới 300.000 vào cuối năm nay nếu tình hình không có biến chuyển tích cực.

Hơn 18,4 triệu người nhiễm nCoV trên toàn cầu
Bác sĩ lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho một người đàn ông tại vùng ngoại ô của thủ đô Buenos Aires, Argentina, hôm 3/8.

Tại Brazil, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, ca tử vong đã tăng lên 94.665 sau khi ghi nhận thêm 535 trường hợp. Ca nhiễm tại nước này tăng 16.641 trong 24 giờ qua, lên 2.750.318.

Chính quyền Rio de Janeiro thông báo hủy lễ đón giao thừa, thường thu hút hàng triệu người tới bãi biển Copacabana, thêm rằng lễ hội Carnival nổi tiếng vào tháng hai năm sau cũng có thể bị hủy. Trong khi đó, Sao Paulo, thành phố lớn nhất Brazil, đã hoãn vô thời hạn lễ hội Carnival.

Brazil mở lại đường bay quốc tế từ 30/7. Du khách từ mọi quốc gia có thể đến Brazil, miễn là họ có bảo hiểm y tế trong suốt chuyến đi. Trước đó, Brazil đã đóng đường bay quốc tế với người nước ngoài từ ngày 30/3.

Mexico, vùng dịch lớn thứ hai Mỹ Latinh và lớn thứ sáu thế giới, báo cáo 439.046 ca nhiễm và 47.746 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm lần lượt 4.853 và 274 ca.

Toàn bộ trường học tại Mexico vẫn đóng cửa. Cửa hàng, nhà hàng và quán bar mở cửa một phần, trong khi giao thông công cộng hoạt động bình thường.

Tổng thống Mexico thông báo nước này vẫn sẽ tiến hành lễ kỷ niệm ngày quốc khánh 16/9 tại quảng trường Zocalo ở thủ đô nhưng quy tắc giãn cách xã hội sẽ được áp dụng.

Peru, vùng dịch lớn tiếp theo của Mỹ Latinh, ghi nhận 433.100 ca nhiễm và 19.811 ca tử vong, tăng lần lượt 4.250 và 197. Bất chấp rủi ro của đại dịch, nước này vẫn nỗ lực nới lỏng các biện pháp hạn chế nhằm vực dậy nền kinh tế đang bị tổn hại nghiêm trọng.

Các cửa hàng và hệ thống giao thông công cộng hoạt động lại một phần, nhưng trường học và quán bar, nhà hàng vẫn đóng cửa.

Chile ghi nhận 361.493 ca nhiễm và 9.707 ca tử vong, tăng lần lượt 1.762 và 99 trường hợp so với hôm trước. Các trường học, nhà hàng và quán bar vẫn đóng cửa. Giao thông công cộng cũng chỉ nối lại một phần trong những khung giờ nhất định và chỉ những cửa hàng bán đồ thiết yếu mới được phép tái mở cửa.

(Theo AFP, Worldometer)


Nguồn: Cánh cò

Comments

No comments yet. Why don’t you start the discussion?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *