Trang chủ Chính trị Trung Quốc quay ngoắt 360 độ để “xoa dịu” Việt Nam

Trung Quốc quay ngoắt 360 độ để “xoa dịu” Việt Nam

237
0

Trong hội nghị trực tuyến của Ủy Ban Chỉ Đạo Hợp Tác Song Phương Việt –Trung vừa qua, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã bày tỏ sự thân thiết với Việt Nam và các nước ASEAN. Động thái này được xem như một tín hiệu muốn tháo dỡ “hàng rào chắn” cản trở mối quan với Việt Nam, nhằm tìm kiếm mối quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn và cung cấp viện trợ phục hồi sau dịch Covid-19, khi căng thẳng với Mỹ bùng lên ở biển Đông.

Trung Quốc quay ngoắt 360 độ để “xoa dịu” Việt Nam
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh và người đồng nhiệm của Trung Quốc Vương Nghị trong hội nghị trực tuyến ngày 21/07/2020.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã tìm cách xoa dịu mối quan hệ với Việt nam khi nhấn mạnh rằng: “Đôi bên cùng kiểm soát được đà lây lan của dịch bệnh và tiếp tục tăng cường hợp tác về kinh tế và thương mại”.

Trước đó, Trung Quốc đã có cử chỉ “hòa hoãn” bằng việc đề xuất khởi động lại đàm phán COC với các nước ASEAN, sau khi dưới sự chủ tọa của Việt Nam, các nước Đông Nam Á đã tỏ lập trường cứng rắn hơn bao giờ hết với Trung Quốc. Bởi lẽ, trong bản tuyên bố chung hôm 26/6/2020, ASEAN đã lên án các vụ tàu khảo sát Trung Quốc cản trở những hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam và Malaysia, đâm chìm tàu cá Việt Nam, cũng như việc Bắc Kinh khẳng định thêm quyền quản lý trái phép Hoàng Sa và Trường Sa. Do vậy ASEAN quan niệm Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS phải là “cơ sơ để giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp” phù hợp với luật pháp quốc tế.

Việt Nam đề nghị Trung Quốc cùng kiểm soát tốt bất đồng trên biển

Tại hội nghị trực tuyến, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đã bày tỏ sự quan ngại trước những diễn biến phức tạp ở Biển Đông gần đây với Ngoại trưởng Trung Quốc. Vấn đề biên giới lãnh thổ trên đất liền và trên biển đã được đưa ra thảo luận. Hai bên ghi nhận những kết quả đạt được trong 10 cuộc đàm phán liên quan đến phân định và hợp tác cùng phát triển trên biển, được tiến hành từ sau phiên họp lần thứ 11 của ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương, cũng như các thành quả về hợp tác trong lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển.

Hai bên cũng trao đổi thẳng thắn về tình hình trên biển thời gian qua và những điểm còn khác biệt trong vấn đề này. Bộ trưởng Phạm Bình Minh đã nêu quan ngại đề nghị hai bên kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp tình hình, mở rộng tranh chấp, tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Việt Nam và Trung Quốc cùng nhất trí tuân thủ nhận thức chung cấp cao và thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, đồng thời thúc đẩy các cơ chế đàm phán về vấn đề trên biển đạt kết quả thực chất.

Trung Quốc quay ngoắt 360 độ để “xoa dịu” Việt Nam
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đồng chủ trì Phiên họp lần thứ 12 Uỷ ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam – Trung Quốc.

Bên cạnh đó, hai nước đánh giá tình hình biên giới trên đất liền cơ bản ổn định, đường biên, mốc giới và các cặp cửa khẩu được quản lý tốt, thúc đẩy hoạt động kinh tế biên giới, kể cả trong thời gian Covid-19 diễn biến phức tạp. Hai bên cũng nhất trí tăng cường phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới, nghiêm túc tuân thủ các quy định của ba văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền cùng những thỏa thuận liên quan.

Quan hệ Việt – Trung về tổng thể được đánh giá đã duy trì xu thế phát triển tích cực. Tuy bị ảnh hưởng bởi Covid-19, hợp tác thương mại Việt – Trung 6 tháng đầu năm nay vẫn tăng trưởng 4,5%. Nhiều mặt hàng có ưu thế của Việt Nam, như sữa, măng cụt, đã đến với thị trường Trung Quốc. FDI của Trung Quốc tại Việt Nam năm ngoái có bước tăng trưởng lớn, hiện đứng thứ 7/132 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Hai bên cũng hợp tác, ủng hộ lẫn nhau trong phòng chống Covid-19. Tuy nhiên, hợp tác giữa hai nước vẫn còn một số vấn đề tồn tại, như nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc, một số dự án do Trung Quốc đầu tư, nhận thầu ở Việt Nam và việc triển khai các khoản vay ưu đãi, viện trợ không hoàn lại của Trung Quốc dành cho Việt Nam tiến triển còn chậm. Vì vậy, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đề nghị Trung Quốc tạo điều kiện để hoạt động thương mại Việt – Trung được triển khai thuận lợi. Trong khi đó, Ngoại trưởng Vương Nghị cũng đã khẳng định sẽ thúc đẩy các cơ quan chủ quản xem xét tích cực những đề xuất của Việt Nam.

Có thể thấy trước sức ép của Mỹ về vấn đề biển Đông, Trung Quốc đã nhanh chóng nghĩ ra kế sách đi xoa dịu Việt Nam và các nước ASEAN. Tuy nhiên, Việt Nam rất tỉnh trong mối quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Hợp tác là hợp tác nhưng lúc cần đấu tranh, Việt Nam kiên quyết đấu tranh đến cùng để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và lợi ích quốc gia.

Hạ Trắng (TH)


Nguồn: Cánh cò

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây