Năm 2020 là một năm thật đáng nhớ với Ngành Y của Việt Nam. Một cách khiêm tốn nhưng cũng thật đáng trân trọng khi nói về công lao to lớn của những y, bác sỹ trong cuộc chiến chống dịch Covid 19 tại Việt Nam. Và đặc biệt, vừa qua những giọt nước mắt của cộng đồng mạng lại lăn dài trên má khi chứng kiến những hình ảnh về ca phẫu thuật tách cặp song sinh Trúc Nhi – Diệu Nhi và cảm xúc vỡ òa khi các bác sỹ thông báo những tín hiệu khả quan về sự hồi phục của hai bé.
Sự thành công của ê kíp mổ cho hai bé lại viết nên một câu chuyện cổ tích về y đức của người thầy thuốc cũng như vinh danh tài năng của đội ngũ y, bác sỹ Việt Nam. Một trong những người thầy thuốc được nhắc đến nhiều nhất trong kíp mổ này chính là Bác Sỹ Trần Đông A.
Bác sỹ Trần Đông A
Càng thấy thú vị và kính trọng hơn khi tìm hiểu về tiểu sử của vị Bác sỹ đáng kính.
Có lẽ ít người biết rằng Bác Sỹ, Giáo Sư, Tiến Sỹ Trần Đông A có một quá trình sự nghiệp hơi đặc biệt, ông từng là bác sỹ quân y phục vụ dưới chế độ ngụy trước năm 1975. Ông từng được khen thưởng nhiều huy chương (ít nhất 5 anh dũng bội tinh) kể cả một huân chương của Sư đoàn Không kỵ Hoa Kỳ, từng là Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn Quân y, Sư đoàn Nhảy dù Quân lực Việt Nam Cộng hòa với cấp bậc Thiếu tá.
Bác sỹ Trần Đông A khi còn là bác sỹ quân y phục vụ trong chế độ cũ
Sau giải phóng ông bị đem đi cải tạo 2 năm sau đó được phân về bệnh viện Nhi Đồng 2. Ông trúng cử Đại biểu Quốc hội 2 khóa liên tiếp XI và XII, đồng thời là Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa VI.
Với quá trình hoạt động như vậy, Bác Sỹ Trần Đông A luôn dành được nhiều sự quan tâm, tò mò của nhiều chính khách trong và ngoài nước. GS Đông A kể lại: còn nhớ trong một dịp cùng Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam làm việc tại Mỹ, một vị đã hỏi tôi rằng: “Ông Đông A, ông từng phục vụ chế độ cũ, từng tu nghiệp tại Mỹ, sau giải phóng phải vào trại cải tạo. Người ta đã bắt ông phải làm cái gì không?”. Tôi thẳng thắn trả lời đúng là thời gian đi cải tạo là giai đoạn khó khăn nhất cuộc đời tôi nhưng khi nhìn lại, tôi thấy được cách sống, cách làm việc tích cực dưới chế độ mới. Và điều tôi hạnh phúc nhất cho đến ngày hôm nay là được sống trên 45 năm trong một đất nước Việt Nam hòa bình, thống nhất.
Thật tự hào biết bao khi Việt Nam chúng ta có một người bác sỹ với y đức và tinh thần dân tộc luôn song hành cùng ông trong mọi bước đường của sự nghiệp. Sau khi rời khỏi chức vụ Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2, ông vẫn tiếp tục hành nghề y. Hiện ông đang phụ trách chương trình thành lập Trung tâm ghép tạng trẻ em Bệnh viện Nhi đồng 2, Chủ nhiệm bộ môn ngoại nhi Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch và Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh.
Những phần thưởng cao quý ông được nhận sau thống nhất bao gồm:
- Anh hùng Lao động;
- Thầy thuốc Nhân dân;
- Huân chương Lao động hạng I và hạng III;
- Chiến sĩ thi đua toàn quốc;
- Chiến sĩ thi đua cấp thành phố;
- Và nhiều bằng khen khác…
Và với những gì ông đã đóng góp cho y học Việt Nam và cho đất nước, chúng ta phải khẳng định rằng GS Trần Đông A là một Bác Sỹ đặc biệt khi phục vụ cho cả 2 chế độ nhưng vẫn luôn được trọng dụng tạo mọi điều kiện để phát huy hết mọi năng lực. Ông cũng chính là tác giả Ca mổ tách rời Việt-Đức đã trở thành một sự kiện quốc tế thời bấy giờ.
Và sự đặc biệt này của GS Đông A chính là nhân chứng sống chứng tỏ chính sách hoà hợp dân tộc sau giải phóng rất nhân văn, tạo một niềm tin sắc son cho những ai ở lại đất nước và cho đến bây giờ họ đều có cuộc sống no đủ, nhiều người làm giàu và thành đạt trên chính quê hương của mình.
Đây cũng chính là bài học đắt giá cho những ai đã từng rời bỏ đất nước, tha hương cầu thực phải sống lưu vong ở nước ngoài để rồi mãi nuôi dưỡng một mối hận thù và một giấc mộng “phục cuôc” không bao giờ thành hiện thực.
Mã Phi Long
Nguồn: Bản tin Dân chủ