Trang chủ Chính trị Chủ tịch Quốc hội thăm cảng Quốc tế Tân Cảng – Cái...

Chủ tịch Quốc hội thăm cảng Quốc tế Tân Cảng – Cái Mép

183
0

VOV.VN -Cảng quốc tế Tân Cảng – Cái Mép là một điển hình cho mô hình liên doanh thành công giữa doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác nước ngoài.

Sáng 22/7, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn công tác của Quốc hội đã thăm và làm việc tại cảng Quốc tế Tân Cảng – Cái Mép thuộc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, Khu công nghiệp và đại diện các doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư tại Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3, Bà Rịa-Vũng Tàu.

Chủ tịch Quốc hội thăm cảng Quốc tế Tân Cảng – Cái Mép
Chủ tịch Quốc hội làm việc tại cảng Quốc tế Tân Cảng – Cái Mép.

Theo Đại tá Ngô Minh Thuấn, Tổng Giám đốc Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sản xuất kinh doanh giữ vị trí số 1 Việt Nam về kinh doanh khai thác cảng container; xếp trong nhóm 20 cụm cảng container có sản lượng lớn nhất thế giới, nằm ở TOP 10 doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam; hoàn thành tốt nhiệm vụ quân sự quốc phòng.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, sản lượng container xuất nhập khẩu qua các cảng của Tân Cảng Sài Gòn chiếm 62% tổng sản lượng container xuất nhập khẩu cả nước, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2019, doanh thu, lợi nhuận toàn hệ thống đều tăng từ 5-7% so với cùng kỳ 2019, đạt 47-49% kế hoạch năm nay.

Cảng quốc tế Tân Cảng – Cái Mép được khởi công vào ngày 2/9/2009, đón chuyến tàu đầu tiên vào ngày 15/1/2011. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, cảng đã tạo nên hàng loạt dấu ấn của riêng mình như là cảng container nước sâu lớn nhất Việt Nam đón tàu có tải trọng tới 160.000 tấn và có sản lượng container thông quan đứng thứ 2 trong hệ thống cảng biển quốc gia; cảng duy nhất tại Việt Nam cung cấp dịch vụ cho 2 liên minh hãng tàu lớn nhất thế giới là THE và OCEAN cùng nhiều hãng tàu lớn khác với uy tín chất lượng dịch vụ vượt trội.

Bên cạnh đó, Cảng quốc tế Tân Cảng – Cái Mép cũng là một điển hình cho mô hình liên doanh thành công giữa doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác nước ngoài.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao việc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đã duy trì sản xuất kinh doanh ngay trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 và nhanh chóng nắm bắt cơ hội khi nhu cầu vận chuyển hàng hóa thay đổi. Thời điểm hết giãn cách xã hội, cảng đã hoạt động có hiệu quả.

Đặc biệt, Tổng công ty đã thực hiện 3 trụ cột là kinh doanh biển, dịch vụ logistics và vận tải, đó là nhiệm vụ kinh tế, nhưng vẫn đảm bảo nhiệm vụ an ninh quốc phòng. Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, Tân Càng Sài Gòn sẽ đạt được mục tiêu đề ra.

Chủ tịch Quốc hội thăm cảng Quốc tế Tân Cảng – Cái Mép
Chủ tịch Quốc hội thăm, làm việc tại cảng Quốc tế Tân Cảng – Cái Mép.

Với những đề nghị của Tân Cảng Sài Gòn liên quan đến việc đôn đốc các Bộ, ngành liên quan tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án cầu Phước An kết nối đường liên cảng tỉnh Bà Rịa –  Vũng Tàu với khu vực Nhơn Trạch, Đồng Nai và cao tốc Bến Lức – Long Thành. Tuyến này được đưa vào hoạt động, cùng với cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu đang triển khai đầu tư sẽ giúp cho giao thông kết nối các tỉnh miền Tây Nam bộ qua TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai đến Bà Rịa – Vũng Tàu được nhanh chóng, thuận tiện, giảm áp lực giao thông cho Quốc lộ 51 hiện đang ngày càng quá tải.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, vấn đề này liên quan đến đầu tư trung hạn của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho năm 2021-2026. Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn tới để chuẩn bị thu hồi giải phóng mặt bằng, đầu tư. Cái nào là đầu tư công, cái nào áp dụng theo Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư, mà Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư vừa được Quốc hội ban hành. Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nên ưu tiên đề nghị này của doanh nghiệp; đồng thời đề nghị các Ủy ban của Quốc hội trong thẩm tra các báo cáo kinh tế – xã hội các dự án trọng điểm lớn của nhà nước cũng nên chú ý các đề nghị có thể khai thác được cơ sở hạ tầng đang có.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo Khu công nghiệp và đại diện các doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư tại Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3, Bà Rịa-Vũng Tàu, bà Nguyễn Thị Thảo Nhi, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty cổ phần Thanh Bình Phú Mỹ – chủ đầu tư Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 cho biết, hiện công ty đang xây dựng khu công nghiệp chuyên sâu có tổng diện tích 999 ha, đã thu hút 20 dự án đầu tư; đồng thời chia sẻ một số khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19.

Ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định hệ thống pháp luật Việt Nam ngày càng hoàn thiện, hướng tới tiệm cận với thông lệ quốc tế. Quốc hội Việt Nam mới thông qua Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

Chủ tịch Quốc hội thăm cảng Quốc tế Tân Cảng – Cái Mép
Chủ tịch Quốc hội làm việc với lãnh đạo Khu công nghiệp và đại diện các doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư tại Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, là một trong hai khu công nghiệp kiểu mẫu, Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 hình thành do sự hợp tác của hai Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản, lại nằm gần cảng Tân Cảng-Cái Mép, kết nối với Quốc lộ 51, Quốc lộ 1A, tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây, tuyến Thành phố Hồ Chí Minh-Biên Hòa-Vũng Tàu, tuyến cao tốc Bến Lức-Long Thành… nên hội tụ rất thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Hoan nghênh 20 doanh nghiệp đang đầu tư vào Khu công nghiệp, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Quốc hội Việt Nam đang tiếp tục hoàn thiện các dự án luật, trong quá trình sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp có những vướng mắc, phản ánh ý kiến với chính quyền địa phương, các ngành hữu quan của Quốc hội, Chính phủ để các cơ quan chức năng tiếp thu, xem xét giải quyết.

Về kiến nghị của doanh nghiệp cho rằng thủ tục hành chính cho phép 1 doanh nghiệp muốn đầu tư vào Việt Nam có khoảng thời gian chờ đợi từ 240-260 ngày để cấp phép là rất lâu và còn rườm rà, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh có thể cải cách thủ tục hành chính liên quan mà không nhất thiết phải sửa luật.

“Luật quy định như vậy nhưng nếu cải cách những thủ tục không cần thiết  vẫn cải cách được chất lượng về đánh giá tác động chất lượng môi trường thì chắc chắn không phải chỉ rút ngắn 260-240 ngày. Chủ tịch Quốc hội giao cho Tổng thư ký tổng hợp và chuyển đến Ủy  ban Khoa học và môi trường của Quốc hội để đánh giá lại những quy định về tác động môi trường hai lần. Nếu bất hợp lý thì sửa. Đề nghị Chính phủ phải hướng dẫn giảm bớt, giảm tối đa những thủ tục hành chính để một dự án có thể đầu tư vào Việt Nam nói chung và vào Khu công nghiệp Phú Mỹ 3 nói riêng” – Chủ tịch Quốc hội cho biết.

Hoan nghênh những nỗ lực của những nhà đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Phú Mỹ 3, những doanh nghiệp nước ngoài đã, đang và sẽ đến đây, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, doanh nghiệp cần tiếp tục đi theo đúng định hướng ban đầu mà hai Chính phủ đã hợp tác; đồng thời cảm ơn sự tư vấn của Chính phủ, chuyên gia Nhật Bản để hình thành nên khu công nghiệp chuyên sâu kiểu mẫu, mong các bạn Nhật Bản tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trong thời gian tới./.    

Nguồn: VOV.vn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây