Trang chủ Tin tức Giữ chân khách bằng thế mạnh từ biển kết hợp văn hóa

Giữ chân khách bằng thế mạnh từ biển kết hợp văn hóa

115
0

Từ tháng 5/2020 trở lại đây, du lịch Bình Định nhộn nhịp trở lại với nguồn khách nội địa tăng mạnh. Du lịch Bình Định trở thành điểm đến mới tại miền Trung trong khoảng 2 năm trở lại đây.

Du lịch biển kết hợp văn hóa truyền thống

Bà Phạm Thị Liên (phường Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) cùng bạn đã chọn thành phố Quy Nhơn, Bình Định là điểm đến du lịch dịp hè này bởi cảnh biển đẹp, món ăn hấp dẫn, thăm quan nhiều di tích lịch sử.

Giữ chân khách bằng thế mạnh từ biển kết hợp văn hóaDu khách tham quan Bảo tàng Quang Trung (Bình Định).

Hành trình khi đến Bình Định với nhiều du khách đến lần đầu là thăm Kỳ Co, Eo Gió, trượt cát… Tiếp đến là tham quan Bảo tàng Quang Trung tại thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn (là quê hương của 3 anh em nhà Tây Sơn là Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ).. Điểm nhấn mới tại bảo tàng Quang Trung là hệ thống tranh 3D hoành tráng tái hiện những sự kiện liên quan đến triều đại nhà Tây Sơn như các trận đánh quân Xiêm, quân Mãn Thanh xâm lược… Hệ thống tranh 3D vừa hoàn thành hơn 1 năm nay.

Cùng với các sản phẩm truyền thống này, Hiệp hội Du lịch Bình Định cũng khuyến khích các doanh nghiệp lữ hành xây dựng thêm nhiều sản phẩm du lịch mới, nhằm tạo thêm sức hút và giữ chân khách ở lại lâu hơn.

Theo đó, 4 làng nghề của tỉnh Bình Định được đưa vào thực hiện phát triển du lịch là làng rượu Bàu Đá, thôn Cù Lâm, xã Nhơn Lộc (thị xã An Nhơn); làng nón ngựa Phú Gia, xã Cát Tường (huyện Phù Cát); làng Bí Đao, xã Mỹ Thọ (huyện Phù Mỹ); Làng nghề bánh tráng – bún số 8, xã Tam Quan Nam (huyện Hoài Nhơn). Đây là những làng nghề đặc trưng, mang nhiều bản sắc riêng so với các địa phương khác của tỉnh Bình Định. Thời gian qua, các làng nghề này cũng đã thu hút được một lượng du khách và tạo ra được sản phẩm hàng hóa đặc thù của địa phương và được đưa vào khai thác khi đưa khách đến tham quan và trải nghiệm tham gia làm sản phẩm như nón, bánh ít lá gai…

Theo ông Nguyễn Hoàng Vũ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Định, mới đây, các doanh nghiệp du lịch khảo sát điểm đến đồi cát và bãi biển Đề Gi – Vũng Bồi (xã Cát Khánh, huyện Phù Cát) và CLB Võ thuật chùa Long Phước và Tiểu chủng viện Làng Sông (đều ở xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước). Nhờ có QL 19 mới, đường đến từ TP Quy Nhơn đến hai nơi này đã thuận lợi hơn và sẽ là tuyến du lịch hấp dẫn thời gian tới.

Nhằm có thêm điều kiện tổ chức các hoạt động bảo tồn và phát huy võ cổ truyền Bình Định gắn với phục vụ du lịch, những ngày này, chùa Long Phước đang khẩn trương đầu tư, thi công các công trình thuộc khu đất mở rộng được UBND tỉnh giao. Hiện trên khu đất này đã xây dựng tường rào, cổng ngõ, nhà tiếp khách, nhà cho khách ngồi nghỉ và ngắm cảnh, còn lại đang xây dựng nhà thờ tổ, biểu diễn võ thuật…

Bên cạnh đó, Hiệp hội du lịch Bình Định cũng khảo sát Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE) tại Bình Định hướng tới xây dựng chương trình tour giới thiệu khoa học cho thế hệ trẻ.

Tạo sự liên kết vùng

Để thu hút khách, Bình Định triển khai liên kết với các tỉnh lân cận. Điển hình mới đây là chương trình hợp tác giữa Bình Định và Gia Lai, Phú Yên, Quảng Ngãi nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp du lịch kết nối, trao đổi khách lữ hành; tăng cường quảng bá điểm đến an toàn, giới thiệu chương trình du lịch giá rẻ cuối tuần, thu hút khách nội địa từ các tỉnh.

Giữ chân khách bằng thế mạnh từ biển kết hợp văn hóaEo Gió đang là điểm đến check-in hấp dẫn của nhiều du khách.

Theo đó, các doanh nghiệp du lịch triển khai chương trình du lịch kết nối Quy Nhơn (Bình Định)- Tuy Hòa (Phú Yên), Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Pleiku (Gia Lai) và Kon Tum. Chương trình này sẽ kết hợp được sự quyến rũ của biển xanh Quy Nhơn- miền đất võ, nơi lưu dấu thành cổ Đồ Bàn và văn hóa Champa với Tuy Hòa – điểm đến gần đây với không gian tuyệt đẹp được lấy làm bối cảnh phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” hoặc liên kết với tỉnh Gia Lai qua Quốc lộ 19 với vùng đất nổi tiếng với đặc sản cà phê, tiêu và cao su.

Bên cạnh đó, Bình Định và Quảng Ngãi triển khai liên kết xúc tiến kích cầu du lịch giữa 2 địa phương. Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Du lịch Bình Định, bên cạnh tuyến phía nam là Bình Định – Phú Yên đang rất phát triển, thì Bình Định sẽ đẩy mạnh xây dựng tuyến phía bắc Bình Định – Quảng Ngãi, góp phần hình thành tuyến du lịch mới, đa dạng sản phẩm du lịch phục vụ du khách.

Tuyến Quảng Ngãi – Bình Định được đánh giá cao sự thuận lợi về hạ tầng giao thông, tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú, hấp dẫn. Theo đó, 2 tỉnh sẽ định hình sản phẩm du lịch để kết nối, xây dựng nhận diện thương hiệu sản phẩm du lịch trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Hoàng Vũ, cho biết: Cùng với các tỉnh lân cận, doanh nghiệp du lịch Bình Định liên kết với thị trường nguồn khách từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đẩy mạnh kích cầu nội địa nhằm thúc đẩy tăng trưởng lượng khách ngay trong mùa cao điểm du lịch hè; Đẩy mạnh các giải pháp: truyền thông và xúc tiến quảng bá du lịch Quy Nhơn – Bình Định là điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn. Chương trình kích cầu du lịch sự tham gia của 40 doanh nghiệp với mức giảm giá dịch vụ khách sạn từ 10% và giảm từ 40 – 50% giá vé vào cổng các địa điểm du lịch, đảm bảo chất lượng dịch vụ không giảm.

Nhờ đó, lượng khách quay trở lại Bình Định từ tháng 6 tăng 60%, công suất phòng dịp này cũng đạt 60%. Hiện các khách sạn thành phố Quy Nhơn cũng đã được khách đặt trong tháng 7 và tháng 8 lên tới 80%.

 

Bài và ảnh: Xuân Minh

Giữ chân khách bằng thế mạnh từ biển kết hợp văn hóa

Hướng đến chuyển đổi số trong doanh nghiệp du lịch

Điểm nhấn tại Hội chợ du lịch quốc tế VITM Hà Nội 2020 là diễn đàn “Du lịch Việt Nam thay đổi để phát triển” gắn liền với quá trình chuyển đổi số trong quản lý và kinh doanh du lịch.

Nguồn: Báo Tin tức

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây