Tuy Mỹ từng nhiều lần tuyên bố các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông là phi pháp, nhưng đây là lần đầu tiên Washington bác bỏ các yêu sách này một cách cụ thể và chính thức. Tuyên bố được phát đi vào rạng sáng 14/7 (giờ Việt Nam) chính thức công bố lập trường của Mỹ, ủng hộ phán quyết 4 năm trước theo Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) của toà án trọng tài quốc tế – đã vô hiệu hóa hầu hết các yêu sách của Trung Quốc về quyền hàng hải ở Biển Đông.
“Các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông là phi pháp, nói đơn giản như vậy thôi!…” – dòng Twitter của Thượng nghị sĩ Jim Inhofe (chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ), cùng với tuyên bố đanh thép ‘Biển Đông không phải một tỉnh của Trung Quốc’ của Cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, ông John Bolton đã khiến triệu triệu trái tim người Việt mừng vui, về cái gọi là ‘công lý thuộc về kẻ mạnh” cũng đã đến lúc xoay vần. Chính quyền Philippines, Đài Loan cũng rất nhanh chóng sau đó đã ra mặt hoan nghênh ủng hộ tuyên bố “chưa từng có tiền lệ” này của Mỹ. Nhưng Tuyên bố của Mỹ có hoàn toàn có lợi cho chúng ta?
Chuyện Mỹ bác bỏ yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông xét về cục diện đúng là có lợi cho Việt Nam, ASEAN. Đầu tiên, lập trường mới được minh định của Mỹ phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982) và Phán quyết của Tòa án về phiên tòa Philippines kiện Trung Quốc về Biển Đông năm 2016. Chưa kể có một điểm mới và đáng chú ý là Mỹ nêu rõ việc “bác bỏ mọi yêu sách biển của TQ tại vùng biển xung quanh Bãi Tư Chính (ngoài khơi Việt Nam). Đây là khu vực không nằm trong phạm vi phán quyết của Tòa án năm 2016, ngoài việc bác bỏ “đường lưỡi bò” chung chung. Rõ ràng, Mỹ ít nhiều có động thái đã đứng về phía Việt Nam trước việc Trung Quốc quấy phá hoạt động nghề cá và khai thác dầu khí hợp pháp của Việt Nam ở khu vực này. Vậy nhưng, một số nội dung trong bản tuyên bố của Mỹ đang bất lợi cho tuyên bố chủ quyền của Việt Nam chúng ta.
Trước tiên phải nói rõ, Mỹ chỉ bác bỏ yêu sách “đường chín đoạn”, gồm quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với tài nguyên và các vùng nước mà Trung Quốc đòi hỏi trên Biển Đông. Bác bỏ yêu sách đối với vùng biển nằm ngoài lãnh hải 12 hải lý xuất phát từ các đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở quần đảo Trường Sa (Hiện Trung Quốc đang yêu sách 200 hải lý đối với các đảo này, Mỹ không nhắc tới khu vực Hoàng Sa trong tuyên bố). Thứ nữa, tuyên bố của Mỹ bác bỏ yêu sách của Trung Quốc tại các vùng biển thuộc đảo/đá thuộc vùng biển Trường Sa, nhưng đáng nói là, tuyên bố dường như đã công nhận chủ quyền của Philippines đối với Bãi Cỏ Mây và Đá Vành Khăn – nơi Việt Nam chúng ta cũng công bố chủ quyền. Vậy nên,người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng hôm nay nói về tuyên bố trên khẳng định rõ: “Bộ Ngoại giao hoan nghênh lập trường phù hợp với luật quốc tế”.
Chủ quyền của ta từ ngàn xưa cho đến nay và kể cả mai sau cũng chỉ do một và chỉ một duy nhất đó chính từ hơn 90 triệu con dân nước Việt này mà thôi. Trong một thế giới đầy bất ổn này, chúng ta không thể dựa vào một sức mạnh tuyệt đối để bảo vệ lợi ích của mình. Chúng ta phải chịu trách nhiệm với an ninh và thịnh vượng của chính mình. Phải lo cho chính mình trên cả 3 trận địa cốt tử. Về Kinh tế phải tập trung phát triển kinh tế, kiến thiết nước nhà giàu có và thịnh vượng, tạo tiềm lực quốc gia hùng mạnh, giảm thấp nhất có thể sự phụ thuộc vào xuất nhập khẩu với Trung Quốc. Về Quốc phòng, phải tăng cường tiềm lực để bảo vệ chủ quyền đất nước. Về Ngoại giao vẫn kiên trì vừa mềm mỏng vừa cứng rắn phản đối, lên án và bác bỏ yêu sách của Trung Quốc, nâng tầm sức ảnh hưởng trong khối ASEAN, các tổ chức quốc tế. Chúng ta sẽ trở nên mạnh hơn khi chia sẻ trách nhiệm lãnh đạo tập thể với các bạn bè và đối tác tin cậy. Đây là một xu hướng tất yếu phù hợp với quy luật đấu tranh sinh tồn của muôn loài, vạn vật.
Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu đã từng vận dụng quy luật đấu tranh sinh tồn đó để làm cho những con “tép riu” hay “cá nhỏ” trở nên “khó nuốt” trước sự thèm khát của những con “cá lớn”. Khả năng tự vệ đó chính là nhờ ở tinh thần tự lực tự cường, tự chủ và mạnh mẽ, đồng thời chơi được với tất cả “cá lớn” và “cá nhỏ”. Tầm nhìn của Lý Quang Diệu không chỉ mang lại sự hòa bình và thịnh vượng, vị thế cho Singapore suốt mấy chục năm qua. Tầm nhìn ấy còn giúp quốc đảo Sư tử tiếp tục đứng vững, phát triển trước những biến động quá nhanh của thời cuộc, nhất là các tranh chấp quyết liệt giữa 2 siêu cường Trung – Mỹ.
Thời gian qua, một mặt lãnh đạo Việt Nam đã tận dụng rất tốt mọi diễn đàn quốc tế và khu vực để kêu gọi, giải thích và bảo vệ luật pháp cũng như trật tự quốc tế. Mặt khác, thúc đẩy các hoạt động hợp tác song phương và đa phương trong khu vực một cách chủ động. Nguồn vốn và công nghệ Nhật Bản, các sản phẩm thiết bị công nghệ cao từ Hoa Kỳ, Nga sẽ là một đòn bẩy giúp Việt Nam canh tân đất nước, phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng. Bên cạnh đó là mối quan tâm lợi ích địa chiến lược và sự tham dự, can thiệp mạnh mẽ bảo vệ tự do – an ninh hàng hải, hàng không, trật tự dựa trên luật pháp quốc tế ở Biển Đông của Mỹ – Nhật – Nga… sẽ giúp Việt Nam rất nhiều trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Hãy hình dung Việt Nam nằm trong tam giác quan hệ với Mỹ và Trung Quốc và tam giác này lại được liên kết với nhiều đa giác quan hệ với các nước khác, như ASEAN, Nhật Bản, Ấn Độ, Nga, châu Âu,… Khi đó Việt Nam sẽ là một “đỉnh” trong các đa giác như các nước khác, dù họ có lớn hơn Việt Nam đến mấy, thì di chuyển trong không gian đa chiều như thế, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội hơn để không bị các nước lớn “mặc cả trên lưng mình”. Đây chính là con đường tốt nhất để hóa giải lời nguyền địa chính trị phải làm hàng xóm bất đắc dĩ với TQ đi liền với dân tộc hàng ngàn năm qua chứ không phải trông chờ vào bất cứ ai khác.
Văn Dân
Nguồn: Cánh cò