Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính lưu ý, cần tạo môi trường thi đua lành mạnh, phong trào thi đua thường xuyên, phong trào thi đua đột xuất để xây dựng, phát triển Học viện ngang tầm với nhiệm vụ mà Bộ Chính trị, Trung ương Đảng giao phó.
Ngày 11/7, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Đại hội thi đua yêu nước lần thứ V (2020 – 2025). Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội.
Tham dự Đại hội có đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nguyên Giám đốc Học viện, đại diện các ban, ngành Trung ương, Hà Nội cùng 41 tập thể và 157 đại biểu là cá nhân điển hình tiên tiến.
Phát biểu khai mạc, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Thi đua khen thưởng Học viện nêu rõ: Đại hội là mốc quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới của công tác thi đua tại Học viện, các trường chính trị trên cơ sở tiếp nối, phát huy truyền thống hơn 70 năm qua và những thành tích đã đạt được trong giai đoạn 2015 – 2020, đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ công tác thi đua, khen thưởng giai đoạn 2020 – 2025. Đại hội cũng là dịp để biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong hệ thống Học viện và các trường chính trị; lắng nghe một số tham luận của các tập thể, cá nhân về những mô hình hay, cách làm mới mang tính đột phá nhằm mang lại hiệu quả của công tác thi đua, khen thưởng trên các lĩnh vực công tác.
Để quán triệt sâu sắc tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhân 70 năm ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc (11/6/1948-11/6/2018), đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, việc tổ chức các phong trào thi đua tại các đơn vị cần thiết thực, cụ thể và sát với các nhiệm vụ chính trị. Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đề nghị lãnh đạo các đơn vị quan tâm hơn nữa tới công tác thi đua; lấy thi đua, khen thưởng làm một trong các phương thức lãnh đạo; lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị gắn liền với chỉ đạo các phong trào thi đua yêu nước; xây dựng nội dung, mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể của các phong trào thi đua phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị; coi trọng công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng.
Trong giai đoạn 2015 – 2020, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã đạt được các kết quả đáng ghi nhận trên các mặt công tác. Quy mô đào tạo, bồi dưỡng được điều chỉnh theo hướng đa dạng các loại hình, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chính trị, điều kiện thực tiễn, đáp ứng nhu cầu của địa phương, cơ quan, đơn vị. Học viện đã đào tạo được 110.913 học viên gồm tất cả các hệ lớp: đại học, sau đại học, bồi dưỡng theo chức danh… (tăng 75% so với giai đoạn 2010 – 2015). Học viện đã tổ chức các lớp Hoàn chỉnh Cao cấp lý luận chính trị cho 5.539 học viên – đây là hoạt động đào tạo hoàn toàn mới so với giai đoạn trước. Học viện cũng chú trọng công tác bồi dưỡng cán bộ dự nguồn chủ chốt cấp tỉnh cho Đại hội Đảng nhiệm kỳ 2020 – 2025, các cán bộ quản lý cấp chiến lược cho Đại hội XIII của Đảng.
Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng được đẩy mạnh, nâng cao chất lượng. Học viện cũng chủ động thực hiện chắt lọc các kết quả nghiên cứu, xây dựng hơn 40 báo cáo chuyên đề, các kiến nghị trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ và các Tiểu ban phục vụ xây dựng dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, được Trung ương ghi nhận, đánh giá cao.
Trong giai đoạn 2020 – 2025, để thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao và tiếp tục phát huy truyền thống thi đua ái quốc với chủ đề “Đoàn kết – Kỷ cương – Gương mẫu – Sáng tạo – Hiệu quả”, công tác thi đua, khen thưởng của Học viện tiếp tục đổi mới. Cụ thể, thi đua xây dựng, phát triển toàn diện để Học viện trở thành một cơ sở đào tạo hiện đại, bản sắc và hội nhập. Học viện thi đua hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao; chú trọng đổi mới mạnh mẽ hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, chủ động chuyển giao các kết quả nghiên cứu phục vụ công tác giảng dạy, tuyên truyền, giáo dục chính trị và tư vấn chính sách, tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái thù địch…
Chúc mừng và biểu dương những kết quả trong phong trào thi đua yêu nước của Học viện và các trường chính trị trong 5 năm qua, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính khẳng định, những kết quả đạt được là rất quan trọng.
Tuy nhiên, phong trào thi đua vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm như: một số đơn vị tổ chức phong trào thi đua còn mang nặng tính hình thức, chưa gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ chính trị. Các phong trào thi đua chưa thực sự toàn diện, cụ thể và đồng đều liên tục; chậm phát hiện bồi dưỡng, nhân rộng điển hình tiên tiến qua phong trào thi đua yêu nước.
Để phong trào thi đua yêu nước của Học viện và các trường chính trị đi vào chiều sâu, ngày càng hiệu quả, thiết thực hơn, đồng chí Phạm Minh Chính đề nghị, các cấp ủy, tổ chức Đảng và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tiếp tục quán triệt, tuyên truyền tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng. Thi đua phải gắn liền với việc tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, tổ chức các phong trào thi đua cần có mục tiêu thiết thực gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, gắn với phát huy đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ gắn liền với công tác nghiên cứu khoa học, nhất là lý luận chính trị trong thời kỳ mới.
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương yêu cầu thông qua Đại hội thi đua yêu nước, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhân rộng những truyền thống tốt đẹp của Học viện và hệ thống các trường chính trị ở địa phương, các tấm gương điển hình tiên tiến, các tập thể, cá nhân tiêu biểu xuất sắc trong các phong trào thi đua để các tấm gương này thực sự được lan tỏa, truyền cảm hứng trong toàn bộ hệ thống học viện.
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính lưu ý, cần tạo môi trường thi đua lành mạnh, phong trào thi đua thường xuyên, phong trào thi đua đột xuất để xây dựng, phát triển Học viện ngang tầm với nhiệm vụ mà Bộ Chính trị, Trung ương Đảng giao phó; là động lực và hình mẫu cho hệ thống các trường chính trị trong cả nước; xây dựng văn hóa trường Đảng gắn liền với việc thực hiện tốt Cuộc vận động học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, công tác thi đua, khen thưởng phải gắn liền với sự quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và học viên để thực sự trở thành động lực thúc đẩy đông đảo cán bộ tham gia thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, tự giác và đổi mới sáng tạo, tạo nên khí thế thi đua lao động, nghiên cứu giảng dạy trong toàn hệ thống. Học viện cũng cần chú trọng, quan tâm đến công tác xây dựng Đảng để Đảng bộ Học viện vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; gần gũi, gắn bó mật thiết với nhân dân. Đặc biệt, công tác thi đua phải thường xuyên, đúng hướng, thiết thực; xem xét, đánh giá kết quả thi đua phải dân chủ, công khai, khắc phục bệnh hình thức, tệ quan liêu trong công tác thi đua, khen thưởng.
Dịp này, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đã trao tặng Cờ Thi đua của Chính phủ cho Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã có thành tích hoàn thành xuất sắc, toàn diện nhiệm vụ công tác, dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước toàn quốc năm 2019.
Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba cho 2 cá nhân; Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba cho các cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Nhật Bắc/VGP
Nguồn: Cánh cò