Những năm qua, dù Đảng, Nhà nước và nhân dân nói rất nhiều về nạn “nâng đỡ không trong sáng”, “chạy chức”, “chạy việc”, đồng thời nhấn mạnh quyết tâm đẩy lùi, song thực tế chúng ta rất ít phát hiện được việc “chạy” bằng cách đưa và nhận hối lộ để xử lý hình sự.
Bài trước: “Chạy chức” nguy hại hơn tham nhũng
Hầu hết những vụ liên quan đến “nâng đỡ không trong sáng” chỉ bị xử lý kỷ luật nên chưa đủ sức răn đe. Thực trạng này rất đáng báo động, vì tiêu cực trong công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ gây hậu quả khôn lường; nếu không được xử lý nghiêm minh, đúng với tính chất vi phạm thì sẽ khó giảm, thậm chí càng “nhờn thuốc”…
Mức kỷ luật chưa đủ sức răn đe
Hệ lụy của việc bổ nhiệm “nhầm” cán bộ, “nâng đỡ không trong sáng” là rất rõ ràng và ai cũng biết. Tuy nhiên, hầu hết những vụ tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ sai quy định đã phát hiện thì người vi phạm chỉ bị xử lý kỷ luật Đảng và chính quyền với mức cao nhất là khai trừ ra khỏi Đảng và buộc thôi việc đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Xin nêu vài ví dụ: “Nóng” như vụ bổ nhiệm “thần tốc” không đúng quy định bà Trần Vũ Quỳnh Anh ở Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa mà cơ quan chức năng cũng chỉ có thể kết luận là “nâng đỡ không trong sáng”; bà Quỳnh Anh bị khai trừ ra khỏi Đảng rồi xin thôi việc; còn người “nâng đỡ không trong sáng” là ông Ngô Văn Tuấn bị cách hết các chức vụ trong Đảng và cách chức Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa. Ông Lê Phước Hoài Bảo được ưu ái, bổ nhiệm sai lên tới chức Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam, bị xử lý xóa tên trong danh sách đảng viên, hủy bỏ các quyết định về công tác cán bộ không đúng; còn ông Lê Phước Thanh khi đã nghỉ hưu bị cách chức Bí thư Tỉnh ủy (nhiệm kỳ 2010-2015) vì vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc và các quy định về công tác cán bộ; không gương mẫu, có biểu hiện ưu ái, vun vén cho gia đình trong việc quy hoạch, đào tạo, luân chuyển, điều động và quyết định bổ nhiệm con trai…
Ngoài những cán bộ, đảng viên có chức quyền trực tiếp làm sai, “nâng đỡ không trong sáng” có tính chất nghiêm trọng, bị xử lý kỷ luật ở mức cao nhất là khai trừ ra khỏi Đảng, buộc thôi việc, cách chức, thì không hiếm cán bộ vi phạm chỉ bị kỷ luật ở mức khiển trách, cảnh cáo (bao gồm cả cán bộ đã nghỉ hưu). Những hình thức kỷ luật đó, dư luận cho rằng vẫn nhẹ, chưa tương xứng với vi phạm và chưa đủ sức răn đe. Có lẽ vì thế mà tình trạng “nâng đỡ không trong sáng”, vi phạm các quy định về tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ vẫn diễn ra ở nhiều nơi, trở thành vấn đề nhức nhối.
Tại đại hội đảng cấp cơ sở nhiệm kỳ 2020-2025 vừa diễn ra cũng đã phát hiện một số vụ việc có dấu hiệu “nâng đỡ không trong sáng”. Như ở Đảng bộ phường Lê Hồng Phong (TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình), năm 2018, ông Đặng Xuân Hậu, Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường và bà Đặng Thị Kim Thoa, Phó bí thư Đảng ủy phường bị kỷ luật cách chức do có hành vi trục lợi chính sách an sinh xã hội của Nhà nước, nhưng vẫn được giới thiệu tái cử để bầu vào đảng ủy phường, giới thiệu bầu các chức danh lãnh đạo; người tố cáo sự việc bị vợ của cựu Chủ tịch UBND phường thuê “đầu gấu” đánh dằn mặt.
Dư luận đặt câu hỏi, nếu không có biểu hiện “ưu ái” của lãnh đạo phường Lê Hồng Phong, TP Thái Bình thì hai cán bộ bị kỷ luật cách chức do trục lợi chính sách, vi phạm phẩm chất, tư cách cán bộ, đảng viên có được giới thiệu tái cử, bất chấp đơn thư kiến nghị của đảng viên? Vì thế, ngoài việc điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng hành hung người tố cáo mà cơ quan chức năng đã triển khai, thì trách nhiệm của những người giới thiệu, “bật đèn xanh” đưa hai cán bộ từng bị kỷ luật cách chức vào danh sách nhân sự tái cử cấp ủy cũng cần phải làm rõ, xử lý nghiêm nếu có vi phạm.
Cần những liều thuốc đặc trị hiệu quả
Nhận thức rõ sự nguy hại của “chạy chức”, “chạy việc”, “nâng đỡ không trong sáng”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần bày tỏ trăn trở và quyết tâm chỉ đạo phải có giải pháp khắc phục hiệu quả, nhất là phải có cơ chế để kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Theo đó, ngày 23-9-2019, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 205-QĐ/TW về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền, trong đó quy định rõ trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương…; xác định những biểu hiện của chạy chức, chạy quyền và những việc không được làm; chế tài xử lý kỷ luật đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có hành vi chạy chức, chạy quyền hoặc bao che, tiếp tay cho việc “chạy” này…
Việc Bộ Chính trị ban hành Quy định số 205-QĐ/TW là rất đúng đắn và cần thiết. Tuy nhiên, việc chạy chức, chạy quyền diễn ra hết sức tinh vi, bí mật, rất khó để “bắt tận tay, day tận trán”, thường chỉ đối tượng “chạy” và người “được chạy” mới biết, nhưng hiếm ai tự nhận. Chưa kể, có trường hợp chính người “được chạy” cũng không biết vì người “chạy” quá khéo, quá cao tay, “chạy” qua trung gian với danh nghĩa tình cảm, “mưa dầm thấm lâu”… Vì thế, ngoài việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các tổ chức đảng, chính quyền; siết chặt quy trình, quy định về công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ thì “chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi nhiệm vụ, vượt qua mọi khó khăn” như Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh-chính là phải thực hành dân chủ rộng rãi. Nếu công khai danh sách cán bộ từ quy hoạch đến đề bạt, bổ nhiệm, đánh giá, luân chuyển để đảng viên và quần chúng biết và cùng giám sát thì chắc chắn sẽ hạn chế được rất nhiều việc “nâng đỡ không trong sáng”, các đối tượng sẽ không dám “chạy” và không dám làm sai các quy định về công tác cán bộ.
Một việc rất cần thiết mà nhiều cán bộ, đảng viên và người dân đề xuất là: Đảng, Nhà nước cần nghiên cứu ban hành cơ chế lấy phiếu tín nhiệm cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý mỗi năm một lần; thời hạn bổ nhiệm cán bộ cũng không nên kéo dài tới 5 năm như hiện nay, mà chỉ từ một đến hai năm để nếu cán bộ không hoàn thành tốt nhiệm vụ, không thực sự xứng đáng, uy tín thấp thì sẽ không được tái bổ nhiệm. Việc tổ chức thi tuyển cán bộ sau thời gian thí điểm cũng cần nghiên cứu, nhân rộng. Đây vừa là biện pháp hiệu quả để phòng ngừa việc “chạy chức”, “nâng đỡ không trong sáng”, đồng thời tạo động lực để cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phấn đấu không ngừng, chống thoái hóa, biến chất… Vừa qua, Luật Viên chức được sửa đổi (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2020) xóa bỏ chế độ “biên chế suốt đời”, trừ một số trường hợp đặc thù, đã được dư luận rất ủng hộ.
Như trên đã phân tích, suy cho cùng thì nạn “chạy chức”, “chạy việc”, bổ nhiệm “nhầm” cán bộ, “nâng đỡ không trong sáng” còn nguy hại hơn cả tham nhũng. Chính vì thế, Quy định số 205-QĐ/TW của Bộ Chính trị đã nêu rõ người vi phạm bị xử lý kỷ luật; nếu liên quan đến việc đưa, nhận hối lộ hoặc các hành vi vi phạm khác đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật; nghiêm cấm giữ lại để xử lý hành chính. Thế nhưng để có bằng chứng về việc đưa và nhận hối lộ nhằm “chạy chức”, “chạy việc” là vô cùng khó. Qua nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là Bộ luật Hình sự, chúng ta thấy, mặc dù pháp luật đã quy định về những hành vi phạm tội hình sự liên quan đến nhóm tội phạm về chức vụ, như: Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, vi phạm các quy định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng… với những mức án phạt tù rất nghiêm khắc; song trong nhóm tội này chưa có quy định nào về xử lý hình sự với hành vi liên quan đến việc thiếu trách nhiệm hay vi phạm các quy định về công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ (?!).
Theo ý kiến của nhiều luật sư, việc cố tình làm trái các quy định về công tác cán bộ nếu gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể quy vào tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ, nhưng thực tế hầu như chưa có tiền lệ xử lý (ví dụ, việc cố ý làm trái các quy định về công tác cán bộ trong việc bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh lên đến chức Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, gây hậu quả rất nghiêm trọng về nhiều mặt, mà chúng ta cũng chỉ có thể xử lý kỷ luật những cán bộ “nâng đỡ” ông Trịnh Xuân Thanh, chứ không xử lý hình sự được). Phải chăng đây chính là kẽ hở của pháp luật, cần phải nghiên cứu, chỉnh sửa, bởi vì việc tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ không đúng quy định (dù cố ý hay do thiếu trách nhiệm) thì đều gây hậu quả có khi còn nghiêm trọng hơn so với những thiệt hại về kinh tế, sức khỏe, môi trường… được nêu rõ trong Bộ luật Hình sự.
Tục ngữ có câu “Thuốc đắng dã tật”. Bệnh nặng thì phải chữa bằng thuốc đặc trị, liều cao; nếu không sẽ dẫn đến “nhờn thuốc”, rất khó chữa. Thủ đoạn của những người “chạy chức”, “chạy việc”, “nâng đỡ không trong sáng” là rất tinh vi, nguy hại khôn lường, ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của Đảng và sự phát triển của đất nước. Do đó, cần có thái độ kiên quyết và biện pháp xử lý thật nghiêm khắc mới có thể ngăn chặn, đẩy lùi hiệu quả.
HUY QUANG/QDND
Nguồn: Cánh cò