Thủ tướng nhấn mạnh việc hỗ trợ doanh nghiệp, không để bị đứt gãy, mất năng lực sản xuất trong những ngành, lĩnh vực trọng yếu.
Sáng 9/7, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia chủ trì phiên họp của Hội đồng nhằm đánh giá những nhiệm vụ đã triển khai và đề ra những nhiệm vụ thời gian tới.
Thủ tướng chủ trì phiên họp của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia
Cần giải pháp dài hạn cho nền kinh tế
Tại phiên họp, các chuyên gia kinh tế cho rằng, các phân tích, đánh giá, giải pháp đối với nền kinh tế nước ta lúc này đều phải dựa trên thực tế rằng dịch Covid-19 vẫn diễn biến xấu ở các nước. Dịch bệnh cũng đã làm lộ diện những yếu kém nội tại của nền kinh tế, cho thấy khả năng chống chịu của nền kinh tế còn yếu.
Các chuyên gia dự báo, vào quý 3 này, các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như da giày, dệt may, chế biến gỗ mới gặp khó khăn thực sự vì đứt gãy các đơn hàng. Do đó, trước mắt, phải thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Chính phủ, các gói hỗ trợ; nhanh chóng giảm lãi suất huy động để giảm lãi suất đầu ra, qua đó thúc đẩy đầu tư, đồng thời góp phần kiểm soát lạm phát. Tăng cường cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn từ Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp, cho vay bảo lãnh. Cùng với đó là mở rộng các gói hỗ trợ, nhất là về tài khóa cho nền kinh tế.
Song song với các giải pháp trước mắt, các chuyên gia khuyến cáo các giải pháp dài hạn với nền kinh tế, có thể là một chương trình đồng bộ các giải pháp, gồm cả mức lạm pháp, bội chi ngân sách, các gói hỗ trợ và kích thích nền kinh tế, vấn đề hoàn thiện thể chế, thu hút đầu tư… Chương trình cần sớm hoàn thiện và triển khai từ quý 4 năm nay.
Cũng về giải pháp dài hạn, có chuyên gia cho rằng, cần thực hiện cùng lúc ba việc, phục hồi kinh tế, tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Việc quan trọng trước mắt là tìm nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ này thông qua huy động từ các thành phần kinh tế, đi vay và trọng tâm phải là vay trong nước.
Đặc biệt, cần chấp nhận nâng mức bội chi ngân sách nhà nước trong một số năm nhất định để tăng nguồn lực đầu tư thúc đẩy tăng trưởng, mở rộng quy mô nền kinh tế. Đặc biệt, để nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế cần đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa, kích cầu du lịch, tiêu dùng, đẩy mạnh kinh tế số.
Trước thực tế nhiều dự án, chương trình triển khai chậm do chính thể chế pháp lý còn ràng buộc, chồng chéo, các chuyên gia nhấn mạnh phải cải thiện việc xây dựng thể chế pháp lý, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành vào những thời điểm cấp bách như hiện nay.
Kiên quyết không để doanh nghiệp đứt gãy
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, lúc này cần giữ một tinh thần lạc quan và quyết tâm cao là điều hết sức quan trọng.
Đánh giá cao các thành viên Hội đồng nêu các ý kiến tâm huyết, sâu sắc, sát thực tiễn, Thủ tướng nhấn mạnh, đây là cơ sở để các bộ, ngành nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện thể chế chính sách phát triển kinh tế xã hội.
Chú thích ảnh
Trên cơ sở các ý kiến tại phiên họp, Thủ tướng nêu rõ, Hội đồng đánh giá cao cố gắng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong chỉ đạo điều hành, các giải pháp trúng, kịp thời trong thực hiện mục tiêu kép vừa qua, mang lại niềm tin trong nhân dân. Song, đây chỉ là thành công bước đầu bởi nguy cơ dịch vẫn còn, nền kinh tế thế giới và cả trong nước còn gặp không ít khó khăn.
Hội đồng nhận định, thế giới tiếp tục triển khai các gói kích thích kinh tế, cả tài khóa và tiền tệ, nên nếu xảy ra khủng hoảng nợ công, nợ xấu thì sẽ tác động xấu đến kinh tế thế giới và ảnh hưởng đến cả nước ta.
Do đó, trước thành công bước đầu của việc kiểm soát dịch bệnh, Hội đồng cho rằng cần quyết tâm thực hiện mục tiêu kép thời gian tới, nhất là tận dụng yếu tố thuận lợi là thị trường 100 triệu dân nước ta.
“Cần có chính sách mới, chủ động hơn nữa, tích cực và trách nhiệm hơn nữa trước Đảng, Nhân dân. Đầu tiên là nêu cao tinh thần trách nhiệm, kiểm soát chặt chẽ, không được để dịch quay trở lại. Đây được coi là điều kiện tiên quyết. Các đồng chí đều yêu cầu điều hành chủ động, linh hoạt hơn nữa các công cụ chính sách tài khóa và tiền tệ để đạt hai mục tiêu là kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất và đời sống, ổn định vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, duy trì niềm tin chỉ đạo điều hành. Các bộ, ngành liên quan đều phải có trách nhiệm lớn lao, trong đó Hội đồng cũng phải có trách nhiệm đề xuất giải pháp. Không chỉ khi họp, Thủ tướng cũng đã nhận được các khuyến cáo của các thành viên Hội đồng. Chính vì thế việc thường xuyên theo dõi diễn biến thị trường quốc tế, thị trường trong nước, có đối sách phù hợp, kịp thời. Muốn vậy phải có hệ thống phân tích, dự báo và năng lực chính sách tốt. Các bộ, ngành, đặc biệt Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương cần chú ý vấn đề này, không để bất ngờ để ra”, Thủ tướng đề nghị.
Về kịch bản tăng trưởng kinh tế, Thủ tướng kết luận, Hội đồng thống nhất tăng trưởng kinh tế năm nay từ 3-4%, kiểm soát lạm phát dưới 4%. Trên cơ sở đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành tiếp tục rà soát, cập nhật để có kịch bản tăng trưởng theo từng quý và có giải pháp đồng bộ. Thường xuyên kiểm điểm đánh giá việc thực hiện và có đối sách cho các vấn đề cấp bách phát sinh. Ví dụ như giá dầu thế giới từng âm nhưng có thể tăng liên tiếp.
Hội đồng cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp trong các Nghị quyết 11, 42 và 84 của Chính phủ để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phục hồi kinh tế xã hội, đảm bảo đời sống cho người dân. Cùng với đó là nghiên cứu dài hơi các giải pháp hỗ trợ, kích thích nền kinh tế từ nay đến năm 2021, xác định nhiệm vụ trọng tâm cần giải quyết trong các ngành, lĩnh vực cả trong ngắn hạn, dài hạn, trung hạn, trong đó có tăng bội chi ngân sách, huy động nguồn lực cho đầu tư sản xuất kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.
Thủ tướng nêu rõ: “Mục tiêu cụ thể là năm 2020 và đầu năm 2021, tăng trưởng tín dụng trên 10%. Chủ trương tăng thêm nợ công, bội chi ngân sách khoảng từ 3-4% GDP để có nguồn lực đầu tư. Chúng ta chuẩn bị sẵn sàng để hỗ trợ doanh nghiệp, không chỉ doanh nghiệp nhỏ và vừa mà cả doanh nghiệp lớn, kiên quyết bảo vệ hệ thống doanh nghiệp, không bị đứt gãy, mất năng lực sản xuất trong những ngành, lĩnh vực trọng yếu. Tiếp tục xem xét giảm lãi suất, ngành ngân hàng tiếp tục chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và người dân. Tiếp tục tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm khoản chi hội nghị, hội thảo, công tác phí, dành nguồn lực hỗ trợ người dân và doanh nghiệp”.
Từ ý kiến của các thành viên Hội đồng, Thủ tướng cũng chỉ đạo ngành tài chính tiếp tục nghiên cứu biện pháp giãn, hoàn, giảm thuế, phí, lệ phí, đặc biệt là BHXH và phí công đoàn để giảm khó khăn cho doanh nghiệp. Hỗ trợ các hoạt động đổi mới sáng tạo, thúc đẩy vật liệu mới, mô hình mới, làn sóng đầu tư mới. Đặc biệt, các bộ, ngành, địa phương phải quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công; tập trung kích cầu nội địa, phát triển mạnh mẽ thị trường 100 triệu dân, nhất là không để mất thị trường quốc tế bằng các giải pháp đồng bộ quyết liệt hơn; nghiên cứu thị trường mới, đẩy mạnh thanh toán điện tử, phát triển kinh tế số.
Một điểm nhiều thành viên Hội đồng nêu và Thủ tướng coi đây là vấn đề then chốt, đó là tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn, nhằm mục tiêu thu hút mạnh mẽ đầu tư xã hội, tư nhân, FDI, đặc biệt không để đi sau trong thu hút luồng vốn đầu tư đang dịch chuyển.
Thủ tướng đề nghị các thành viên Hội đồng tiếp tục hỗ trợ Chính phủ công tác xây dựng, phản biện chính sách và tán thành với Hội đồng về việc trong bối cảnh đặc biệt hiện nay đòi hỏi phải có chính sách đặc biệt, nhất là đối với những lĩnh vực mới, xu hướng sản xuất kinh doanh mới, xu hướng tiêu dùng mới để có chính sách phù hợp, mang hơi thở cuộc sống. Do đó, ý kiến tư vấn của các thành viên Hội đồng là rất quan trọng. Thủ tướng cũng đồng ý với các thành viên Hội đồng về việc cần tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, tạo đồng thuận, đoàn kết trong xã hội, tạo khí thế mới vượt qua khó khăn./.
Nguồn: VOV.vn