TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang đặt mục tiêu đưa ĐBSCL trở thành điểm đến hấp dẫn không thể thiếu trong hành trình khám phá Việt Nam và Đông Nam Á, đồng thời phấn đấu đưa tỉ trọng ngành du lịch đóng góp từ 11 lên đến 17% vào GRDP của mỗi địa phương.
Khẳng định vai trò đầu tầu của TP Hồ Chí Minh
Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết, TP Hồ Chí Minh được xem là đầu tàu của ngành du lịch phía Nam và là điểm đến du lịch trọng điểm của cả nước, vì đây là nơi trung chuyển và gửi khách đi các tỉnh ĐBSCL. Đối với TP Hồ Chí Minh, 13 tỉnh, thành ĐBSCL vừa là thị trường du khách quan trọng của thành phố, vừa là điểm đến hấp dẫn để du khách TP Hồ Chí Minh khám phá, tìm hiểu.
“Trong năm 2019, TP Hồ Chí Minh đón khoảng 8,5 triệu lượt khách quốc tế và 32,7 triệu lượt khách nội địa. Nếu 2/3 số lượt khách này tiếp tục lựa chọn các hành trình là sản phẩm liên kết giữa TP Hồ Chí Minh và ĐBSCL sẽ tạo sự chuyển biến tích cực cho sự phát triển của du lịch toàn vùng ĐBSCL”, ông Dương Tấn Hiển nói.
Theo thống kê của Hiệp hội du lịch ĐBSCL, năm 2019, lượng du khách đến ĐBSCL ước đạt 47 triệu lượt, khách lưu trú ước đạt 13,5 triệu lượt, tổng thu từ hoạt động du lịch ước chỉ đạt 30 nghìn tỷ đồng. Mặc dù đã có rất nhiều cố gắng và nỗ lực của các địa phương, nhưng do còn thiếu các cơ chế, thể chế, chính sách thúc đẩy liên kết giữa các tỉnh, thành nên kết quả vẫn còn rất khiêm tốn so với các vùng trọng điểm du lịch của cả nước.
Nhận thức rõ vấn đề này, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, cho rằng việc liên kết hợp tác với các tỉnh, thành ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh có vai trò quan trọng để ngành du lịch phát triển và bức phá. “Trong tháng 7 và đợt du lịch hè năm nay, chúng tôi hứa hẹn du lịch ĐBSCL sẽ có sự cải thiện đáng kể về sản phẩm, cơ sở vật chất lưu trú, nguồn nhân lực dồi dào chất lượng cao… để phục vụ thu hút thêm nhiều du khách nội địa đến với các tỉnh, thành này”, ông Bùi Tá Vũ cho biết thêm.
Theo Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, để thu hút thêm du khách đến ĐBSCL, thành phố đã chú trọng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch, trong đó kêu gọi đầu tư phát triển giao thông đường bộ, đầu tư thêm các cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn 4-5 sao tại các tỉnh, thành của ĐBSCL. Riêng các doanh nghiệp lữ hành, thành phố cũng sẽ chủ động phối hợp cơ quan quản lý điểm đến ở địa phương thực hiện những chuyên đề cụ thể, nghiên cứu xây dựng những sản phẩm thú vị cho du khách, giảm thiểu tình trạng chèo kéo du khách, vấn nạn ăn xin, xả rác bừa bãi nơi cộng cộng… để từng bước nâng cao chất lượng điểm đến tại ĐBSCL.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, cho biết, với vai trò trách nhiệm của mình, TP Hồ Chí Minh cũng đang mời gọi doanh nghiệp du lịch chủ động tìm hiểu thông tin, tăng liên kết với các tỉnh, thành ĐBSCL để làm thế nào tạo ra sản phẩm du lịch đa dạng nhất có thể. TP Hồ Chí Minh cũng tính toán dựa trên những đặc thù văn hóa, sản phẩm du lịch để bàn cách tăng nguồn thu cho mỗi địa phương.
“TP Hồ Chí Minh tin tưởng rằng, với sự gắn kết chặt chẽ và bền vững giữa các tỉnh, thành ĐBSCL, ngành du lịch hoàn toàn có thể đặt mục tiêu trong thời gian tới ĐBSCL trở thành điểm đến hấp dẫn không thể thiếu trong hành trình khám phá Việt Nam và Đông Nam Á, đồng thời phấn đấu đưa tỉ trọng ngành du lịch đóng góp từ 11 đến 17% vào GRDP của mỗi địa phương”, ông Nguyễn Thành Phong nói.
Xóa bỏ tâm lý e ngại do dịch bệnh
Theo Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong, thời gian qua, mặc dù chi tiêu của du khách nước ngoài đến TP Hồ Chí Minh gấp 1,8 lần khách nội địa, nhưng doanh thu khách nội địa chiếm 60% doanh thu từ khách du lịch của TP Hồ Chí Minh. Vì vậy, các tỉnh ĐBSCL cần đẩy mạnh phát triển thị trường du lịch nội địa để tranh thủ cơ hội giảm tác động của đại dịch COVID-19 và thu hút thêm nhiều du khách thành phố đến với ĐBSCL.
“Từ lợi thế sau khi kí thỏa thuận liên kết phát triển du lịch giữa 13 tỉnh, thành ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh, các địa phương cũng cần thúc đẩy mạnh hơn dòng khách hai chiều. Bởi nếu 10% dân số TP Hồ Chí Minh (khoảng một triệu người) về du lịch tại ĐBSCL và 10% dân số ĐBSCL (khoảng hai triệu người) du lịch tại TP Hồ Chí Minh, sẽ góp phần tháo gỡ những khó khăn trước mắt cho doanh nghiệp, xóa dần tâm lý e ngại đi du lịch vì sợ dịch bệnh của người dân, du khách ”, ông Nguyễn Thành Phong chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Văn Đức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, muốn đẩy mạnh phát triển du lịch liên kết giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành ĐBSCL, cụm phía Đông cần tập trung thực hiện nhiều giải pháp để kích cầu du lịch trong thời gian tới, trong đó nên đặc biệt quan tâm xây dựng sản phẩm du lịch chung trên cơ sở xây dựng sản phẩm mới, đặc trưng của từng địa phương; thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền giới thiệu điểm đến du lịch tại các tỉnh thành ĐBSCL là điểm đến an toàn theo nguyên tắc “Tôi an toàn – bạn an toàn – chúng ta an toàn” khi đi du lịch trong mùa dịch bệnh COVID-19.
Ngoài việc xóa bỏ tâm lý e ngại khi đi du lịch trong thời điểm này, các tỉnh ĐBSCL cũng cần liên kết, chung tay đầu tư cho phát triển hạ tầng giao thông của vùng. Ông Vưu Chấn Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch ĐBSCL, cho biết hạ tầng giao thông là điểm then chốt thúc đẩy du lịch liên vùng từ TP Hồ Chí Minh đến 13 tỉnh, thành ĐBSCL phát triển. Tuy nhiên, từ TP Hồ Chí Minh xuống các tỉnh ĐBSCL chỉ có một đoạn ngắn đường là cao tốc TP Hồ Chí Minh – Trung Lương (Tiền Giang), còn lại đa số là những con đường nhỏ và đang xuống cấp, độc đạo. Ngoài ra, toàn vùng ĐBSCL hiện chỉ có 93% xã có đường ô tô dẫn đến trung tâm, thấp nhất trong các vùng kinh tế khác của cả nước. Mặt khác, giao thông liên thôn chưa theo kịp tốc độ phát triển của vùng, phân bố chưa đều…; đường hàng không tại ĐBSCL cũng chưa phát triển xứng tầm, xuống Cần Thơ vẫn chỉ khai thác những đường bay nhỏ lẻ và chưa khai thác hết công suất. Đường thủy là thế mạnh của ĐBSCL nhưng toàn vùng không cảng nước sâu để phục vụ riêng cho ngành du lịch của vùng.
“Sắp tới, để việc liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh ĐBSCL đạt hiệu quả, các địa phương trong vùng cần kiến nghị, tham mưu cho Chính Phủ, UBND các tỉnh những cơ chế, chính sách đặc thù riêng cho phát triển du lịch vùng ĐBSCL. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông đường thủy, đường bộ, đường hàng không cho toàn vùng ĐBSCL; đẩy mạnh liên kết hợp tác, chú trọng công tác quảng bá xúc tiến các điểm đến với du khách trong và ngoài nước. TP Hồ Chí Minh cần hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao cho vùng, nâng năng lực cạnh tranh của các điểm đến và dịch vụ du lịch, từng bước khẳng định thương hiệu du lịch ĐBSCL với du khách trong và ngoài nước”, ông Vưu Chấn Hùng kiến nghị.
Nguồn: Báo Tin tức