Sáng 6/7, Ban tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh trang trọng tổ chức Lễ giỗ lần thứ 320 (1700 – 2020) Đức Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh tại đền thờ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh ở Khu công viên Lịch sử Văn hóa dân tộc Thành phố (Quận 9).
Chương trình diễn ra theo nghi lễ dâng hương, dâng hoa, sân khấu hóa hoạt cảnh ôn lại truyền thống uống nước nhớ nguồn, tỏ lòng biết ơn và ghi nhận công đức của Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh – vị tướng đặt nền móng cho vùng đất Sài Gòn – Gia Định xưa, nay là Thành phố Hồ Chí Minh – người có công đầu trong việc hoạch định cương giới xóm làng, xác lập hệ thống chính quyền ở vùng đất Nam bộ.
Phát biểu tại lễ giỗ, bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, đã ôn lại cuộc đời sự nghiệp của Đức Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh; khẳng định công lao to lớn, thành quả đáng trân trọng và công đức của ông trong việc khai phá, mở rộng bờ cõi, biên cương; lập nên bộ máy hành chính để cai quản các vùng đất mới với nhiều chính sách ruộng đất, chiêu dụng nhân dân lập nên một vùng đất Nam bộ trù phú, thiên nhiên ưu đãi để lại cho con cháu hậu thế. Đức Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh là tấm gương sáng về tinh thần trung quân ái quốc của bậc tiền nhân, hết lòng vì nước vì dân, góp phần xác định chủ quyền, giữ vững lãnh thổ Việt Nam của nhà Nguyễn, tiếp tục khẳng định sự hiện diện và trường tồn của người Việt ở dải đất phương Nam.
Ghi nhớ công ơn của Đức Thành Hầu Nguyễn Hữu Cánh, bà Tô Thị Bích Châu nhấn mạnh: Đảng bộ, chính quyền Thành phố nỗ lực phấn đấu không ngừng trong cuộc sống, lao động, học tập để xứng đáng làm người kế thừa, lớp hậu sinh; tập trung nâng cao tinh thần thi đua lao động, sáng tạo, góp phần vào công cuộc kiến tạo, phát triển, hội nhập của đất nước, của Thành phố. Những người con từ mảnh đất Sài Gòn – Gia Định – Thành phố Hồ Chí Minh tiếp nối truyền thống kiên cường, vẻ vang “cùng cả nước – vì cả nước – vì hạnh phúc nhân dân”, “đi trước – về trước”, thực hiện công cuộc dựng xây, phát triển thành phố mang tên Bác trong giai đoạn mới. Thành quả cuối cùng, có ý nghĩa quan trọng nhất chính là chất lượng sống của người dân, thành phố thông minh với các dịch vụ công cộng xã hội nhằm phục vụ con người, thái độ phục vụ nhân dân đi cùng hiệu quả công việc, mang lại một hệ sinh thái khởi nghiệp ngay trên vùng đất văn minh – hiện đại – nghĩa tình.
Với lòng tôn kính Đức Lễ Thành Hầu, biết ơn các bậc tiền hiền bằng mồ hôi, xương máu, trí tuệ đã góp phần xây dựng nên một vùng đất trù phú như hôm nay, đông đảo đoàn viên, thanh niên thành phố xác định trách nhiệm của mình phải ra sức bảo vệ, xây dựng và phát triển thành phố. Theo Bí thư Đoàn thanh niên Quận 9 Phan Ngọc Đoan Trang, thế hệ trẻ thành phố hôm nay cần tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc; quyết tâm đoàn kết, sáng tạo, đồng sức, đồng lòng, thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế, văn hóa, xã hội góp phần xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Cùng ngày, đông đảo các ban, ngành, đoàn thể, đại diện gia tộc, người dân thành phố và khắp mọi miền đất nước đã tề tựu về dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ Đức Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh.
Đức Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, tên thật là Nguyễn Hữu Thành, húy Kính, sinh năm 1650 tại huyện Phong Lộc (nay là huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) trong một gia tộc trâm anh thế phiệt lâu đời có nguồn gốc cùng tổ với chúa Nguyễn. Ông thuộc dòng dõi Đức Nhị Khê Nguyễn Trãi – khai quốc công thần nhà Lê, thân phụ ông là Nguyễn Hữu Dật, là một trong 3 vị đệ nhất công thần của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng.
Ông mất ngày 16/5/1700 (năm Canh Thìn) tại Sầm Khê (Rạch Gầm, nay thuộc tỉnh Tiền Giang), thọ 51 tuổi. Với những chiến công trong việc xác lập chủ quyền ở Đàng trong và chống giặc ngoại xâm, Chúa Nguyễn Phúc Chu tặng phong Hiệp tán công thần, đặc tiến Chưởng doanh, thụy Trung Cần. Năm Gia Long thứ 4 (năm 1805), ông được truy tặng Tuyền lực công thần, đặc tiến Phụ quốc thượng tướng quân, Cẩm y vệ độ chỉ huy sứ ty, Đô Chỉ huy sứ phủ Đô đốc phủ Chưởng phủ sự Phó tướng chưởng cơ, liệt vào thượng đẳng công thần, thờ phụ vào Thái Miếu. Năm Gia Long thứ 9 (năm 1810), ông được thờ ở miếu Khai quốc công thần.
Nguồn: Báo Tin tức