VOV.VN -10 năm qua, Thanh Hóa đã có bước khởi sắc mạnh mẽ. Những kết quả ban đầu đó của tạo ra niềm tin về sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa của Thanh Hóa thời gian tới.
Sáng nay (4/7), tại tỉnh Thanh Hóa, Ủy viên Bộ chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đã chủ trì Hội thảo xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Báo Thanh Hóa
Tại hội thảo, các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo địa phương và doanh nghiệp đã trao đổi, thảo luận về các quan điểm, cơ chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển bền vững tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Các ý kiến đã làm rõ tiềm năng, thế mạnh cũng như những hạn chế của tỉnh Thanh Hóa, từ đó đề ra giải pháp về động lực phát triển kinh tế biển, kinh tế đồng bằng, miền núi tỉnh Thanh Hóa những năm tới.
Ở góc độ phát triển tỉnh Thanh Hóa trở thành tỉnh công nghiệp trọng điểm, Tiến sĩ Dương Đình Giám, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam phân tích, phải đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ; xây dựng trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp; thu hút đầu tư và tăng cường liên kết nội vùng. Mô hình phát triển công nghiệp hỗ trợ thì có cả chiến lược đẩy và chiến lược kéo, chiến lược kéo thì có những công nghiệp quan trọng thu hút đầu tư công nghiệp hỗ trợ, ngoài ra có chiến lược đẩy, những cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ.
Du lịch được xem là ngành có nhiều tiềm năng, thế mạnh, thế nhưng thực tế, du lịch Thanh Hóa phát triển chưa tương xứng. PGS TS Phạm Trung Lương, Nguyển phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển du lịch cho rằng: sản phẩm du lịch chưa mang tính đặc thù, đầu tư chưa tương xứng khiến Thanh Hóa chưa thể phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn
Theo PGS TS Phạm Trung Lương, chất lượng sản phẩm chưa cao, chưa thu hút, hấp dẫn được thị trường khách quốc tế chất lượng cao. Nguyên nhân do thiếu sản phẩm đặc thù và trùng lặp sản phẩm.
“Chúng ta mất cân đối trong phát triển du lịch theo lãnh thổ, mới tập trung ở vùng ven biển, vùng phía tây rất lớn đang bị bỏ trống; chất lượng tăng trưởng chưa cao, hạn chế nguồn nhân lực; thiếu chính sách mang tính đột phá để thu hút đầu tư, đặc biệt liên kết chưa thực chất. Một trong những nhiệm vụ tới đây trong chiến lược phát triển là phải cơ cấu lại du lịch Thanh Hóa để đạt mục tiêu du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn”-PGS TS Phạm Trung Lương nói
Các ý kiến nhận định, sự phát triển của Thanh Hóa có ý nghĩa quan trọng đối với kinh tế vùng Bắc trung bộ, Thủ đô Hà Nội, Đồng bằng sông Hồng và cả nước. Vì vậy việc xây dựng đề án phát triển tỉnh Thanh Hóa là cần thiết trong chiến lược phát triển lâu dài.
Phát biểu kết luận Hội thảo, Ủy viên Bộ chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình khẳng định, những lợi thế của Thanh Hóa tạo tiền đề để chúng ta phát triển không chỉ riêng Thanh Hóa mà trong bối cảnh của cả vùng Bắc Trung Bộ và trong tương quan chung đối với cả nước và khu vực.
Trưởng ban Kinh tế TW Nguyễn Văn Bình mong muốn Nghị quyết này là tiền đề quan trọng để tỉnh Đảng bộ Thanh Hóa xây dựng văn kiện trình Đảng bộ sắp tới.
Trưởng ban Kinh tế TW Nguyễn Văn Bình đánh giá cao sự quan tâm, nhiệt huyết có trách nhiệm của các nhà khoa học, chuyên gia thời gian qua đã có đóng góp ý kiến xác đáng để hoàn thiện một đề án có chất lượng, trình Bộ Chính trị thời gian tới. Trên cơ sở đó, là nền tảng để phát triển kinh tế xã hội của Thanh Hóa trong thời gian tới, vừa phục vụ Thanh Hóa nhưng cũng góp phần xây dựng đất nước ta trong 10 năm tới
Trong chiều nay, UVBCT Nguyễn Văn Bình đã tham dự và chủ trì Hội nghị Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án. Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Bình đề nghị Ban Chỉ đạo cần tiếp thu các góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học tại Hội thảo, đồng thời lắng nghe các ý kiến đóng góp của các ban, bộ, ngành và địa phương, tạo cơ sở khoa học và thực tiễn để hoàn thiện đề án chuẩn bị trình báo cáo Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045″. Nghị quyết phải tạo ra các cơ chế chính sách cho Thanh Hóa phát triển đột phá, để Thanh Hóa vì cả nước và cả nước vì Thanh Hóa, cũng chính là để hiện thực hóa được lời căn dặn của Bác Hồ.
“Tỉnh Thanh theo tôi, muốn trở thành một tỉnh kiểu mẫu, nhất định được, vì người đông, đất rộng, của nhiều, chỉ còn thiếu sự điều khiển sắp đặt” – ông Bình nói/.
Nguồn: VOV.vn