Mấy ngày nay, thời tiết Hà Nội luôn nắng nóng gay gắt, tuy nhiệt độ trong bóng râm chỉ 33 độ nhưng ta luôn có cảm giác như 43-44 độ. Những ngày này, ta mới càng thấu hiểu giá trị của cây xanh đô thị!
Sau sự cố đáng tiếc cây phượng bị đổ, đè chết học sinh ở Tp Hồ Chí Minh, nhiều “chuyên gia” lên tiếng cho rằng cây phượng có tuổi đời không cao, chỉ 25-30 năm, thân cây gỗ giòn nên không phù hợp làm cây xanh bóng mát đô thị nói chung và sân trường nói chung. Vậy là ở nhiều trường học, hàng loạt cây phượng bị đốn hạ! Theo tìm hiểu của Google.tienlang, cây phượng vĩ có tuổi đời thực tế trên 70 năm vẫn đang khỏe mạnh không phải là hiếm.
Ông Phạm Quang Sỹ – Phó Tổng Giám đốc công ty CP Công viên Cây xanh Hải Phòng cho biết: “Hải Phòng hiện có vài chục nghìn cây phượng, riêng trong nội thành hiện có trên 10.000 cây phượng lớn, bé. Những cây lâu năm, trên 70 tuổi tập trung chủ yếu tại một số tuyến phố như dải vườn hoa trung tâm, phố Hồ Xuân Hương (quận Hồng Bàng), đường Trần Bình Trọng (quận Ngô Quyền)…”
Vào mùa mưa bão, nếu cây xanh không được kiểm tra, chăm sóc thì bất cứ cây gì cũng có thể bị quật ngã chứ không riêng gì cây phượng. Vấn đề ở đây là con người phải thường xuyên kiểm tra cây xanh, nếu phát hiện bệnh tật của cây thì phải cứu chữa, nếu cây quá già yếu, cứu chữa không nổi thì buộc phải đốn hạ, trồng cây mới.
Nhân chuyện cây xanh, Google.tienlang xin cùng bạn đọc ôn lại bài dạy của Bác Hồ.
CÂU CHUYỆN VỀ “CÂY BỤT MỌC”
Những lần đến thăm Nhà sàn và Ao cá Bác Hồ, nếu không được giới thiệu, chắc hẳn hầu hết mọi người sẽ ngạc nhiên trước những rễ cây lạ trồi cao khỏi mặt đất, tựa như những pho tượng Phật bằng gỗ mộc, kích thước to, nhỏ, cao thấp đa dạng, lô nhô xếp liền nhau quanh sườn bờ ao bên trái ngôi Nhà sàn và gần chiếc cầu nhỏ uốn cong bắc qua ao cá, tạo ra một sự kỳ thú của cảnh quan tự nhiên.
Vì tất cả bộ rễ nhô lên khỏi mặt đất có hình tựa như hình ông bụt đứng dầm chân, soi gương bóng nước nên Bác Hồ đã đặt tên loài cây này là cây bụt mọc.
Cây bụt mọc bên Ao cá Bác Hồ
Sát bên đầu phía nam chiếc cầu nhỏ bắc qua ao cá cũng có một cây bụt mọc. Vào đầu năm 1965, anh em phục vụ phát hiện ra cây bụt mọc này bị mối xông đã hỏng đến quá nửa thân, sợ cây đổ bất ngờ gây nguy hiểm vì nó mọc ngay cạnh con đường nhỏ quanh Ao cá mà hàng ngày Bác và mọi người thường qua lại, các đồng chí trong cơ quan quyết định chặt bỏ cây. Khi biết được ý định đó, Bác đã nói: “Chặt bỏ một cây hỏng thì dễ dàng thôi nhưng trồng được một cây mới thì rất khó. Bởi vậy các chú hãy tìm cách chữa cho cái cây bị mối xông đi đã”. Rồi Bác chỉ cho anh em một kinh nghiệm chữa cây bị mối xông như sau: Trước hết, cạo sạch phần thân cây bị mối xông, sau đó dùng vôi, rơm nhồi vào trong và cuối cùng dùng xi măng trát phía ngoài thân cây. Bác phân tích: Vôi có tác dụng chống mối và côn trùng xâm nhập; rơm tạo thành lớp mùn giúp cây phát triển bình thường; xi măng ngăn không cho nước ngấm vào thân cây thêm mục nát, đồng thời giữ cho thân cây cứng cáp. Anh em đã làm theo lời Bác và sau một thời gian, cây bụt mọc đã sống lại, không bị mối xông, phát triển tốt.
Chuyện về việc chữa cây bụt mọc qua đi tưởng như chỉ đơn giản có thế, nhưng sau này, trong buổi nói chuyện tại một hội nghị cán bộ quản lý, Bác Hồ đã kể lại câu chuyện chữa cây bụt mọc để nhắc nhở chung mọi người làm việc gì cũng phải suy xét cho kỹ, tìm phương pháp tối ưu để đạt kết quả tốt nhất, và Người kết luận rằng: “Việc quản lý, giáo dục, xem xét cán bộ cũng phải như vậy – đừng thấy cán bộ phạm khuyết điểm đã vội vã kết luận ngay và thi hành kỷ luật mà không cần suy xét gì. Đó là thói quan liêu. Trách nhiệm của người cán bộ quản lý là phải tìm ra nguyên nhân dẫn đến việc cán bộ phạm khuyết điểm. Như vậy cán bộ mới trưởng thành, cán bộ quản lý mới làm tròn trách nhiệm của người lãnh đạo”.
CÂY ĐA KIÊN TRÌ
Theo lối chính, trên con đường tới nhà sàn của Bác Hồ, khách thăm quan tới ngay góc ngã ba, cạnh một khóm tre tươi tốt có một cây đa lớn nằm bên tay trái, dáng vẻ rất lạ. Cây đa này, sườn bên phải có một rễ phụ rất dài và lớn (thật ra, gồm hai rễ phụ quấn chặt vào nhau), sườn bên trái có hai rễ phụ hơi xa nhau, ngắn hơn và nhỏ hơn rễ phụ sườn bên phải. Các rễ phụ từ các cành cao đâm thẳng xuống đất, trong đó một rễ có độ nghiêng khá lớn. Vì thế, dù theo nhánh đường nhỏ nào ở hai bên sườn cây đa để ra con đường ven ao cá hướng tới ngôi nhà sàn thì khách tham quan cũng đều đi dưới một rễ đa – tức là một rễ đa vắt chếch phía trên đầu. Rễ phụ, cành và thân đa tạo thành một cái khung tựa vòm cổng. Hai nhánh đường nhỏ, mỗi nhánh đi qua một vòm cổng tự nhiên do cây đa tạo thành. Chọn đúng khoảng cách và vị trí đứng thích hợp để ngắm, khách tham quan sẽ thấy cây đa có dáng vẻ rất đẹp. Nếu không có mấy rễ phụ to, cao, kéo nghiêng xuống thì cây đa sẽ không có được dáng vẻ đẹp rất lạ ấy.
Cây đa Kiên trì trong vườn Bác
Khi làm việc tại nhà sàn, Bác Hồ thường đi lại trên con đường có cây đa nói trên. Lúc đó cây đa chưa có rễ phụ to, cao, dáng đẹp như chúng ta thấy ngày nay và không phải ngẫu nhiên mà cây đa có được những rễ cây này.
Khoảng tháng 9-1965, anh em làm vườn thấy hai rễ đa nhỏ từ trên cành buông xuống lơ lửng cách mặt đường không xa. Vì lo hai rễ phụ này lớn dần thêm và dài xuống làm vướng lối đi lại của Bác, nên anh em phục vụ định cắt bỏ rễ đó đi. Biết được ý định đó, Bác không tán thành và gợi ý: Nên tìm cách kéo rễ đa xuống đất, nhưng sao cho rễ đa không vướng lối đi mà còn có thể tạo cho cây có một thế vững chắc và đẹp. Mặc dù anh em phục vụ đã hiểu được ý của Bác và không cắt bỏ hai cái rễ phụ nữa, nhưng vẫn chưa tìm được cách nào để thực hiện yêu cầu ấy.
Mấy ngày sau, Bác Hồ vẫn nhớ chuyện hai cái rễ đa và lại hỏi anh em phục vụ. Anh em thưa với Bác là chưa tìm được cách làm hợp lý và Bác đã bày cho mọi người cách làm như sau: Chẻ đôi một cây bương, đục rỗng những mấu bên trong, sau đó cho đất xốp vào lòng cây bương, ốp rễ đa vào giữa rồi dùng dây buộc chặt cây bương đó lại. Cây bương được chôn xuống đất và phải thường xuyên tưới nước để giữ độ ẩm cho rễ đa. Rễ đa nhờ có đủ độ ẩm sẽ phát triển nhanh. Khi rễ đa chạm đất, Bác nhắc anh em phục vụ vun đất cho rễ và tiếp tục chăm sóc. Làm theo cách Bác Hồ hướng dẫn, thời gian bén đất của rễ cây sẽ ngắn hơn, đồng thời hướng được rễ theo chiều ta muốn. Những rễ đa này sau khoảng ba năm (1965-1968) thì bén đất.
Khi hoàn thành công việc kéo rễ đa xuống đất, anh em phục vụ đến báo cáo kết quả với Bác, Bác vui vẻ nói: “Các chú thấy đấy, con người hoàn toàn có khả năng chinh phục và cải tạo được thiên nhiên, tuy công việc đó rất khó khăn, đòi hỏi sự kiên trì và quyết tâm cao”.
Sau này, cây đa lại có thêm hai rễ phụ nữa (hai rễ cách xa nhau chứ không xoắn chặt làm một) do các đồng chí phục vụ kéo thêm với phương pháp kể trên. Nhớ lời Bác nói khi hoàn thành công việc, anh em phục vụ đặt tên cho cây đa này là cây đa kiên trì, bởi làm cho rễ phụ của cây đa bén đất dù nhanh cũng phải cần thời gian tính bằng mấy năm, nhưng kiên trì thực hiện lời Bác dạy nhất định sẽ thành công.
Cây đa Kiên trì trong vườn Bác
Hy vọng, các trường học áp dụng những lời dạy của Bác Hồ năm xưa thì “Nỗi oan Hoa Phượng” sẽ được giải, cây Phượng vĩ sẽ mãi mãi xanh tươi, tỏa bóng mát sân trường. Và mỗi khi đến hè, tất cả mọi người, không kể già trẻ gái trai, lại được ngắm nhìn sắc hoa phượng vĩ đỏ thắm để tưởng nhớ lại những kỷ niệm lung linh, huyền ảo tuổi học trò…
Mời bạn đọc nghe ca khúc NỖI BUỒN HOA PHƯỢNG với sự thể hiện của ca sĩ Hoàng Châu
NỖI BUỒN HOA PHƯỢNG
Sáng tác: Thanh Sơn
Lời bài hát
Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn,
Chín mươi ngày qua chứa chan tình thương,
Ngày mai xa cách hai đứa hai nơi,
Phút gần gủi nhau mất rồi
Tạ từ là hết người ơi!
Tiếng ve nức nở buồn hơn tiếng lòng,
Biết ai còn nhớ đến ân tình không,
Đường xưa in bóng hai đứa nay đâu,
Những chiều hẹn nhau lúc đầu,
Giờ như nước trôi qua cầu.
Giã biệt bạn lòng ơi!
Thôi nay xa cách rồi.
Kỷ niệm mình xin nhớ mãi,
Buồn riêng một mình ai chờ mong từng đêm gối chiếc,
Mối u hoài này ai có haỵ
Nếu ai đã từng nhặt hoa thấy buồn,
Cảm thông được nỗi vắng xa người thương.
Màu hoa phượng thắm như máu con tim,
Mỗi lần hè thêm kỷ niệm,
Người xưa biết đâu mà tìm.
Thanh Sơn tên thật là Lê Văn Thiện, sinh ngày 1 tháng 5 năm 1938 tại Sóc Trăng; là con thứ mười trong một gia đình có 12 anh chị em. Gia đình ông từng che giấu cán bộ Việt Minh nên bị ruồng bố gắt gao, ông phải rày đây mai đó.
Năm 1963, Thanh Sơn cho ra đời nhạc phẩm Nỗi buồn hoa phượng, trở thành một trong những ca khúc nổi tiếng nhất viết về mùa hè và về tuổi học trò.
Từ 1973, nhạc của ông bắt đầu chuyển hướng sang đề tài quê hương. Những ca khúc mới mang âm hưởng dân ca của ông lập tức được công chúng đón nhận. Nhiều bài hát trong giai đoạn 1990 trở nên thịnh hành tới ngày nay như Hình bóng quê nhà, Hành trình trên đất phù sa, Bạc Liêu hoài cổ,…
Ngoài nhạc về miền Nam, ông còn viết một số bài ca ngợi các miền khác, như bài Non nước hữu tình (miền Bắc), Trở lại thành phố sương mù, Thương về cố đô, Đôi lời gửi Huế (miền Trung), Quê hương 3 miền (cả ba miền)…
Xin ngắm Chùm ảnh Hoa Phượng trên khắp mọi miền Tổ quốc
Hoa phượng sân trường
Và Hoa phượng ở khắp mọi nơi
Đại lộ Phạm Văn Đồng từ trung tâm Hải Phòng ra Đồ Sơn, tuổi trẻ nơi đây còn gọi là Đại Lộ Hoa Phượng Đỏ
Nhiều cây phượng vĩ trên 70 tuổi vẫn xum xuê tỏa bóng mát trên đường Nguyễn Đức Cảnh, ven hồ Tam Bạc, Hải Phòng
Hoàng Minh Tâm Giới thiệu
Nguồn: Google.Tiên lãng