Chuyên gia nhận định, “hiện tượng” đó xảy ra không nhiều, nhưng cũng là điều bình thường nếu Đại hội tiến hành đúng quy định.
Tỉnh Quảng Bình đang tiến hành Đại hội Đảng các cấp. Tuy nhiên, mới đây, liên tiếp 2 vụ việc bất ngờ “xảy ra” tại Đại hội đại biểu lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 phường Đồng Phú, thành phố Đồng Hới, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Đồng Phú được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ phường nhưng không trúng cử vào Ban Thường vụ Đảng ủy phường nhiệm kỳ 2020-2025; Còn tại Đại hội đại biểu lần thứ XXVI Đảng bộ xã Quảng Châu, huyện Quảng Trạch, nhiệm kỳ 2020-2025, Bí thư Đảng ủy xã được giới thiệu tái cử nhưng không trúng cử Ban Chấp hành Đảng bộ xã, nhiệm kỳ 2020-2025.
Đại hội đại biểu Đảng bộ phường Đồng Phú lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 (ảnh: Báo Quảng Bình)
“Hiện tượng” hiếm gặp nhưng cũng là điều bình thường
Nhận định về kết quả này, PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng – Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực IV, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng “hiện tượng” như vậy không nhiều, nhưng cũng là điều bình thường nếu Đại hội cơ sở ở những địa phương đó đã tiến hành đúng theo quy định của Đảng thì việc không trúng vào Ban Chấp hành Đảng bộ, Đảng ủy của một Bí thư xã và Chủ tịch phường cũng là điều bình thường, như vậy là họ không được tín nhiệm bởi đa số theo quy định và đương nhiên phải tôn trọng ý kiến của đại hội.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới kết quả này. Theo PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng, có thể do công tác tổ chức làm chưa tốt, việc lựa chọn cán bộ, thăm dò ý kiến ở cơ sở, đảng viên chưa được làm tốt, vì thế mà không giải quyết được những vấn đề về tư tưởng hoặc những vấn đề chưa được phát hiện. Cũng có thể lãnh đạo trong quá trình điều hành có những việc không đúng, chưa được góp ý; hay cũng có thể do tập thể ấy có “việc này, việc kia”.
PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng – Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực IV, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (Ảnh: Kim Anh)
“Kết quả ấy theo tôi cần đánh giá lại công tác tổ chức ở các đảng bộ đó. Dù có lý giải thế nào đi nữa thì việc một Bí thư, Chủ tịch không trúng vào Ban Chấp hành Đảng bộ xã, Đảng ủy phường thì công tác tổ chức của Đảng bộ ấy chưa hoàn thành tốt. Nếu hoàn thành tốt, thì các vị ấy đã không bị “đẩy” vào tình cảnh đó. Có thể công tác rà soát, đánh giá chưa hết cán bộ, nhìn không rộng, không thấu hoặc cũng có yếu tố bè phái nhưng nếu công tác tổ chức làm tốt thì tất cả những việc đó đều có thể giải quyết được. Khi chuẩn bị nhân sự phải có ý kiến cấp trên chỉ đạo”, vị Giám đốc Học viện Chính trị khu vực IV nêu quan điểm.
Bài học rút ra theo PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng nằm ở công tác tổ chức cán bộ, là quy trình 5 bước của công tác cán bộ theo quy định của trung ương, phải rà soát từ ý kiến của đảng viên, đặc biệt nếu là bí thư xã, phường phải chú ý cả vấn đề đơn thư… tất cả những vấn đề này cần phải được khảo sát rất kỹ. Nơi nào có dấu hiệu mất đoàn kết thì phải làm cho rõ vấn đề trước khi đưa ra đại hội. Làm như vậy mới đúng quy định của Đảng.
“Một yếu tố quan trọng nữa là việc tuân thủ các nguyên tắc của Đảng, thật sự dân chủ, rõ ràng, những vấn đề đảng viên nêu ra phải có kết luận, những gì là tin đồn, những gì có thật đều phải được công khai minh bạch. Với tinh thần đó chắc chắn đại hội sẽ đạt kết quả, bởi tôi tin đa số đảng viên vẫn là người tốt, họ nhìn thấy hết, ai có uy tín, ai có năng lực. Ý chí, nguyện vọng của đảng bộ thể hiện qua lá phiếu, nên chưa hẳn người tài có thể bị loại bỏ do đấu đá. Nhiều khi cũng phải “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, phải xem trách nhiệm của đảng viên, của người đứng đầu ở nhiệm kỳ vừa qua đã làm tốt chưa; liệu có sự chủ quan trong công tác tổ chức cán bộ hay không?”, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực IV nhận định.
Đảng viên không bầu theo dự kiến, một tín hiệu tốt?
Nêu quan điểm về tình trạng “hiếm gặp” ở Quảng Bình, Đại tá Nguyễn Tử Tuấn, cựu cán bộ Quân chủng Phòng không-Không quân, cho rằng, đây có thể là tin vui, song cũng có thể là tin buồn. Vui là kết quả đó có thể đã phản ánh trung thực “chất lượng” của 2 cán bộ trên, về mức độ tín nhiệm và tính chiến đấu trong tổ chức đảng. Buồn vì kết quả đó có thể là sản phẩm của đấu đá nội bộ và chất lượng đảng viên, tổ chức đảng thấp.
Ông Tuấn cho rằng, với kết quả đó cần phải nhìn nhận, đánh giá lại cấp ủy, đảng bộ ở đó đã chuẩn bị nhân sự ra sao. Đây là vấn đề không đơn giản. Nếu có yếu tố bè phái, mất đoàn kết thì cực kỳ phức tạp.
“Thường ở những nơi phe phái, nội bộ mất đoàn kết sâu sắc, người ta đấu đá nhau bằng lá phiếu. Những nơi như thế cấp trên khi chỉ đạo đại hội phải thật sự tinh tường mới nắm được diễn biến để có phương án xử lý. Nếu chủ quan thấy êm ru tưởng thế là ổn, là tốt, vào đại hội, đến lúc bỏ phiếu, phe nào mạnh phe ấy thắng, phe nào yếu là thất bại”, ông Tuấn nêu thêm.
Kết quả của 2 đại hội cấp cơ sở ở Quảng Bình sẽ là bài học kinh nghiệm cho công tác chỉ đạo đại hội các cấp khác ở tỉnh cũng như các địa phương khác. Địa phương nào đương nhiên cũng phải chấp hành Chỉ thị 35, trình tự chuẩn bị nhân sự theo 5 bước, nhưng thực chất tình hình của đảng bộ đó thế nào thì ra đại hội mới thấy được.
“Nếu cấp ủy ở đó chuẩn bị nhân sự thiếu chu đáo, còn nhiều sai sót, thì đảng viên thuộc đảng bộ đó họ bỏ phiếu như vậy lại là tốt, họ không theo kiểu dân chủ hình thức, bầu theo dự kiến. Theo tôi đó là biểu hiện tốt. Đảng bộ nào đảng viên có bản lĩnh, thấy người không đủ tiêu chuẩn, tư cách, tín nhiệm mà gạt ra dù cấp ủy đã dự kiến. Như vậy đại hội mới đạt chất lượng. Với kết quả đó, nếu những cán bộ không trúng cứ là người không đủ năng lực, tín nhiệm, thì cấp ủy ở đó chưa hoàn thành trách nhiệm về công tác nhân sự”, ông Tuấn nêu thêm./.
Nguồn: VOV.vn