Vào ngày 29/6 vừa qua, Liên Hợp quốc công bố bức thư của hai báo cáo viên đặc biệt của tổ chức này phản ánh sai lệch về tình hình tôn giáo tại Việt Nam, trong đó có nhiều nội dung vu cáo chính quyền Việt Nam đàn áp tôn giáo, cản trở quyền tự do tôn giáo của một số cá nhân.
Trong bức thư của hai vị báo cáo viên này có nêu vấn đề đàn áp tôn giáo, yêu cầu Việt Nam trả lời liên quan đến sự việc: “hăm doạ, sách nhiễu, cấm xuất cảnh, theo dõi và sử dụng bạo lực đối với các cộng đồng tôn giáo độc lập và những người bảo vệ nhân quyền vì họ tìm cách tham gia hoặc đã tham gia hội nghị quốc tế về tự do tôn giáo hay niềm tin khu vực Đông Nam Á năm 2019, diễn ra tại Bangkok (Thái Lan)”.
Hai báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp quốc là Báo cáo viên Đặc biệt về tự do tôn giáo hay niềm tin và Báo cáo viên Đặc biệt về tình trạng của những người bảo vệ nhân quyền. Việc hai báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc đưa ra câu hỏi nghi vấn trên xuất phát từ cách tiếp cận thông tin phiến diện một chiều, chỉ nhìn vào hoạt động cấm xuất cảnh của Việt Nam mà không chú ý đến những người bị cấm xuất cảnh là ai và vì sao họ bị cấm xuất cảnh để tham dự hội nghị về tự do tôn giáo.
Những kẻ bị các cơ quan chức năng Việt Nam không cho xuất cảnh chính là các đối tượng lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật, chống chính quyền, phá hoại đất nước. Hầu hết các đối tượng này đều có hành vi tuyên truyền thông tin sai lệch, bịa đặt các vụ việc đàn áp tôn giáo gây hoang mang dư luận, khiến thế giới hiểu nhầm về tình hình tôn giáo tại Việt Nam. Việc cấm xuất cảnh với những đối tượng như này là điều cần thiết để ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật.
Việt Nam luôn là quốc gia đi đầu trong quá trình cam kết và thực thi các quyền tự do của cá nhân trong đó có quyền tự do tôn giáo. Quốc hội Việt Nam đã ban hành đạo luật riêng để điều chỉnh lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, theo đó luôn tạo điều kiện tốt nhất để mọi người thực hiện tốt nhất quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo nhưng đồng thời xử lý nghiêm những kẻ lợi dụng quyền tự do này để vi phạm pháp luật như xâm phạm lợi ích của Nhà nước hay quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Do đó, hai báo cáo viên của Liên Hợp quốc đã hiểu sai lệch về hành động của Việt Nam đối với những cá nhân tham dự hội nghị về tự do tôn giáo.
Công Lý
Nguồn: Nhân quyền Việt Nam