Trang chủ Chính trị Tại sao Việt Nam chỉ mãi “quan ngại” với Trung Quốc?

Tại sao Việt Nam chỉ mãi “quan ngại” với Trung Quốc?

187
0

Gần đây, tin tức nóng hổi nhất là về các cuộc đụng độ giữa Trung Quốc và Ấn Độ tại biên giới, khiến cho hàng chục người thiệt mạng. Truyền thông và người dân Ấn Độ đã thực sự phẫn nộ, các cuộc tẩy chay, đốt phá hàng Trung Quốc diễn ra khắp nơi. Thậm chí những người dân Trung Quốc vô tội đang sống và làm việc tại Ấn Độ cũng có thể gặp nguy hiểm.

Chưa bao giờ tình hình giữa 2 đất nước đông dân nhất thế giới lại nóng như vậy. Nhưng nhìn lại cuộc chiến này, Ấn Độ đang chính thức tự đẩy mình vào thế thua cuộc.

Tại sao Việt Nam chỉ mãi “quan ngại” với Trung Quốc?

Thời đại của chiến tranh kinh tế chứ không phải chiến tranh quân sự

Hiện tại, chúng ta đang sống ở thế kỷ thứ 21, thời khắc có thể nói là văn minh nhất trong lịch sử nhân loại. Các cuộc chiến tranh thế giới đã thành dĩ vãng và trôi qua từ hàng chục năm trước. Hầu hết mọi đất nước đều được sống trong hòa bình và ổn định, hiếm thấy cái cảnh nước này đi xâm lược nước nọ để bành trướng chủ nghĩa thuộc địa.

Thời đại này, không còn hơn thua nhau về thực lực quân sự nữa, mà phải về kinh tế.

Thật vậy, hãy nhìn Triều Tiên, một đất nước thuộc top đầu về sức mạnh quân sự trên thế giới bạn sẽ hiểu cái giá phải trả cho quân sự không hề rẻ. Triều Tiên đã sử dụng khoảng 1/4 khoản thu từ các hoạt động kinh tế cho chi tiêu quốc phòng, đầu tư quá nhiều cho lĩnh vực quân sự, đặc biệt là cho phát triển hạt nhân và tên lửa. Vậy hậu quả của việc này là gì? Dĩ nhiên là đời sống người dân sẽ khó khăn, đất nước sẽ bị chậm phát triển lại.

Mặc dù cơ sở hạ tầng của Triều Tiên không hề lạc hậu như báo chí phương Tây đưa tin, họ cũng có tàu điện ngầm, từ mấy chục năm trước, đường phố rộng rãi, khang trang với rất nhiều tòa nhà cao tầng hoành tráng. Nhưng GDP bình quân đầu người của Triều Tiên chỉ là 1.800 USD, quá thấp so với hàng xóm Hàn Quốc là 32.400 USD.

Vì vậy nếu là người dân, bạn muốn tiền thuế của mình được Nhà nước sử dụng vào việc phát triển nền kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống hay đổ hết vào súng ống đạn dược vô tri?

Tại sao Việt Nam chỉ mãi “quan ngại” với Trung Quốc?
Ông Kim Jong-un kiểm tra vũ khí, khí tài do Triều Tiên chế tạo

Ví dụ mạnh mẽ nhất về việc các nước lo lắng cho kinh tế hơn cả quân sự là về cuộc chiến thương mại gần đây giữa Mỹ và Trung Quốc. Thật vậy, chỉ cần thay đổi một vài đạo luật mà Tổng thống Donald Trump cũng khiến nền kinh tế Trung Quốc đã có lúc rơi vào khủng hoảng, làm đất nước tỷ dân phải nhìn nhận lại sức mạnh thực sự của mình trên thương trường quốc tế. Không súng đạn, không đổ máu nhưng Tổng thống Trump đã “đánh” Trung Quốc một “cú” đau như trời giáng.

Thắng thua đã được định đoạt kể cả khi chiến tranh không nổ ra.

Hiện tại bên phía Ấn Độ, người dân đang biểu tình mạnh mẽ, đốt phá đồ Trung Quốc, gây sức ép lên các công ty Trung Quốc, yêu cầu họ phải rút khỏi nước này. Vậy ai mới là người thiệt hại thực sự đây?

Dĩ nhiên chính là người dân Ấn Độ.

Đi biểu tình là coi như một hình thức đình công rồi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, khiến giao thông bị ách tắc, tâm lý bất an. Ngoài hậu quả trực tiếp về tiền, thì gián tiếp sẽ khiến các hoạt động đầu tư từ nước ngoài bị đổ vỡ, liệu có ai dám đầu tư vào một đất nước đang bất ổn? Người dân chỉ mải đi kích động bạo lực?

Đừng quên năm 2014, ngay tại Việt Nam, những kẻ nhân danh chống phá Trung Quốc nhưng lại đốt phá các công ty đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản. Hàng nghìn tỷ đồng đã bay đi mà không lấy lại được! Rồi 2018, lại một nhóm người quá khích đốt cháy các sơ sở hành chính của Bình Thuận, coi như hàng trăm tỷ đồng cũng bị “hóa vàng” mất luôn.

Tại sao Việt Nam chỉ mãi “quan ngại” với Trung Quốc?
Người dân Ấn Độ phẫn nộ, các cuộc tẩy chay, đốt phá hàng Trung Quốc diễn ra khắp nơi

Có thể thấy, Trung Quốc chưa thấy hề hấn gì nhưng chúng ta đã thực sự thiệt hại tiền bạc vì tư duy ấu trĩ và hiếu chiến của một bộ phận người dân “yêu nước nửa mùa”.

Trở lại tình hình bên Ấn Độ, khá hài hước nhưng các công ty Trung Quốc lại đang bán sang Ấn các sản phẩm như áo thun, mũ, băng rôn… với nội dung “bài trừ Trung Quốc”? Hành động tưởng như “phản quốc” từ các công ty Trung Quốc nhưng thực chất lại mang về lợi ích kinh tế khổng lồ. Một bên thì ngày càng suy giảm nền kinh tế, một bên lại làm giàu từ chính sự khủng hoảng đó. Thế mới biết ai là người chiến thắng ngay cả khi chiến tranh chưa bắt đầu.

Vị thế và cách làm của Việt Nam là đúng đắn!

Chúng ta đang bị chèn ép ở biển Đông, đây là sự thật không thể chối cãi cho hành vi vô lý của phía Trung Quốc, nhưng đời là vậy mà bạn! Mạnh được yếu thua, cá lớn bắt nạt cá bé thì ở đâu mà chẳng có. Ngay trong trường học, công sở mà bạn tiếp xúc hàng ngày thì chuyện này cũng xảy ra thường xuyên, đến mức chúng ta phải chấp nhận sống chung với nó.

Nếu một đứa lớp 5 gây hấn với đứa lớp 1 thì bạn có khuyên bạn lớp 1 “huyết chiến” với bạn to béo cục súc kia không? Thắng bại chắc chắn đã rõ phải không nào? Rồi sau khi đánh nhau bạn lớp 5 cùng lắm chỉ bị kỷ luật nhưng bạn lớp 1 thì sẽ chấn thương cả về tâm lý lẫn thể xác. Có thể sẽ ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển sau này.

Chúng ta cũng như cậu học trò lớp 1 đó vậy! Việt Nam không nên so sánh với Trung Quốc về tiềm lực kinh tế, quân sự hay số dân. Đó là một việc vô cùng khập khiễng. Mặc dù chúng ta có một lịch sử hào hùng, nhưng sử dụng bề dày lịch sử đó không khiến bạn có cơm ăn, áo mặc. Nó chỉ mang giá trị về tinh thần mà thôi.

Nhưng chính lịch sử đã dạy cho chúng ta một bài học không thể nào quên, khi chúng ta đã vô cùng kiên cường trước sự xâm lược của Trung Quốc, cho dù gã láng giềng có đô hộ ta 1.000 năm nhưng dân tộc Việt Nam vẫn tồn tại cho đến ngày nay, mạnh mẽ và kiêu hùng sánh vai cả với cường quốc năm châu, nổi tiếng trên toàn thế giới.

Tại sao Việt Nam chỉ mãi “quan ngại” với Trung Quốc?
Cận cảnh chân đế giàn khoan 14.000 tấn mà Việt Nam hạ đặt thành công tại thềm lục địa phía Nam tổ quốc. Cột mốc hiên ngang trên biển của Việt Nam.

Vì vậy cho dù Trung Quốc có động thái gây hấn căng thẳng hơn nữa thì mong lớp trẻ đừng lên mạng cào phím đòi “bắn nhau” hay tẩy chay hàng Trung Quốc? Việc của các bạn không phải là cầm súng hay kích động chiến tranh kinh tế, mà hãy tập trung học, chỉ có học mới khiến nước ta thoát cảnh khó khăn, thay đổi đời sống, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế mà thôi.

Hiện tại nền kinh tế của nước ta đang phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc, kể cả xuất khẩu lẫn nhập khẩu, đây không phải là một dạng “ăn bám quốc mẫu” như thành phần phản động nhận định, mà chúng ta đang “tận dụng triệt để” mọi nguồn lực để phục hồi nền kinh tế sau chiến tranh. Bằng chứng là Việt Nam sau khi “đủ lông đủ cánh” đã bắt đầu giảm lệ thuộc vào Trung Quốc bằng cách ký kết Hiệp định tự do thương mại (EVFTA) với Liên minh châu Âu vào những tháng đầu năm 2020.

Vì vậy việc ứng phó với Trung Quốc cứ để Nhà nước lo, các bạn đừng núp sau bàn phím thể hiện khả năng thao lược quân sự và kỹ năng đối ngoại nữa. Nếu chúng ta cứ mãi “quan ngại” Trung Quốc mà không đáp trả thì cũng là việc đúng đắn nên làm.

Và khi hiểu chuyện hơn, các bạn sẽ tự biết rằng: Đối ngoại là thế, nhưng Việt Nam không hề sợ hãi Trung Quốc ngoài biển Đông, chúng ta đã và đang đổ rất nhiều xương máu ngoài đảo xa để giữ gìn bờ cõi của dân tộc. Chỉ là các thông tin này không công khai trên truyền thông mà thôi!

Nếu muốn đóng góp cho đất nước thì các bạn chỉ cần chung tay lên án một cách văn minh về hành động của Trung Quốc ngoài biển Đông và vụ việc đường lưỡi bò là đủ. Chứ đừng như Ấn Độ bây giờ!

Vân Phong

(Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả)


Nguồn: Cánh cò

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây