Mới đây, ngày 22/6/2020, luật sư Nguyễn Văn Miếng nói với Đài Á châu tự do (RFA tiếng Việt) rằng, đã nhận được bản Cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Lâm Đồng đề ngày 7 tháng 5 truy tố Nguyễn Quốc Đức Vượng về tội danh “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” quy định tại khoản 1, Điều 117 Bộ luật Hình sự 2015; và đánh giá “bản Cáo trạng đối với Nguyễn Quốc Đức Vượng là nghèo nàn”.
Luật sư Miếng nhận xét về bản Cáo trạng này như sau: “Khi mà tôi gặp Vượng tôi chỉ có có một bản cáo trạng thôi, do Viện kiểm sát cấp cho tôi dài 4 trang.
Tôi có trao đổi với Vượng về bản cáo trạng đó thì theo đánh giá của tôi đó là một bản cáo trạng rất là nghèo nàn, bởi vì bút lục đánh khoảng 2.000 bút lục, tuy nhiên họ chỉ viết được cái bản cáo trạng có 4 trang.
Trong bốn Trang đó thì không có một dấu hiệu gì nghiêm trọng đối với một người viết Facebook”.
Cần phải nói với luật sư Miếng thế này, những nội dung của bản cáo trạng phải theo quy định của pháp luật, mà cụ thể ở đây là quy định tại Điều 243 Bộ luật tố tụng hình sự 2015. Theo đó: Viện kiểm sát quyết định truy tố bị can trước Tòa án bằng bản cáo trạng.
Bản cáo trạng ghi rõ diễn biến hành vi phạm tội; những chứng cứ xác định hành vi phạm tội của bị can, thủ đoạn, động cơ, mục đích phạm tội, tính chất, mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra; việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế; những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, đặc điểm nhân thân của bị can; việc thu giữ, tạm giữ tài liệu, đồ vật và việc xử lý vật chứng; nguyên nhân và điều kiện dẫn đến hành vi phạm tội và tình tiết khác có ý nghĩa đối với vụ án.
Phần kết luận của bản cáo trạng ghi rõ tội danh và điều, khoản, điểm của Bộ luật hình sự được áp dụng.
Bản cáo trạng phải ghi rõ ngày, tháng, năm ra cáo trạng; họ tên, chức vụ và chữ ký của người ra bản cáo trạng.
Như vậy, bản cáo trạng là văn bản của viện kiểm sát mà nội dung là những căn cứ để truy tố bị can trước tòa án và nó phải tuân theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, chứ nó không phải là chuyện “nghèo nàn” hay “phong phú” như cách luật sư Miếng nhận xét.
Cũng cần nói thêm rằng, với những tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Lâm Đồng hoàn toàn có đủ căn cứ truy tố Nguyễn Quốc Đức Vượng về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” quy định tại khoản 1, Điều 117 Bộ luật Hình sự 2015.
Cáo trạng viết rõ “với ý thức chống đối, tư tưởng bất mãn với chế độ, Nguyễn Quốc Đức Vượng đã sử dụng mạng xã hội để đăng tải, phát tán 98 video livestream (phát trực tiếp) thời lượng tương đương 110 giờ phát sóng và 366 bài viết trên trang facebook cá nhân “Vượng Nguyễn” có nội dung thể hiện quan điểm, ý thức xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, nói xấu chế độ xã hội chủ nghĩa.”
Đồng thời cáo trạng cũng xác định Vượng “đả kích các chủ trương, chính sách của đảng và Nhà nước trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, có nhiều lời lẽ xúc phạm tới lãnh tụ Hồ Chí Minh, lãnh đạo cấp cao của đảng và Nhà nước và mong muốn thay đổi thể chế Nhà nước hiện nay, xóa bỏ sự lãnh đạo của đảng Cộng sản Việt Nam.”
Vẫn biết, với tư cách là một luật sư tham gia bào chữa trong vụ án thì Nguyễn Văn Miếng phải có nghĩa vụ bảo vệ cho thân chủ của mình nhưng nhìn cái cách mà luật sư Nguyễn Văn Miếng đang tìm cách bảo vệ cho Nguyễn Quốc Đức Vượng thì đúng là chuyện nực cười./.
Đắc Chí
Nguồn: Việt Nam mới