Ngày 25/6, ông Đinh Văn Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Thủy, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, cho biết qua quá trình khảo sát, các cơ quan chuyên môn khảo cổ học đã phát hiện 4 điểm nghi có mộ gạch tại khuôn viên Trường Tiểu học xã Gia Thủy.
Do các điểm này nằm trong khuôn viên trường học nên chỉ mới có 1 điểm được khai quật, 3 điểm còn lại sẽ tiếp tục được khai quật vào giữa tháng 7, khi học sinh nghỉ Hè.
Trước đó, trong quá trình đào móng xây dựng thêm phòng học trong khuôn viên Trường Tiểu học xã Gia Thủy, đơn vị thi công đã phát hiện một kiến trúc gạch cổ nghi là mộ. Sau khi có Quyết định “khai quật khảo cổ khẩn cấp” của Sở Văn hóa và Thể thao, Bảo tàng tỉnh Ninh Bình đã chủ trì cùng Viện Khảo cổ học, Viện Sử học tiến hành khai quật. Các cơ quan chuyên môn khảo cổ học còn phát hiện thêm 3 điểm nghi có mộ gạch khác cũng nằm trong khuôn viên của trường.
Quá trình khai quật đã làm xuất lộ hoàn toàn phần quách gạch của ngôi mộ. Mộ gạch có kiến trúc hình chữ nhật, mái cuốn vòm, hướng mộ Bắc – Nam, với chiều dài 7,4m; chiều rộng 2,15m; tường rộng 0,58m xây hai hàng gạch. Tổng thể mộ có mặt bằng dốc từ cuối mộ ra đến cửa mộ. Về kỹ thuật xây dựng thì người xưa xếp gạch theo dạng bên dưới hình chữ nhật, bên trên cuốn vòm. Đồ tùy táng thu được bao gồm: chậu đồng, đĩa đất nung, vò gốm men xương, gương đồng và các hạt chuỗi bằng vàng và đá ngọc màu xanh. Trong đó, đáng chú ý nhất là chiếc gương đồng với mặt sau được trang trí bằng 3 con thú mang truyền thống văn hóa Trung Hoa nhưng lại xen lẫn một con vật giống chim Lạc trên trống đồng của người Lạc Việt.
Ông Nguyễn Xuân Khang, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Ninh Bình, cho biết, sau khi khai quật, các cơ quan chuyên môn bước đầu xác định, dựa vào cấu trúc ngôi mộ và đồ tùy táng thì mộ có niên đại thế kỷ III sau công nguyên. Đặc biệt, hình dạng ngôi mộ đã cung cấp thêm những thông số kỹ thuật đáng tin cậy làm cơ sở cho việc nghiên cứu và đối sánh về loại hình di tích này. Khu mộ gạch tại Trường Tiểu học Gia Thủy cũng là minh chứng cho sự tồn tại và phát triển lâu đời của vùng đất nơi đây. Tư liệu của khu mộ này giúp các nhà nghiên cứu có thêm tư liệu để nghiên cứu kỹ hơn về mộ gạch ở Ninh Bình nói riêng và Việt Nam nói chung.
Đoàn khai quật đề xuất phương án sẽ di dời toàn bộ ngôi mộ về Bảo tàng tỉnh Ninh Bình và lắp ghép lại làm thành nơi trưng bày riêng.
Nguồn: Báo Tin tức