Trang chủ Đấu trường dân chủ Chiêu trò giả tiếng, giả giọng tạo tin giả

Chiêu trò giả tiếng, giả giọng tạo tin giả

185
0

Công nghệ đang bị nhiều người lạm dụng vào việc tiêu cực như phát tán tin rác, tạo thông tin giả. Nhiều người làm nội dung độc hại trên mạng để đánh lừa người xem.

Giả tiếng, giả hình, họ cắt ghép tạo hình ảnh người giả y như thật để tạo ra tin tức giả, nhiều người nổi tiếng đã là nạn nhân. Và nguy hại hơn nếu họ cắt ghép với hình ảnh những chính trị gia, người có uy tín cộng đồng để tạo dư luận giả.

Chiêu trò giả tiếng, giả giọng tạo tin giả

Một kênh YouTube từ nước ngoài ngụy tạo hình ảnh người dẫn chương trình người Việt Nam – Ảnh: K.N.

Giả giọng

Tôi và nhiều bạn bè từng bị phiền vì công nghệ TTP (công cụ chuyển văn bản thành tiếng nói – text to speech) bị lạm dụng. Nhiều doanh nghiệp và cá nhân đang sử dụng công nghệ TTP cho mục đích quảng cáo dịch vụ, sản phẩm. Người dùng điện thoại phát bực vì những quảng cáo nhà đất, dịch vụ mạng, sim số đẹp bủa vây hằng ngày.

Người ta tạo ra các cuộc gọi tự động với giọng robot thu sẵn không cần người đáp miễn sao có người nghe. Cách làm này đỡ tốn chi phí, nhân viên cũng tránh bị… chửi khi làm phiền người khác. Và mọi người đang phải chịu đựng kiểu quảng cáo này.

Từ nhiều năm trước đã có những người sử dụng công nghệ này để thay họ đọc thông tin, tin tức do họ “xào nấu” ra. Hiện nhiều người đang dùng công nghệ này cho các chương trình trên YouTube. Công nghệ tốt lại được sử dụng cho mục đích không tốt, người ta đang bắt công nghệ đọc thay người những thông tin sai trái, lắp ghép.

Không phải người nghe nào (nhất là người dân nông thôn, ít tiếp xúc công nghệ) cũng có thể nhận ra đây là những tin tức do máy đọc. Người dùng công nghệ TTP thường sử dụng tiếng nói của người nổi tiếng để tạo âm thanh tái tạo. Và những người nghe có thể tin là thật khi nghe giọng đọc giống những người thật họ rất tin tưởng ngoài đời.

Clip giả như thật

Một lần tôi tình cờ xem một tin tức trên YouTube và bất ngờ khi trước mắt mình là hình ảnh một nữ phát thanh viên của một đài truyền hình ở ĐBSCL xuất hiện phát biểu nội dung lệch lạc. Định thần lại thì nhận ra tiếng nói không phải của người trong hình. Hóa ra đây là clip cắt ghép, người ta có thể làm giống đến vậy.

Họ đã làm những tin giả kiểu này từ lâu và cắt ghép hình ảnh nhiều người dẫn chương trình lồng vào dẫn bản tin họ đưa. Clip giả nhưng có người dẫn chương trình sống động như thật. Không phải ai cũng biết đây là clip giả nên lượng người đăng ký kênh này lúc đó đến gần 20.000, hàng triệu lượt xem. May mắn là kênh này sau đó đã bị xóa do bị báo cáo nội dung lừa gạt, giả mạo.

Có những người tạo ra video clip tin tức đã dùng hình ảnh (động và tĩnh) của những người dẫn chương trình tại Việt Nam lồng ghép vào. Loại hình ảnh giả này “buộc” người xem nghĩ đó là những thông tin thật vì có hình ảnh quen mặt của người dẫn chương trình truyền hình trong nước.

Khi người ảo giống người thật

Công nghệ làm giả tin tức càng nguy hiểm nếu ai cũng dễ dàng tạo được một người ảo giống người thật bên ngoài. Từ lâu nhiều trang web tại nước ngoài đã triển khai dịch vụ tạo ra người thuyết trình sản phẩm, sự kiện. Hiện có cả người ảo 3D để dùng miễn phí trước khi đăng ký chính thức.

Đó là những người dẫn chương trình, diễn viên, ca sĩ, thậm chí nhiều chính trị gia nổi tiếng trên thế giới. Kho ứng dụng có sẵn hàng chục thứ tiếng phổ biến trên thế giới để áp dụng. Con người chỉ cần đánh chữ vào để robot phát ngôn thông qua mấp máy môi. Kèm theo đó là kho ứng dụng cảm xúc trên khuôn mặt (buồn, vui, giận, suy nghĩ…) cho biểu cảm phù hợp và hình nền để lựa chọn cho bối cảnh.

Thử hỏi nguy hiểm cỡ nào khi những người ảo này bị “điều khiển” để nói những điều, làm những hành động bất thường ảnh hưởng đến cuộc sống ngoài đời của người thật và ảnh hưởng đến cộng đồng? Công nghệ làm người ảo ngày càng giống người thật, không dễ nhận ra.

Ai cũng có thể có nguy cơ thành nạn nhân khi công nghệ bị lạm dụng. Khi hình ảnh giả đi kèm với ý đồ đưa tin tức giật gân, giả tạo, người xem càng dễ bị dẫn dắt vào những thông tin giả tạo trên mạng. Nhiều người không có ý đồ xấu, chỉ muốn thể hiện trình độ dùng công nghệ của mình cũng có thể tạo ra rất nhiều kiểu tin giả đánh lừa người xem trên mạng.

Mấy ngày nay trên mạng rộ lên việc dùng app để thay đổi khuôn mặt, hình dáng và cả giới tính của mình rồi chia sẻ như một cách giải trí. Mặt trái của việc này có thể mang đến những rủi ro không nhỏ cho người vô tư chia sẻ hình ảnh của mình trên không gian mạng.

Các dịch vụ đều có điều khoản sử dụng nhưng ý thức, lương tâm của con người là điều quyết định hành động đúng. Pháp lý có thể mang ý nghĩa là để giải quyết hậu quả của hành động sai, để không tiếp tục chứ không phải ngăn hoàn toàn một hành động có thể xảy ra bởi quá dễ dàng để sử dụng.

Có thể nhận thấy người nổi tiếng là những nạn nhân trước tiên, nhưng ai cũng có thể là nạn nhân.

Khôi Nguyên (Tuổi trẻ)

Nguồn: Đấu trường Dân chủ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây