Ngày 23-6, một lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi xác nhận ông Lê Viết Chữ – Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi – và ông Trần Ngọc Căng – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi – đã có đơn gửi Bộ Chính trị và Ban Bí thư xin thôi giữ chức vụ.
Hiện đơn xin thôi chức của hai ông đang chờ Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét theo thẩm quyền.
Để kiện toàn nhân sự
“Đồng chí Lê Viết Chữ có đơn xin thôi giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy, còn đồng chí Trần Ngọc Căng có đơn xin nghỉ trước tuổi (sẽ nghỉ hưu vào tháng 9-2020). Việc này xuất phát từ nguyện vọng cá nhân của 2 đồng chí nhằm tạo điều kiện để kiện toàn công tác nhân sự cho Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi nhiệm kỳ 2020-2025, dự kiến được tổ chức cuối năm nay” – lãnh đạo nói trên thông tin.
Ông Lê Viết Chữ (57 tuổi; quê huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) trước khi giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi nhiệm kỳ 2015-2020 từng giữ chức Chủ tịch UBND, Chủ tịch HĐND và Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Ngãi.
Ông Trần Ngọc Căng (60 tuổi, quê huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi) từng giữ chức Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh. Từ năm 2015 đến nay, ông giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi.
Phóng viên Báo Người Lao Động đã liên lạc với Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND nhưng đều không có hồi âm. Qua tin nhắn điện thoại, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng xác nhận “đã có đơn xin nghỉ”.
Ông Phạm Đình Khối, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, nhận định: “Những lãnh đạo chủ chốt có sai phạm thì không thể giữ vai trò chủ chốt chỉ đạo Đại hội Đảng bộ tỉnh sắp tới được. Việc các anh ấy xin thôi chức là hợp lý, để tổ chức bố trí người khác thay thế”.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Vũ Quốc Hùng cho rằng khi đã không còn đủ uy tín, phẩm chất, để xảy ra nhiều vi phạm mà Bộ Chính trị đã chỉ rõ và thi hành kỷ luật thì ông Căng, ông Chữ xin thôi chức là việc nên làm. Bởi cán bộ chủ chốt của một tỉnh không thể là những cá nhân có vi phạm nghiêm trọng. Không riêng 2 trường hợp ở tỉnh Quảng Ngãi, ông Hùng khẳng định những cán bộ nào dính sai phạm, không còn đủ uy tín cũng cần tự rút lui để cho những người xứng đáng hơn đảm đương công việc.
Cũng theo ông Vũ Quốc Hùng, một địa phương mà có tới 2 vị lãnh đạo chủ chốt bị kỷ luật, sau đó phải xin thôi chức thì rất đau xót. Nếu địa phương làm tốt công tác phê bình, tự phê bình, kiểm tra giám sát tốt, nâng cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu thì đã không xảy ra những việc đáng tiếc. “Đây là bài học sâu sắc, cần phải được xem xét để chỉ rõ các nguyên nhân, lỗ hổng trong công tác cán bộ” – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhấn mạnh.
Xin nghỉ “như chạy tội”?
Trong khi đó, nguyên một lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi thẳng thừng cho rằng việc ông Lê Viết Chữ và Trần Ngọc Căng viết đơn xin nghỉ “như chạy tội”!
“Hai đồng chí này viết đơn xin thôi chức là phương án tốt nhất hiện nay… Hiện ở tỉnh Quảng Ngãi, 2 đồng chí không còn đủ tín nhiệm để làm việc. Rất nhiều cán bộ hưu trí tại Quảng Ngãi thời gian qua không đồng ý cho phép 2 đồng chí này chủ trì bất kỳ một sự kiện nào mà có các đồng chí hưu trí được mời… Cho nên, 2 đồng chí ở thế không thể làm việc được, viết đơn như “chạy tội”. Bởi không viết đơn, như đồng chí Chữ, chưa chắc được Bộ Chính trị để nguyên chức” – vị này nói.
Trước đó, hôm 16-6, Bộ Chính trị đã thi hành kỷ luật ông Lê Viết Chữ bằng hình thức “Cảnh cáo”. Theo Bộ Chính trị, với cương vị là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, ông Chữ chịu trách nhiệm chính về vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy các nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020 và của Ban Cán sự Đảng, UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016 trong việc cho chủ trương, quyết định điều động, bổ nhiệm, luân chuyển và giới thiệu cán bộ ứng cử, cử cán bộ, công chức, sinh viên tốt nghiệp đại học của tỉnh đi công tác, học tập ở nước ngoài không đúng tiêu chuẩn; chủ trương đầu tư một số dự án lớn từ nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước, cho thuê đất và giao đất cho doanh nghiệp không qua đấu giá quyền sử dụng đất.
Ngoài ra, ông Chữ đã ký văn bản về chủ trương bổ sung dự án vào danh mục dự án đầu tư công trung hạn để hỗ trợ dự án đầu tư của doanh nghiệp; chủ trương tăng vốn điều lệ, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tạm ứng trước ngân sách nhà nước để thực hiện dự án; ký văn bản và trực tiếp chỉ đạo giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp không đúng thẩm quyền Ban Thường vụ, Thường trực, bí thư Tỉnh ủy.
Còn ông Trần Ngọc Căng đã bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức “Cảnh cáo” vì đã có nhiều vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác quản lý, sử dụng đất đai, tài chính ngân sách, dự án đầu tư và công tác cán bộ.
Tử Trực – Minh Chiến/NLD
Nguồn: Cánh cò