Trưởng ban Kinh tế Trung ương mong muốn tỉnh Hà Giang trở thành nơi đáng sống, để người dân luôn cảm thấy yêu quý, gắn bó với vùng quê của mình.
Trong 2 ngày 23 và 24/6, ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, có chuyến công tác tại tỉnh Hà Giang về thực hiện Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị và góp ý Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương ghi nhận, đánh giá cao Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm Chỉ thị số 35 để đạt được kết quả hết sức vững chắc.
Gặp nhiều khó khăn do dịch Covid 19 và với đặc thù địa bàn hiểm trở nhưng Hà Giang đã sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin tổ chức đại hội điểm trực tuyến các cấp, sử dụng phần mềm trong kiểm phiếu bầu cử góp phần bảo đảm an toàn, tiết kiệm, nâng cao chất lượng tổ chức đại hội Đảng các cấp.
Ông Nguyễn Văn Bình đề nghị tỉnh cần đặc biệt quan tâm vấn đề an ninh quốc phòng và đối ngoại, vấn đề văn hóa, dân tộc và tôn giáo nhằm đảm bảo đời sống tinh thần, xây dựng sự đoàn kết, thống nhất chung trong toàn tỉnh.
“Hà Giang cần phấn đấu trở thành nơi đáng sống, đem lại sự ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, để người dân cảm thấy yêu quý và gắn bó với vùng quê của mình”, ông Bình nói.
Bên cạnh đó, tỉnh cần lưu ý bảo vệ hệ sinh thái không chỉ cho các thế hệ mai sau của Hà Giang mà còn cho đất nước; phát triển rừng và kinh tế rừng; nghiên cứu các giải pháp ưu đãi đặc biệt về thuế, đất đai để thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với các đặc sản có giá trị cao của Hà Giang.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương cũng mong muốn tỉnh Hà Giang phát triển hệ thống hạ tầng giao thông hơn nữa, thực hiện tốt chương trình xóa đói giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới.
Ông Nguyễn Văn Bình đề nghị báo cáo chính trị của tỉnh cần có tầm nhìn, đặt trong bối cảnh có luật quy hoạch, bám sát với báo cáo chính trị đại hội Đảng XIII và tinh thần của Chỉ thị 35.
Tỉnh Hà Giang cần nghiên cứu thêm Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, dự thảo Nghị quyết về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung Du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Sơn Hà/ZN
Nguồn: Cánh cò