Quốc hội đã dành 2 ngày để thảo luận về tình hình kinh tế, xã hội, ngân sách, trong đó, bàn các giải pháp phục hồi kinh tế “hậu Covid-19”.
Đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ
Theo Báo cáo của Chính phủ, quy mô thu ngân sách ngày càng mở rộng. Năm 2019 tăng 1,81 lần so với năm 2014, tính chung quy mô thu ngân sách nhà nước 5 năm giai đoạn 2015-2019 gấp 1,82 lần giai đoạn 2010-2014. Tổng thu ngân sách nhà nước bình quân đạt 24,9% GDP, vượt so với mục tiêu giai đoạn này là 23,5%. Thu ngân sách năm sau luôn cao hơn năm trước. Bình quân tăng khoảng 8,3%/năm và các năm đều vượt dự toán với giá trị lớn đã góp phần tăng thêm nguồn lực tài chính.
Cơ cấu thu ngân sách vẫn tiếp tục chuyển biến theo chiều hướng tích cực, tăng tính bền vững. Tỷ trọng thu nội địa tăng từ 68% bình quân giai đoạn 2011-2015 lên 82% năm 2019, giảm tỷ trọng thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu, dầu thô. Chi tiêu ngân sách nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm hơn nhiều năm thấp hơn dự toán, cơ cấu chi tích cực. Giai đoạn 2016-2019, chi đầu tư phát triển chiếm khoảng 26,8% tổng chi ngân sách nhà nước, mục tiêu đề ra là từ 25 – 26%. Năm 2019 chi đầu tư đạt khoảng 29,2%.
Kết quả thực hiện tiết kiệm hết sức tích cực. Năm 2019 tiết kiệm ngân sách nhà nước, vốn nhà nước tại doanh nghiệp đạt 61.482 tỷ đồng. Bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát tốt hơn, giảm cả về số tuyệt đối và tương đối. Năm 2018 bội chi là 2,8% GDP, năm 2019 có 3,4%. Quy mô nợ công so với GDP đã giảm, cơ cấu nợ công bền vững hơn do kỳ hạn các khoản vay được kéo dài, lãi suất đi vay giảm, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước. Cuối năm 2019 dư nợ công khoảng 54,7% GDP, giảm gần 7% so với mức 61,3% GDP năm 2015, tăng dư địa về tài khoản. Quy mô thị trường vốn đã phát triển tích cực, đến cuối năm 2019 đạt 111,8%, góp phần huy động nguồn lực cho phát triển, giảm áp lực về vốn lên hệ thống ngân hàng.
Qua thảo luận tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội cho rằng, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 nhưng tăng trưởng GDP trong quý I/2020 đã đạt 3,82%, thuộc nhóm những nước tăng trưởng cao của khu vực và trên thế giới; lạm phát được kiểm soát, giá tiêu dùng được bình ổn; an ninh năng lượng, an toàn thực phẩm được bảo đảm… Các đại biểu Quốc hội cho rằng, mặc dù năm 2019 nước ta đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2019 đã đạt được nhiều kết quả rất đáng khích lệ.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn còn tồn tại, hạn chế cần tiếp tục khắc phục như: Về thu ngân sách, tỷ lệ huy động từ phí, thuế có xu hướng giảm. Năm 2018 đạt 19,1% GDP, thấp hơn mục tiêu là 21% trong giai đoạn này. Số vượt thu từ tăng thu chuyển quyền sử dụng đất chiếm tỷ trọng lớn. Đây là khoản thu một lần, các khoản thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh chưa đạt dự toán, thu nội địa chưa đạt mục tiêu 85% trong tổng thu ngân sách nhà nước. Tình trạng chuyển giá, kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí, thiếu số thuế phải nộp còn xảy ra ở nhiều nơi. Nợ đọng thuế mặc dù được tập trung xử lý, thu hồi nhưng vẫn còn lớn hàng chục ngàn tỷ.
Về chi ngân sách nhà nước, chi thường xuyên vẫn có tỷ lệ cao. Tình hình chấp hành kỷ luật ngân sách chưa nghiêm. Kết quả thanh tra, kiểm toán đã chỉ ra nhiều sai phạm và phải xử lý số tiền lớn. Chi cho đơn vị sự nghiệp vẫn còn rất lớn, chậm giải ngân đầu tư công và có xu hướng chậm dần. Những năm gần đây số chuyển nguồn hàng năm lớn, trong khi đi vay để bù đắp bội chi, làm giảm hiệu quả sử dụng ngân sách. Về nợ công, tỷ lệ nợ công giảm nhưng áp lực trả nợ vẫn tăng.
Chủ động đón làn sóng đầu tư mới
Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, đại dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng và gây ra những hậu quả nặng nề, nhất là suy thoái kinh tế, các đại biểu đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm hóa giải khó khăn, tạo đà đưa đất nước bứt phá mạnh mẽ.
Ðại biểu Dương Xuân Hòa (Lạng Sơn) cho rằng, thời gian qua, với sự đứt gãy của nhiều chuỗi cung ứng, các hoạt động xuất, nhập khẩu và thương mại quốc tế cũng như hoạt động sản xuất của Việt Nam đã bị tác động mạnh, ảnh hưởng sâu sắc đến nền kinh tế. Yêu cầu lúc này là đổi mới tư duy phát triển, thay đổi cách làm, nâng cao năng lực, tận dụng thời cơ, chuyển hướng và tổ chức lại các hoạt động kinh tế; tìm các mô hình phát triển mới, tận dụng tốt các cơ hội thị trường và xu hướng chuyển dịch đầu tư, sản xuất trong khu vực và thế giới. Ðồng thời, phát huy mạnh mẽ vai trò của doanh nghiệp chủ động tham gia các liên kết kinh tế, chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị mà các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mang lại.
Ðại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) khẳng định, hiện làn sóng FDI không chỉ đến với Việt Nam mà còn hướng tới nhiều quốc gia khác. Vì vậy, cần phải có những chính sách và sự hỗ trợ kịp thời để thu hút FDI trên cơ sở điều chỉnh cơ cấu đầu tư hợp lý, có hệ thống chính sách thu hút một cách chọn lọc, bảo đảm lợi ích quốc gia và sự bình đẳng cho doanh nghiệp. Trong đó, cần chuẩn bị các điều kiện cần thiết, nhất là hạ tầng, nguồn nhân lực để chủ động đón đầu dòng dịch chuyển vốn. Tận dụng tốt cơ hội, ưu đãi của các hiệp định thương mại tự do; duy trì, phục hồi các thị trường xuất khẩu hiện có và mở rộng các thị trường mới; chủ động có kế hoạch, biện pháp cụ thể đối với từng ngành hàng, mặt hàng xuất khẩu chủ lực.
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường (TP. Hà Nội), chúng ta không có tham vọng và cũng không mong muốn thay thế Trung Quốc để trở thành công xưởng thế giới, nhưng đây chính là thời điểm rất tốt để chúng ta tái cấu trúc nền kinh tế, giúp Việt Nam đón cơ hội “hóa rồng”. Để biến những cơ hội trên thành hiện thực, bên cạnh những giải pháp của Chính phủ, phải có các giải pháp đặc biệt để biến các nhà đầu tư nước ngoài thành trụ cột cho các ngành sản xuất trong nước.
Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang):
Theo đánh giá của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế với tiến độ giải ngân hiện nay để hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 sẽ là thách thức rất lớn, mới chỉ giải ngân đạt 89.300 tỷ đồng, bằng 18,98% kế hoạch năm. Kế hoạch giải ngân năm 2020 là 700.000 tỷ đồng. Ở đây cũng có rất nhiều nguyên nhân. Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc thực hiện giải ngân chậm tiến độ là do một số vướng mắc về thể chế pháp luật, đầu tư công, với mục tiêu kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng vốn đầu tư công. Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư của năm 2020, đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, Trung ương quan tâm, sớm ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư…
—–
Nguyễn Thị Kim Thúy (TP. Đà Nẵng):
Việc biên soạn, xuất bản các bộ sách giáo khoa hoàn toàn dựa trên vốn tự có của các đơn vị xuất bản, đã tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước một khoản không nhỏ, đồng thời đánh dấu thành công bước đầu của chủ trương xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội còn nhiều hạn chế. Cụ thể, Nghị quyết 88 trao quyền cho các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn sách giáo khoa, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 01 năm 2020 hướng dẫn thực hiện quy định này. Nhưng theo phản ánh của cử tri ngành giáo dục, trên thực chất ở nhiều địa phương, quyền lựa chọn sách giáo khoa của cơ sở giáo dục phổ thông không được tôn trọng. Dư luận cũng phản ánh một số hiện tượng chạy chọt cửa sau, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa thực hiện đúng vai trò thanh tra, kiểm tra và chấn chỉnh những hiện tượng lệch lạc này.
Ánh Phương/TNVN
Nguồn: Cánh cò