Trang chủ Luận bàn - Phản biện Ông Lưu Bình Nhưỡng phủ nhận sạch trơn, cử tri và đại...

Ông Lưu Bình Nhưỡng phủ nhận sạch trơn, cử tri và đại biểu lên tiếng

184
0

Sáng hôm qua 15/6/2020, phát biểu tại phiên họp thảo luận về kinh tế xã hộ​i​ và ngân sách Nhà nước, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng nhắc đến vụ Hồ Duy Hải đồng thời dẫn lời ai đó, rằng:

“Họ nói, chưa từng bao giờ thấy niềm tin tư pháp Việt Nam thấp như bây giờ” và “Những sai lầm của tố tụng, sai lầm tư pháp đừng đổ lỗi cho những ĐBQH là làm rối. ĐBQH không bao giờ đi làm rối đất nước này”.

Phát biểu của ĐB Lưu Bình Nhưỡng ngay lập tức nhận được nhiều ý kiến phản đối từ ĐB khác và từ cử tri theo dõi. 

Ông Lưu Bình Nhưỡng phủ nhận sạch trơn, cử tri và đại biểu lên tiếng

Lý do mà ông Nhưỡng bị phản đối không phải vì ông phát biểu hay mà là ông phát biểu với thái độ không mấy bình thường và có ý cay cú, phủ nhận sạch trơn những thành tựu của hệ thống tư pháp trong bao nhiêu năm qua. Nguy hiểm hơn, nó dẫn dụ, hướng lái người dân hiểu sai lệch bản chất vấn đề. Chả thế, khi anh vừa phát biểu song thì RFA đã ngay lập tức bê nguyên phát biểu này chuyển tải đến khắp thế giới nhằm hạ uy tín của nền Tư pháp Việt Nam. Xem ảnh bên.

Đồng ý là tranh luận trước diễn đàn Quốc hội là một biểu hiện dân chủ, văn minh nhưng ý kiến cần chất lượng, khách quan và có tính xây dựng. Những phát biểu hằn học, cay cú hay quy chụp, một chiều, thiếu kiểm chứng hay mượn danh cư tri đều không phải là văn minh.

1.

Với tư cách là một cử tri, tôi không đồng tình với ý kiến của ông Lưu Bình Nhưỡng, bởi ông phủ nhận hoàn toàn nỗ lực của ngành tư pháp trong suốt mười mấy năm qua.

Thưa ông Lưu Bình Nhưỡng,

Kết luận của ông là không khách quan, bởi ông dùng phép quy nạp không hoàn toàn. Ông lấy một vài sự việc nhỏ lẻ để đánh giá toàn bộ các hoạt động tư pháp là không đúng. 

Nếu có một vài vụ việc cụ thể gây suy giảm hoặc mất niềm tin của một bộ phận người dân nào đó là chính xác. Nhưng bên cạnh đó còn quá nhiều điều tốt đẹp thì ông lại lờ đi không nhắc đến. 

Xin nói cho ông rõ, trong những năm qua, tư pháp nước nhà dẫu còn có hạn chế, khiếm khuyết, nhưng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Tôi còn nhớ, vào trung tuần tháng 11 năm ngoái, tại TP Hồ Chí Minh, Ban chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 49-NQ/TW đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về Đề án Tổng kết Nghị quyết số 49 – NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Cùng với việc đánh giá, nêu rõ kết quả lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Nghị quyết, dự thảo Báo cáo đã nêu rõ kết quả triển khai thực hiện 8 nhiệm vụ cải cách tư pháp, khẳng định rõ, qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW, công tác tư pháp, cải cách tư pháp đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng:

Thứ nhất, đã sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật về hình sự, dân sự, tố tụng tư pháp phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Thứ hai, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan, tổ chức được giao thực hiện các hoạt động tư pháp, bổ trợ tư pháp theo hướng phân định rõ hơn thẩm quyền quản lý hành chính với trách nhiệm, quyền hạn tư pháp; tăng quyền hạn, trách nhiệm và đề cao tính độc lập, chịu trách nhiệm trước pháp luật của các chức danh tư pháp.

Thứ ba, đổi mới tổ chức, hoạt động của các tổ chức hành nghề luật sư, công chứng, phù hợp với chủ trương xã hội hóa.

Thứ tư, thường xuyên quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ có chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp trong sạch, vững mạnh.

Thứ năm, ưu tiên đầu tư xây dựng trụ sở, phương tiện, trang thiết bị làm việc cho các cơ quan tư pháp phù hợp với tính đặc thù của hoạt động tư pháp.

Bên cạnh đó, đã đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế về tư pháp, đáp ứng các yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia và bảo vệ công dân Việt Nam ở nước ngoài. Đồng thời tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và các hoạt động giám sát của cơ quan dân cử, Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể nhân dân đối với các cơ quan tư pháp, hoạt động tư pháp. Hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án có nhiều tiến bộ, từng bước hạn chế được tình trạng oan, sai… góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, hội nhập quốc tế, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Chả lẽ những điều tôi vừa nói ở trên là tệ hại hả ông Lưu Bình Nhưỡng?

Bây giờ tôi sẽ nhường lời cho các ĐBQH khác.

2.

Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền, đoàn Cần Thơ nói: Không nên “phủ định sạch trơn nền tư pháp” và “không nên đánh giá hoạt động của cơ quan tư pháp thời gian gần đây là “tệ hại”. 

“Hoạt động tư pháp thời gian qua tuy có cái sai, có việc này, việc kia làm chưa tốt nhưng trong mấy chục năm thực hiện cải cách tư pháp đến bây giờ tôi khẳng định có thành tựu góp phần ổn định trật tự xã hội”, ông Quyền phát biểu và nhấn mạnh, “nếu chỉ có một vài vụ việc để đánh giá cơ quan tư pháp với thái độ như thế là không nên”.

3.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Sỹ Cương, đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận nói: “Tôi cho rằng, nhận định này là phủ định sạch trơn nền tư pháp”.

Ông Cương phát biểu và cho hay, khi ông không được nghiên cứu hồ sơ, theo dõi vụ án từ đầu đến cuối, cũng như không được cung cấp tài liệu chính thống thì ông không thể phát biểu về các vụ án.

“Nhiều phóng viên hỏi tôi vụ án này, vụ án khác. Nhưng xin lỗi tôi không thể trả lời được. Bởi vì sao, vì tôi không được nghiên cứu hồ sơ, tôi không theo dõi vụ việc từ đầu. Tôi không được cung cấp những tài liệu chính thống của ngành. Nên tôi không thể phát biểu được”- Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương phát biểu.

Tất cả những nhận định, phán đoán, suy luận về một vụ án nào đó nếu chỉ dựa trên thông tin báo chí, thông tin mạng xã hội thì chỉ mang tính chất tham khảo.

***

Cũng trong buổi thảo luận hôm qua, ông Lưu Bình Nhưỡng phát biểu quy chụp: “Tôi biết hiện nay có chuyện chặn đường thông tin đại biểu và cá nhân tôi. Tôi biết chứ không phải không biết”.

Tôi thực sự ngạc nhiên vì phát biểu sốc của ông Nhưỡng. Nói như thế có nghĩa là ông bị cơ quan nào đó hay ai đó đang theo dõi, hạn chế quyền công dân của ông à? Ông có chứng cứ không?

Tôi tin là ông phát biểu cảm tính thôi. Chứ người như ông thì chỉ một thông tin trên mạng mà ông cũng còn tin đó là chứng cứ để đưa ra tranh luận trước Quốc hội, huống chi chuyện tày trời như thế này. Ông cũng từng nghe nói công an “mua dao, thớt về làm chứng cứ trước tòa” trong vụ Hồ Duy Hải. Nhưng thực tế các cơ quan tố tụng không sử dụng con dao, chiếc thớt được dân phòng mua về làm vật chứng trước tòa. Nó chỉ được mua để mô phỏng các tình tiết của vụ án mà thôi. Nói như thế để ông phát biểu phải bằng những chứng cứ xác thực chứ không thể “nghe nói” được.

Trở lại vấn đề, liên quan đến phát biểu hồ đồ này của ông Nhưỡng, Phó chủ tịch quốc hội Phùng Quốc Hiển người chủ trì phiên thảo luận đã có ý kiến ngay: “Không có cơ chế nào chặn thông tin đến đại biểu cả. Nếu đại biểu có thông tin thì cung cấp cho Đoàn chủ tịch biết”.

Kết: Một phiên họp Quốc hội khi phát biểu đánh giá nền tư pháp của một đất nước mà một ông nghị như ông Lưu Bình Nhưỡng lại nói là nghe qua người này người kia trên điện thoại, tin nhắn thì…đúng là chưa bao giờ niềm tin của chúng tôi vào ông lại thấp đến mức thảm hại như thế.

Ong Bắp Cày

Nguồn: Tre làng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây