Tranh luận (hoặc tranh biện, tranh tụng) hình thức dùng lời lẽ để cùng nhau xác định sự thật hoặc tìm ra các giải pháp đúng đắn nhất để giải quyết vấn đề. Bảo vệ quan điểm của mình là cần thiết song phải bằng luận cứ thuyết phục chứ không phải là “chụp mũ” hoặc đe dọa đối tượng tranh luận. Sự công kích lẫn nhau lại càng nên tránh, tranh luận chứ đâu phải tranh hùng, tranh bá.
Gần đây, trên các diễn đàn khác nhau, xảy ra các tranh luận “nảy lửa”, được nhiều người quan tâm, theo dõi nhưng sự phê phán của dư luận xã hội cũng không ít bởi có hiện tượng quá khích, quá đà hiện diện ở các cuộc tranh luận đó. Vì thế, có thể mục đích của tranh luận không đạt được mà bị lái sang một chiều khác là phản ứng, “bật” lại, gây phản cảm với công chúng.
Khác với hình thức thảo luận ôn hòa để dẫn tới sự nhất trí cao, tranh luận có phần gay gắt hơn nhưng cũng cùng mục đích là tìm ra sự đồng thuận trong một mối quan tâm chung dù quan điểm khác nhau. Nếu trong tranh luận có sự dọa dẫm hoặc hạ thấp, coi thường ý kiến của người tranh luận với mình thì chẳng bao giờ tìm được tiếng nói chung cả.
Hình minh họa
Chúng ta phải thừa nhận là trong đời sống cộng đồng lưu truyền một thói quen xấu là “nói xấu” lẫn nhau. Thói xấu đó thường diễn ra “sau lưng” người bị nói xấu, cho dù ngày nay nói xấu nhau được đưa công khai lên mạng xã hội nhưng cũng vẫn chỉ là “sau lưng” thôi, đâu có trực diện. Người nói xấu thì thoải mái bêu riếu đối tượng, thậm chí mắng chửi, quy chụp đối tượng mà mình nhắm đến.
Như vậy, họ tự đặt mình lên trên, “mục hạ vô nhân” và tất nhiên, hậu quả tự họ gây ra là họ trở nên xấu xa trong con mắt người khác. Người ta mắc khuyết điểm, bị xử lý thích đáng, hà cớ gì mà a dua nhau bới móc đời riêng, bêu riếu, hạ nhục… Những cái đó chẳng những chẳng làm người ta tốt lên mà chỉ gây thù hận.
Phê phán hành vi xấu là cần thiết những sự bêu riếu. Tệ hại hơn, những phát biểu, ý kiến được trình bày trong một ngữ cảnh nhất định thì bị cắt xén và chuyển sang một ngữ cảnh khác hoàn toàn rồi công kích, chê bai… đó là một kiểu “chụp mũ” thảm hại chứ đâu phải sự phê phán xã hội.
Có những trường hợp, thay vì tranh luận với người đã chỉ ra cái sai của mình thì quay sang bao biện cho cái sai đó. Sự bao biện đầy tính bảo thủ khăng khăng mình đúng nhiều khi trở thành trò cười cho thiên hạ. Chẳng hạn, tác giả “sáng tạo” từ “xét sử” bảo là đúng chính tả vì “sử” ở đây là “lịch sử”, nghĩa là “xét lịch sử”.
Chẳng có từ ghép nào như thế cả và duy nhất đúng chỉ có “xét xử” mà thôi. Bao biện như thế, dân gian gọi là “cãi chày, cãi cối” hoặc “cãi cùn”. Tiếc thay, ngay cả ở các cuộc tranh luận nghiêm túc nhất cũng có hiện tượng này.
Chúng ta cần đến sự tranh luận để làm sáng tỏ vấn đề. Sự tranh luận đó phải đặt trong một quan hệ tôn trọng lẫn nhau và cầu thị. Nếu khác đi đâu còn là văn hóa tranh luận mà trở thành cãi nhau tay đôi mà thôi!
Phaly (Pháp luật Việt Nam)
Nguồn: Đấu trường Dân chủ