Trang chủ Luận bàn - Phản biện Chỉ vài vụ mà đánh giá cơ quan tư pháp với thái...

Chỉ vài vụ mà đánh giá cơ quan tư pháp với thái độ như thế là không nên

186
0

Vụ án Hồ Duy Hải và những vấn đề tồn tại của công tác tư pháp lại tiếp tục làm nóng nghị trường trong phiên thảo luận kinh tế – xã hội, ngân sách sáng nay, 15.6.

Chỉ vài vụ mà đánh giá cơ quan tư pháp với thái độ như thế là không nên

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (trái) và đại biểu Nguyễn Văn Quyền

“Những sai lầm của cơ quan tố tụng, tư pháp đừng đổ lỗi cho đại biểu Quốc hội làm rối”

Là một trong những đại biểu đầu tiên tham gia phiên thảo luận được truyền hình trực tiếp, Phó trưởng Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho biết, đêm qua (14.6), ông nhận được rất nhiều tin nhắn, điện thoại của nhiều người, trong đó có cả lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước đã về hưu.

“Họ nói, chưa từng bao giờ thấy niềm tin tư pháp Việt Nam thấp như bây giờ. Họ nói thế này, đừng đi bào chữa”, ông Nhưỡng nói, và cho biết, tất cả vụ án gây dư luận trái chiều trong thời gian qua, ông đã ngồi cả đêm để đọc, xem xét từng bản án của vụ án Hồ Duy Hải và thấy rằng có rất nhiều vấn đề liên quan tới tố tụng, tư pháp hiện nay.

“Những sai lầm của tố tụng, sai lầm tư pháp đừng đổ lỗi cho những đại biểu Quốc hội là làm rối. Đại biểu Quốc hội không bao giờ đi làm rối đất nước này. Nếu không đại biểu Quốc hội phát hiện ra điều đó, không kiên quyết vấn đề đó, thì liệu các đồng chí có đàng hoàng làm không?”, Phó trưởng Ban Dân nguyện đặt vấn đề.

Đại biểu Nhưỡng cũng đề nghị cần phải giám sát chặt chẽ hơn với công tác tư pháp và đề nghị có chuyên đề riêng về việc giải quyết các vụ án nghiêm trọng tư pháp.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nói về vụ án Hồ Duy Hải trước quốc hội vào sáng 15.6.2020

“Chỉ có một vài vụ việc mà đánh giá cơ quan tư pháp với thái độ như thế là không nên”

Giơ biển tranh luận, đại biểu Nguyễn Văn Quyền (Cần Thơ), Chủ tịch Hội Luật gia, Ủy viên Ban chỉ đạo cải cách tư pháp T.Ư, bày tỏ đồng tình với ý kiến của một số đại biểu đề cập về cái sai của cơ quan này, cơ quan kia. “Nếu cơ quan này, cơ quan kia, kể cả cơ quan tư pháp, có sai thì nên tính toán để sửa. Đây là điều chúng tôi và toàn dân mong muốn”, ông Quyền nói.

Tuy nhiên, theo ông Quyền, không nên đánh giá hoạt động của cơ quan tư pháp thời gian gần đây tệ hại như một ý kiến đại biểu đã đánh giá.

“Hoạt động tư pháp thời gian qua, tuy có cái sai, có việc này việc kia làm chưa tốt nhưng đại thể trong mấy chục năm nay cải cách tư pháp, đến bây giờ tôi vẫn khẳng định nền tư pháp có thành tựu, góp phần cho ổn định trật tự xã hội. Có như vậy chúng ta mới yên tâm trong vấn đề cho các cơ quan phát triển sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân. Nếu chúng ta chỉ có một vài vụ việc mà đánh giá cơ quan tư pháp với thái độ như thế là không nên”, ông Quyền nói.

Theo Chủ tịch Hội Luật gia, quan trọng nhất bây giờ là làm sao để các cơ quan tư pháp cùng nhau sửa sai, những tồn tại, khuyết điểm để tới đây chúng ta cùng đưa hoạt động tư pháp tốt hơn, chất lượng, hiệu quả hơn, làm sao tránh được cái oan, cái sai cho người dân và đưa nền tư pháp tốt hơn.

“Tôi tin rằng, vấn đề này các đồng chí trong Ban chỉ đạo cải cách tư pháp, các đồng chí trong lĩnh vực tư pháp đều có suy nghĩ làm sao chúng ta cùng nhau đưa tư pháp tốt lên”, đại biểu Cần Thơ nói thêm.

Có chuyện chặn đường thông tin tới đại biểu?

Cũng tranh luận với đại biểu Nhưỡng, đại biểu Nguyễn Sĩ Cương (Ninh Thuận) cho rằng, đại biểu Nhưỡng đưa ra nhận định chưa bao giờ uy tín của nền tư pháp xuống thấp như bây giờ nhưng nói là tiếp nhận qua điện thoại, tin nhắn của một số cá nhân thì có được coi là có cơ sở hay không, vì nhận định này là phủ nhận sạch trơn thành tựu của nền tư pháp. 

“Ở đây đặt ra vấn đề là cơ chế thông tin đến đại biểu mà khi thảo luận về luật Tổ chức quốc hội mà tôi đã nói. Đó là làm thế nào để có cơ chế thông tin chính thức cho các đại biểu Quốc hội một cách chính thống để khi thảo luận đưa ra nhận định”, đại biểu Cương nói.

Bên cạnh đó, đại biểu Ninh Thuận khẳng định, mình đồng tình với ý kiến của đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) trong phiên thảo luận 13.6. “Đại biểu Phạm Hồng Phong có ý kiến bảo vệ ngành nhưng vô tình xúc phạm đại biểu khác là không nên”, ĐB Cương nói.

Trong phần tranh luận sau đó, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đã cảm ơn đại biểu Cương về cơ chế thông tin cho đại biểu. “Tôi biết hiện nay có chuyện chặn đường thông tin đại biểu và cá nhân tôi. Tôi biết chứ không phải không biết”, ông Nhưỡng khẳng định. 

Ngay sau đó, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, người điều hành phiên thảo luận, khẳng định: “Không có cơ chế nào chặn thông tin đến đại biểu cả. Nếu đại biểu có thông tin thì cung cấp cho Đoàn chủ tịch biết”.

Cuộc tranh luận về những sai sót của công tác tư pháp từ các vụ án gây xôn xao dư luận thời gian gần đây như vụ Hồ Duy Hải (Long An), vụ ông Lương Hữu Phước ở Bình Phước tự sát sau khi tòa tuyên án… giữa các đại biểu Quốc hội bắt đầu từ phiên thảo luận ngày 13.6.

Ban đầu, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) nêu việc một số vụ án vừa qua gây bức xúc, nghi vấn trong các tầng lớp người dân về tính đúng đắn trong phán quyết của tòa án, cũng như vi phạm hoạt động tố tụng, như vụ án Hồ Duy Hải; vụ lùi xe trên đường cao tốc; vụ bị cáo nhảy lầu tự tử ở trụ sở TAND Bình Phước ngay sau khi tòa tuyên án…

Sau đó, đại biểu Phạm Hồng Phong (Hậu Giang), Phó chánh án TAND cấp cao tại TP.HCM, đã có tranh luận, cho rằng khi xét xử thì HĐXX phải dựa vào hồ sơ, có những vụ án hồ sơ là cả xe ô tô, phải kiểm tra chứng cứ qua lời khai, tranh tụng tại tòa, rồi mới đưa ra được phán quyết đúng đắn.

“Chúng ta không nên chỉ qua một vài trang giấy, cũng như một vài bình luận của báo để đưa ra nhận định thì thiếu cơ sở”, đại biểu Phong nói, và cho biết hiện nay rất nhiều thế lực phản động đang chống phá Đảng, Nhà nước, đòi tam quyền phân lập, nên phải hết sức cảnh giác.

Đến phiên thảo luận chiều cùng ngày, đại biểu Hoàng Đức Thắng tiếp tục tranh luận với đại biểu Phong, cho rằng “phát biểu của đại biểu Phong vô hình trung dẫn dắt suy nghĩ là đại biểu Quốc hội nói theo báo chí, dư luận phản động, dễ dẫn tới tổn thương tư cách đại biểu Quốc hội”.

Bày tỏ đồng ý với đại biểu Phạm Hồng Phong ở điểm “là đừng để lực lượng chống phá ta lợi dụng”, đại biểu Thắng cho rằng “vậy thì đơn giản là chúng ta không để họ có gì lợi dụng”, “phải sửa mình cho tốt, không làm sai làm trái thì ai chống phá ta được?”.

“Khi làm đúng rồi thì người dân luôn bên ta”, ĐB Thắng chia sẻ, và nói thêm: “Tôi tin rằng ngành tòa án không thể không có sai lầm, khuyết điểm, nếu không nói có cả vi phạm pháp luật”. Do đó, đại biểu Thắng nêu ra kiến nghị để ngành tòa án, cơ quan tư pháp tự soi lại, kiểm tra lại, rà soát lại có đúng như dư luận hay không?

Cũng tranh luận với đại biểu Phạm Hồng Phong, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng, không công khai phê bình những khuyết điểm của mình vì sợ kẻ địch lợi dụng để phản tuyên truyền, giảm bớt uy tín của đoàn thể và chính quyền là “tưởng lầm”, “là ốm mà sợ thuốc”.

“Một khi đã phạm khuyết điểm thì dù mình muốn bưng bít người ta cũng biết. Chúng ta học Hồ Chủ tịch chính là khi có khuyết điểm thì nêu ra, khi cho rằng có thể có khuyết điểm cũng nêu ra, để bàn bạc với nhau”, đại biểu Nghĩa nói. 

Lê Hiệp/Báo Thanh Niên Online

Nguồn: Tre làng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây