Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng dân làng Ia O, huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) vẫn đang ngày ngày nỗ lực gìn giữ, bảo tồn hàng trăm bộ chiêng quý. Bởi với dân làng Ia O, cồng chiêng chính là thước đo sự sung túc, giàu có.
Xã lưu giữ nhiều cồng chiêng nhất
Là một xã biên giới của huyện Ia Grai, đời sống của người dân Ia O còn vô vàn khó khăn, vất vả. Bởi khó khăn nên vấn nạn “chảy máu cồng chiêng” đã và đang diễn ra ở nhiều nơi của tỉnh Gia Lai. Còn với người dân ở xã Ia O, cồng chiêng là báu vật không chỉ của gia chủ sở hữu, nó còn đại diện cho truyền thống của làng. Vì vậy, qua nhiều thế hệ, xã Ia O đã và đang nỗ lực gìn giữ những bộ chiêng quý, giữ vững thành tích “xã nhiều cồng, chiêng nhất huyện”.
Về xã Ia O nhắc đến gia đình “giàu có” nhất hẳn ai cũng biết đến gia đình ông Rơ Chăm Lin – Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn Mít Jép. Bởi hiện ông Lin đang sở hữu khoảng 40 chiếc cồng, chiêng lớn nhỏ, trong đó có những chiếc chiêng có giá trị từ 300-400 triệu đồng.
Theo chân anh Rơ Mah Hyui- cán bộ văn hóa xã Ia O, chúng tôi đến thăm ông Rơ Chăm Lin. Vừa đến trước cổng, phía trong ngôi nhà sàn bằng gỗ khang trang, rộng rãi nép dưới tán cây xanh mát vang vọng ra âm thanh trầm hùng rất đặc biệt. Đon đả đón khách, ông Lin dẫn chúng tôi vào tham quan căn phòng cất giữ chiêng quý. Những bộ chiêng được ông bao bọc cẩn thận trong một lớp túi mây tre đan chắc chắn, có lót vải và xếp ngay ngắn trên một chiếc kệ gỗ sát tường. Trong số 40 chiếc cồng, chiêng ông đang sở hữu, 2 chiếc chiêng Pat có giá trị nhất. Theo ông Lin “Mỗi chiếc chiêng Pat trị giá khoảng 300-400 triệu đồng và có nhiều người hỏi mua vì chiêng này giờ rất hiếm, không phải ai cũng có được. Loại này gia đình tôi mua vào năm 2005 với giá 50 triệu đồng”.
Chiêng Pat hoàn toàn được đúc bằng đồng. Viền của chiêng được gò công phu, dày dặn, mép tròn, cạnh không sắc. Trên núm có một đường dập trơn bắt ngang, phải quan sát kỹ hoặc sờ bằng tay mới biết. Lòng chiêng được chia thành 3 vòng rõ rệt. Trong đó, vòng gần với phần núm có nhiều lỗ chấm nhỏ, vòng tiếp theo trơn mịn, vòng cuối cùng có những đường vân đồng nhỏ li ti nổi. Những đường vân hay nét chấm đều đặn, đẹp mắt sẽ quyết định giá trị của một chiếc chiêng Pat.
Đặc biệt, chiêng Pat không bao giờ được chỉnh âm bởi bản thân âm thanh của nó đã rất đặc biệt. Bên cạnh đó, cách sử dụng cũng phải rất cẩn thận, công phu để không làm chiêng lạc nhịp. Vừa cặn kẽ giải thích với chúng tôi, ông Lin với lấy chiếc dùi gõ vào chiếc chiêng, lập tức âm thanh trầm ấm lan xa, vang vọng. “Chiêng Pat thường giữ vị trí chủ đạo, đi đầu trong dàn cồng, chiêng. Âm thanh của nó chuẩn mực, bắt nhịp cho các chiêng khác”, ông Lin cho biết thêm.
Rời gia đình ông Lin, chúng tôi đến thăm gia đình ông Rơ Châm Luyên (làng O), còn giữ 4 chiêng quý, trong đó có 2 chiếc chiêng Pat. Điều đặc biệt khiến chúng tôi phải tìm gặp được gia đình ông vì 2 chiếc chiêng quý đã được truyền lại đến 4 đời. Vì vậy, với ông Luyên, 2 chiếc chiêng Pat là vật báu, không phải ai cũng được nhìn ngắm và tự tiện đem ra sử dụng. Ông chia sẻ: “Đây là có cán bộ văn hóa tới nên mới đưa chiêng ra, chiêng này bây giờ quý lắm, ít người có nên phải bảo vệ cẩn thận”.
Nỗ lực giữ “hồn” chiêng
Trong nhiều năm qua, trước sự săn lùng chiêng quý, nhiều ngôi làng của tỉnh Gia Lai đã không còn giữ lại được cồng, chiêng. Để bảo tồn được số lượng cồng, chiêng vừa nhiều, vừa quý như ở xã Ia O thực sự là một nỗ lực lớn.
Theo thống kê số lượng cồng, chiêng mà xã Ia O còn lưu giữ nhiều nhất huyện Ia Grai với hơn 500 bộ. Trong đó có khoảng 250 chiếc chiêng quý như chiêng Pat, chiêng Pom. Ông Rơ Mah Hyui- cán bộ văn hóa xã Ia O, huyện Ia Grai cho biết: “Để bảo tồn và duy trì được số lượng cồng, chiêng như hiện nay phải trông cậy vào chính những người đang lưu giữ. Rất may mắn ở xã Ia O này, người dân xem cồng, chiêng như một phần của cuộc sống nên gìn giữ rất kỹ. Nếu không phải người trong làng hay người quen thì tuyệt đối không bao giờ được lấy chiêng ra. Hơn nữa, nhiều gia đình khá giả trong làng vẫn tìm mua thêm chiêng để cất giữ. Đây thực sự là động lực cho ngành văn hóa của xã tiếp tục góp sức để gìn giữ cồng, chiêng”.
“Bên cạnh đó, ngành văn hóa cũng tích cực tuyên truyền, vận động và khuyến khích người dân gìn giữ cồng, chiêng; thường xuyên tổ chức các lễ hội, cuộc thi, trình diễn… tạo sân chơi cho các già làng, trẻ nhỏ được hòa nhịp cùng cồng, chiêng. Từ đó cồng, chiêng luôn có không gian để sống, để lan tỏa”, anh Hyui cho biết thêm.
Được biết, thời gian tới, thực hiện chỉ đạo của Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch và Ủy ban nhân dân huyện Ia Grai, xã Ia O tiếp tục rà soát, kiểm kê số lượng cồng, chiêng, phân loại chi tiết, từ đó xây dựng các kế hoạch, xin kinh phí để bảo tồn, quản lý hiệu quả, góp phần gìn giữ và bảo tồn giá trị di sản văn hóa cồng, chiêng mãi vang ngân trong các làng đồng bào dân tộc thiểu số.
Nguồn: Báo Tin tức