Trang chủ Chính trị Nguy cơ Việt Nam thiếu gạo cho dân dùng trong nước là...

Nguy cơ Việt Nam thiếu gạo cho dân dùng trong nước là có thật

136
0

Hôm nay (15/6), Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh giải trình tại Quốc hội về lý do tạm dừng xuất khẩu gạo hồi cuối tháng 3/2020.

Nguy cơ Việt Nam thiếu gạo cho dân dùng trong nước là có thật
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh. Ảnh Nhật Minh

Trong hai ngày Quốc hội thảo luận về kinh tế- xã hội, vấn đề điều hành xuất khẩu gạo được nhiều đại biểu truy trách nhiệm tư lệnh ngành. Đại biểu Nguyễn Thị Xuân Thu (Khánh Hoà) cho rằng, đang có sự lúng túng, thiếu nhất quán trong đề xuất ngừng xuất khẩu gạo.

Trong khi đó, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) viện dẫn việc Tổng cục Hải quan mở hệ thống thông quan hàng hoá tự động lúc 0h, gây phản đối mạnh mẽ vừa qua. Đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo thống nhất, tháo gỡ các điểm nghẽn, thậm chí nếu cần thiết thì thành lập Ban Chỉ đạo.

Được mời giải trình vào sáng nay (15/6), Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết: trong 5 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 3 triệu tấn gạo, tăng hơn 11% so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch đạt 1,48 tỉ USD, tăng hơn 25% so với cùng kỳ.

Mặc dù có sự gián đoạn nhất định, song Bộ trưởng Tuấn Anh khẳng định, công tác điều hành xuất khẩu gạo đã bảo đảm được những yêu cầu quan trọng nhất như đảm bảo tiêu dùng trong nước, an ninh lương thực…

Tuy nhiên theo ông Trần Tuấn Anh, trong thời gian dịch COVID-19, nhu cầu tăng dự trữ chiến lược tại nhiều quốc gia khiến giao dịch gạo hết sức sôi động, gạo bị hút rất mạnh ra khỏi Việt Nam, giá gạo trong nước và thế giới liên tục tăng.

Cùng thời điểm này, nhất là vào trung tuần tháng 3, Việt Nam đối diện với nguy cơ bùng phát dịch bệnh, tâm lý người dân có dấu hiệu không ổn định, theo Bộ trưởng, khi đó, nguy cơ thiếu gạo cho tiêu dùng trong nước là có thực.

“Nếu xảy ra biến cố, lượng gạo tại ĐBSCL dù được mùa cũng sẽ không đủ dùng cho nhu cầu trong nước nếu tiếp tục cho phép xuất khẩu với tốc độ lên tới 25 nghìn tấn/ngày như 15 ngày đầu tháng 3 vừa qua”, Bộ trưởng Công Thương cho hay.

Đến tháng 4 và tháng 5, khi dịch bệnh trong nước được kiểm soát, tâm lý người dân đã ổn định trở lại, Bộ trưởng cho biết: không còn hiện tượng mua gom, tích trữ nhu yếu phẩm như trước. Dự tính lượng gạo còn lại có thể xuất khẩu từ đầu tháng 5 tới giữa tháng 6 khoảng 1,3 triệu tấn. Thường trực Chính phủ cũng đồng ý với đề xuất của Bộ Công Thương, từ ngày 1/5 cho phép hoạt động xuất khẩu gạo trở lại bình thường.

“Có thể khẳng định chúng ta đã đạt được mục tiêu giãn tiến độ xuất khẩu gạo để bảo đảm tuyệt đối an ninh lương thực quốc gia trong giai đoạn dịch bệnh COVID19 diễn biến phức tạp nhất. Dự báo năm 2020 Việt Nam sẽ là quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay.

Luân Dũng/TP


Nguồn: Cánh cò

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây