Dịch COVID-19 là một “cú đòn” bất ngờ đối với ngành âm nhạc thế giới nói chung và Nhật Bản nói riêng, buộc ngành này phải “vật lộn” tìm hướng đi mới để tồn tại. Trong đó, âm nhạc trực tuyến là một xu hướng mới trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay.
Theo ước tính của Viện nghiên cứu Pia, khoảng 150.000 buổi trình diễn âm nhạc (concert) với tổng trị giá 330 tỷ yen (hơn 3 tỷ USD) đã bị hủy tại Nhật Bản tính đến cuối tháng 5. Nhiều nghệ sỹ cho biết họ đang gặp khó khăn vì bị buộc phải hủy nhiều buổi trình diễn. Nhưng không giống như các doanh nghiệp bị buộc đóng cửa, họ lại không nhận được hỗ trợ nào từ chính phủ để bù đắp cho những tổn thất về thu nhập.
Trong bối cảnh đó, các nghệ sỹ Nhật Bản đã tìm đến mạng Internet như một hướng đi mới để duy trì hoạt động. Dwango, đơn vị vận hành trang truyền phát video (streaming video) Niconico, đã tổ chức nhiều buổi concert trực tuyến miễn phí về âm nhạc cổ điển hồi tháng 3.
Công ty này cho biết trên 200.000 người đã theo dõi các sự kiện nói trên. Một người phát ngôn của Dwango cho rằng đây là dấu hiệu rõ nét cho thấy các buổi concert trực tuyến có thể trở thành một trải nghiệm thực sự với khán giả.
Theo Kyoko Yagi, một giảng viên của Đại học Toyo University, người đã làm việc trong ngành giải trí Nhật Bản và đóng góp vào sự ra đời của lễ hội âm nhạc lớn nhất nước này là Summer Sonic, trước đại dịch, nhiều người không đánh giá cao concert trực tuyến vì họ cho rằng được đứng chung một không gian với các nghệ sỹ là giá trị gia tăng lớn nhất mà một buổi diểu diễn trực tiếp mang đến cho khán giả. Dù vậy, bà nhận định rằng các concert trực tuyến sẽ trở thành một loại nội dung mới và sẽ được chấp nhận nhiều hơn.
Yuji Maeda, Chủ tịch của công ty khởi nghiệp Showroom, cũng cùng quan điểm. Trong tháng 5, ứng dụng cho phép người dùng phát trực tiếp (livestream) các buổi biểu diễn của Showroom đã chứng kiến mức tăng trưởng cao chưa từng có, cả về số người dùng đăng ký và số khán giả hàng ngày.
Được thành lập vào năm 2013, Showroom mang đến cho nghệ sĩ và người hâm mộ một nền tảng nơi mà họ có thể tương tác với nhau qua các đoạn phát trực tiếp và tính năng trò chuyện. Người hâm mộ có thể tạo hình đại diện riêng và mua quà ảo để tặng cho các nghệ sĩ mà họ yêu thích. Showroom sau đó sẽ chia doanh thu cho các nghệ sĩ.
Tuy nhiên, Maeda cho rằng tạo ra lợi nhuận là một rào cản đối với các dịch vụ livestream, khi phần lớn mọi người sẽ không bỏ ra quá 1.000 yen để theo dõi một buổi concert trực tuyến. Ông cho biết: “Trong thời COVID-19, chúng tôi phải mang đến giá trị mới mà chỉ hình thức livestream mới có thể mang lại, như tương tác thân mật giữa người hâm mộ và nghệ sĩ. Và chúng tôi cần tạo ra một mô hình tạo lợi nhuận cho các dịch vụ này”.
Nhiều nghệ sỹ ở nước ngoài đã có thể thu lợi nhuận từ các dịch vụ trực tuyến. Các nhóm nhạc nổi tiếng của Hàn Quốc như SuperM và BTS đã tổ chức các concert trực tuyến trong tháng 4 thông qua dịch vụ livestream có tên V Live của Naver. Khoảng 75.000 người đã mua vé với giá trung bình 30 USD/vé để theo dõi các concert này. Qua đó, Maeda tin rằng dịch vụ livestream có khả năng mở rộng thị trường cho ngành giải trí.
Để có thể làm được điều đó, bà Yaki nhấn mạnh ngành giải trí cần hợp tác với các ngành khác nhau như các công ty công nghệ thông tin, và đây là chìa khóa để số hóa ngành âm nhạc.
“Ông lớn” viễn thông KDDI của Nhật Bản, Showroom, công ty bán vé Pia Corporation và ba công ty khác hồi tháng 5 cho biết họ sẽ hợp tác với nhau để thúc đẩy dịch vụ livestream, giúp các nghệ sỹ tiếp cận với các nền tảng này.
Maeda nhận định: “Dịch COVID-19 đã tạo ra một sự thay đổi mà đáng lẽ chúng ta phải mất cả thập kỷ mới có được, đồng thời cho chúng ta cơ hội để tạo giá trị mới cho ngành âm nhạc”.
Nguồn: Báo Tin tức