Trang chủ Chính trị Trực tiếp: Quốc hội thảo luận về Chương trình mục tiêu Quốc...

Trực tiếp: Quốc hội thảo luận về Chương trình mục tiêu Quốc gia

131
0

Quốc hội thảo luận về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Đây là một trong những nội dung quan trọng được Quốc hội bàn bạc tại Kỳ họp thứ 9. Do đó, Quốc hội dành nửa ngày để các đại biểu thảo luận ở hội trường và nội dung được phát thanh, truyền hình trực tiếp để đồng bào và cử tri cả nước theo dõi.

Chính phủ cho biết, thời gian thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia là 10 năm và chia làm hai giai đoạn 2021 – 2025 và 2026 – 2030 với tổng vốn hơn 271.934 tỷ đồng. 

Chương trình được đánh giá có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đối tượng thụ hưởng là đồng bào vùng DTTS&MN, nơi đời sống của người dân còn rất nhiều khó khăn, nhất là vùng rẻo cao, biên giới, kinh tế – xã hội chậm phát triển, cơ sở hạ tầng yếu kém, hệ thống y tế, giáo dục, thiết chế văn hóa còn thiếu thốn.

Trực tiếp: Quốc hội thảo luận về Chương trình mục tiêu Quốc gia
Đại biểu Quốc hội thảo luận trên Hội trường tại Kỳ họp thứ 9

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết, mục tiêu cụ thể đến năm 2025 cải thiện cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội, tạo sinh kế giải quyết những vấn đề bức thiết của nhóm dân tộc rất ít người và dân tộc còn nhiều khó khăn đối với hơn 16.100 hộ; hỗ trợ tạo mô hình sinh kế, ổn định đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở 382 xã biên giới đất liền; góp phần tăng thu nhập bình quân người dân tộc thiểu số trên 2 lần so với 2020.

Chương trình cũng góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm trên 3%; phấn đấu giảm trên 60% số xã, thôn đặc biệt khó khăn so với tiêu chí năm 2020; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã đi lại thuận tiện bốn mùa…

Bên cạnh đó sắp xếp, ổn định dân cư cho hơn 12.000 hộ dân tộc thiểu số chưa được ổn định thuộc diện di cư tự phát; định canh, định cư bền vững cho hơn 1.300 hộ dân tộc thiểu số; bố trí ổn định dân cư vùng đặc biệt khó khăn, biên giới và khu vực nguy cơ cao về thiên tai cho hơn 51.200 hộ.

Định hướng mục tiêu đến năm 2030 thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số bằng 1/2 bình quân chung của cả nước; Giảm hộ nghèo xuống dưới 10%. Cơ bản không còn các xã, thôn đặc biệt khó khăn; 70% số xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới; Xóa tình trạng nhà ở tạm, dột nát…

Băn khoăn về nguồn lực

Cơ quan thẩm tra là Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cơ bản tán thành với sự cần thiết xây dựng Chương trình MTQG như Tờ trình của Chính phủ. Đây là một chương trình có tính đặc thù không chỉ phát triển kinh tế – xã hội, mà còn tích hợp thực hiện hơn 100 chính sách dân tộc.

Tuy nhiên, với nhu cầu đầu tư rất lớn trong khi khả năng nguồn lực đáp ứng có hạn, nếu đầu tư dàn trải, phân tán thì sẽ khó đạt được mục tiêu đề ra. Vì vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng những vấn đề cấp bách, bức xúc, lựa chọn đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cùng với các giải pháp có tính khả thi, phù hợp với từng giai đoạn, thực sự mang lại hiệu quả cao nhất.

Chính phủ đã dự kiến tổng mức vốn thực hiện Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 là 137.664,95 tỷ đồng; giai đoạn 2026-2030 là 134.270,70 tỷ đồng. Chủ tịch HĐDT Hà Ngọc Chiến cho rằng, tổng nguồn vốn đề xuất trên chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra và thấp hơn nhiều so với khái toán ban đầu trong Đề án tổng thể do Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 (335.421,367 tỷ đồng), đạt 41,04% so với khái toán ban đầu, trong khi mục tiêu không thay đổi.

Theo Tờ trình của Chính phủ, nguồn lực chủ yếu để thực hiện Chương trình là Ngân sách trung ương (giai đoạn 2021-2025 khoảng 105.000 tỷ đồng, chiếm khoảng hơn 76%) trong khi đó sự tham gia của nguồn vốn huy động hợp pháp khác rất nhỏ (khoảng 3.000 tỷ đồng, chiếm 2,16%). Do đó HĐDT đề nghị cần ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi, thu hút sự tham gia của tổ chức, cá nhân ngoài khu vực nhà nước đóng góp cho Chương trình, đồng thời có cam kết của các địa phương, bảo đảm bố trí đủ vốn thực hiện dự án.

“Có ý kiến băn khoăn cho rằng, kinh phí thực hiện Chương trình vẫn chưa khắc phục được hạn chế khi xây dựng chính sách dân tộc trước đây, đó là mục tiêu đề ra lớn nhưng không bố trí đủ nguồn lực. Đề nghị Chính phủ cần xây dựng kế hoạch, tập trung nguồn lực đầu tư để bảo đảm thực hiện các mục tiêu đã đề ra” – ông Hà Ngọc Chiến nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Chương trình MTQG đề xuất xây dựng mới này có mối quan hệ chặt chẽ với 2 Chương trình đang thực hiện là Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Đến nay, Chính phủ chưa báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện và chủ trương tiếp tục đầu tư hai Chương trình này giai đoạn sau năm 2020, do đó, chưa có đủ cơ sở để xem xét mối quan hệ giữa Chương trình MTQG này và các chương trình đang triển khai./.

Nguồn: VOV.vn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây